(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Trong chúng ta, đa số thường bắt đầu và kết thúc một ngày bằng việc lo cho đám trẻ. Sáng đưa, chiều đón, vui buồn cùng con cái nhiều khi chiếm tâm trí cả ngày.
Những ngày giãn cách, tuy không có điều kiện đưa đón con hay dẫn con đi dạo nhưng bù lại có thời gian chơi với con ở nhà, chắc chắn tình cảm con cái với cha mẹ được “cải thiện, nâng tầm” lên rất nhiều. Cuộc sống giãn cách cũng bớt ngột ngạt hơn khi trong căn nhà luôn rộn ràng tiếng bi bô của lũ trẻ.
Lúc đó, nhìn những bức hình các em bé trong bộ đồ bảo hộ phải theo cha mẹ vô các khu cách ly, bệnh viện, sao quá đau lòng. Cả nước ghi nhận hơn 11.800 trẻ em nhiễm Covid-19, hơn 27.300 trẻ là F1. Nhưng, đau lòng nhất là chỉ một thời gian ngắn, dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều ông bố bà mẹ, đẩy con cái vào cảnh mồ côi. Theo thống kê, có đến 1.517 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch Covid-19 ở TP.HCM.
Những lúc này, khi chúng ta đang đầy đủ các thành viên trong một mái ấm, thì ở một nơi nào đó trên mảnh đất hình chữ S này, và trên thế giới có những em bé đang ngơ ngác trước việc bố, mẹ (đau lòng hơn, nhiều trường hợp là cả 2) đi mãi chưa về.
Trong những bộ phận yếu thế nhất của xã hội, rõ ràng đầu tiên phải kể đến nhóm trẻ em, đặc biệt là trẻ mồ côi. Chúng ta bù đắp sao cho đủ nỗi trống trải thiếu vắng cha, mẹ của các em?!
Không cần những bản báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng ta cũng cảm nhận rõ những rủi ro rất lớn mà trẻ em mồ côi sẽ phải đối diện. Rủi ro, thiệt thòi về vật chất đã đành, những hao khuyết về tinh thần dẫn đến phát triển không trọn vẹn về sau mới là bi kịch lớn nhất. Không phải ai cũng có cái kết có hậu như chú bé Rémi trong Không gia đình của Hector Malot.
Sophia biết không, trong xã hội hiện đại, tôi thiết nghĩ, cần phải “mở rộng” khái niệm lẫn nội hàm hai từ "mồ côi" - đó là "mồ côi về tinh thần" khi các em thiếu vắng sự chăm sóc trực tiếp từ bố mẹ. Trong cuộc mưu sinh hàng ngày, biết bao phụ huynh phải rời xa con cái, đi đến các thành phố, phó mặc chúng cho người thân, tôi cho rằng đó cũng là một dạng thiếu vắng về tinh thần rất cần sự quan tâm của chính quyền, Hội, đoàn thể để các em có điều kiện được học hành, trở thành người tốt.
Mới đây nhất, một chuyện dở khóc, dở cười liên quan đến chú bé 12 tuổi ở tỉnh Hậu Giang. Em L.N.S. ở với bà, bố mẹ đi làm ăn xa. S. đã ăn cắp 18 triệu đồng của hàng xóm và sử dụng số tiền đó mua các nhu yếu phẩm cứu trợ cho bà con các hộ nghèo trên địa bàn ấp Xáng Mới, Xáng Mới A và ấp Thị Tứ, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Em không dùng đồng nào dù chỉ để mua cho mình chai nước ngọt. Rất may, câu chuyện này cũng có kết thúc nhân văn: Tiền trả lại khổ chủ, em L.N.S còn được tạo điều kiện đến trường sau mấy năm bỏ học.
Tôi không dám khẳng định em L.N.S sẽ có tiền đồ tươi sáng nhưng chí ít câu chuyện của em đã truyền cảm hứng về thông điệp: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nếu mọi đứa trẻ sinh ra được yêu thương từ gia đình, xã hội thì khó mà hư hỏng!
- Thư gửi robot Citizen: Thông điệp của 'Ranh giới'
- Thư gửi robot Citizen: Dấu chân người lính
- Thư gửi robot Citizen: Lời ru nơi tuyến đầu
Sophia thân mến!
Trở lại câu chuyện hơn 1.500 trẻ em mồ côi do dịch bệnh, chính quyền cũng đã có những hỗ trợ rất quan trọng ban đầu. Mặt khác, từ ngày 1/7/2021, chính sách đối với trẻ mồ côi sẽ được áp dụng theo các quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, đã mở ra cơ hội phát triển cho nhiều trẻ em mồ côi hơn trong tương lai.
Đặc biệt hôm qua, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T cho biết là sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để T&T nghiên cứu, xem xét phương án sẽ hỗ trợ lâu dài cho tất cả 1.517 em mồ côi, cũng như các em chẳng may sắp tới cũng rơi vào cảnh bị mồ côi do cha, mẹ nhiễm Covid-19 qua đời. “Sự mất mát của các em quá lớn, tôi nghĩ chúng ta phải làm gì đó để nâng đỡ các em vượt qua bi thương, trưởng thành lâu dài, có ích cho xã hội trong tương lai” - ông Hiển nói.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Tags