Thưởng thức truyện tranh: Có gì ngoài manga và siêu anh hùng?

Thứ Bảy, 14/12/2019 07:23 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới truyện tranh, người ta thường nhớ ngay đến manga (Nhật Bản) hay các bộ truyện tranh phương Tây (comic) về siêu anh hùng với DC, Marvel cùng những bom tấn điện ảnh ra rạp hàng năm. Nhưng không dừng lại ở Batman, Thor hay Iron Man, thế giới của truyện tranh rất phong phú, đa dạng tạo nên sức hút không ngừng của “nghệ thuật thứ 9”.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Cuốn truyện tranh siêu anh hùng đầu tiên của Marvel đạt giá triệu đô

Cuốn truyện tranh siêu anh hùng đầu tiên của Marvel đạt giá triệu đô

Công ty Heritage Auctions đã đấu giá cuốn truyện tranh đầu tiên của Marvel. Tác phẩm được xem là màn chào sân của các siêu anh hùng sẽ xuất hiện trong truyện và màn ảnh rộng sau này

Không thể phủ nhận điều đầu tiên tạo nên sức hút của truyện tranh chính là một “vũ trụ nhân vật” với những đặc điểm, tính cách, số phận vô cùng độc đáo. Đó là thế giới của các siêu anh hùng, những vị thám tử đại tài, tên tội phạm khét tiếng hay nhân vật người ngoài hành tinh, nhân vật đến từ tương lai…Sáng tạo chính là điểm tựa của comic và trong thế giới của truyện tranh, bất kỳ sự vật nào cũng đều có thể trở thành nhân vật chính.

“Vũ trụ nhân vật” đa dạng, phong phú của comic

Nhân vật của comic luôn thay đổi theo thị hiếu độc giả, phù hợp với xu hướng xuất bản nói chung và các yêu cầu về bản quyền. Trong thời kỳ đầu, comic tồn tại dưới dạng tranh biếm họa với tên gọi cartoon, chủ yếu là mô phỏng lại con người với những thói hư, tật xấu, mang yếu tố hài hước và được đăng định kỳ trên các tạp chí của Anh. Dấu ấn về các nhân vật huyền thoại bắt đầu vào năm 1912 với bộ truyện Under The Moons Of Mars cùng Tarzan - chàng trai có sức mạnh phi thường chinh phục muông thú.

Chú thích ảnh
Chàng cao bồi Lucky Luke là comic nổi tiếng của Bỉ

Nổi bật nhất của comic chính là thời đại của những siêu anh hùng, năm 1932, nhân vật Super Man- siêu anh hùng đầu tiên ra đời được miêu tả là người đàn ông có sức mạnh phi thường. Liên tiếp sau đó, Batman (1939), Captain Marvel (1940), Captain America (1941), Wonder Woman, Aquaman xuất hiện tạo nên một vũ trụ siêu anh hùng cực kỳ hoành tráng.

Giai đoạn 1941 - 1955, siêu anh hùng suy tàn và thế giới bắt đầu ưa chuộng thể loại tội phạm, kinh dị tiêu biểu như Crime Does Not Pay (Tội ác không cần trả giá) lấy cảm hứng từ những câu chuyện hình sự có thật. Những năm 1946 - 1947, một loạt comic về tội ác được phát hành là Phụ nữ ngoài vòng pháp luật, Tội ác của phụ nữ, Chiến tranh chống tội ác…Tính chất bạo lực, đẫm máu của thể loại này đã khiến độc giả quay lưng với comic trong thời gian dài và việc phát hành rất khó khăn.

Chú thích ảnh
Siêu anh hùng - biểu tượng tiêu biểu của comic (Ảnh Internet)

Tới năm 1971 các đạo luật truyện tranh được nới lỏng, nhân vật trong comic trở nên đa chiều và thú vị hơn với công thức Siêu anh hùng + Bạo lực + Biến chuyển tâm lý + Mâu thuẫn lý tưởng= nhân vật phản anh hùng. Có thể kể đến như Wolverine trong X-men hay Watch Man.

Bên cạnh sự phát triển - suy tàn - tái thiết của vũ trụ siêu anh hùng, comic vẫn dành một góc riêng cho các tuyến nhân vật khác chủ yếu là nhân vật dễ thương, nhân vật giả tưởng, quái vật, nhân vật phiêu lưu. Đa phần các bộ truyện đều mang tính giải trí nhẹ nhàng, gây cười và không quá bạo lực.

Nhận xét chung về thế giới nhân vật trong comic, Nguyễn Hoàng Dương (Biên tập viên Book Hunter) chia sẻ: “Siêu anh hùng đóng vai trò quan trọng trong comic, nhưng ngoài siêu anh hùng ra, sẽ còn rất nhiều nhân vật độc đáo, ấn tượng khác đáng để độc giả đón nhận.

Nhân vật trong comic có tính biểu tượng rất cao. Nó đại diện cho xã hội, tư tưởng, khát vọng của quốc gia nơi nó sản sinh, bên cạnh đó mỗi nhân vật đều thấm đẫm chất đời, Captain America bị sa thải, Super Man chết, Bruce Wayne bị liệt, siêu anh hùng cũng không thể tránh khỏi vòng xoay cuộc sống, nơi có những mất mát, khổ đau và họ buộc phải chấp nhận”.

Hành trình vòng quanh thế giới

Từ nơi khởi thủy Tây Âu đến những miền châu Á, châu Phi, từ “comic” đến “manga”, “manhwa” hay “Amar Chitra Katha”, truyện tranh đã ghi dấu ấn của mình ởkhắp mọi nơi, là “món ăn tinh thần” cho hàng triệu độc giả toàn cầu. “Vũ trụ nhân vật” ấy vẫn phong phú, đa dạng nhưng quan trọng hơn, khi được sản sinh và phát triển dưới mỗi nền văn hóa khác nhau, truyện tranh lại mang trong mình những dấu ấn thật đặc biệt.

Chú thích ảnh
Diễn giả Nguyễn Hoàng Dương trong buổi trò chuyện “Comic - có gì ngoài siêu anh hùng?”

Nguyễn Hoàng Dương cho biết: “Sự khác biệt này được thể hiện rõ nhất ở các khía cạnh như nội dung, cách xây dựng hình tượng, cách vẽ, thể loại, mô hình sáng tác…Với phương Tây cụ thể là Mỹ, Pháp, Bỉ, truyện tranh không có quá nhiều thể loại nhưng ngược lại tại Nhật, manga được chia thành nhiều dạng như truyện cho bé gái, truyện cho bé trai, truyện đồng tính, kinh dị, truyện tình cảm… Nhật là quốc gia duy nhất lưu hành “truyện tranh người lớn” và biến nó trở thành một nền công nghiệp mạnh”.

Xét trên khía cạnh sáng tác, các tác giả Nhật và Bỉ thường nghĩ cốt truyện và trực tiếp vẽ truyện tranh, nhưng điều này không phổ biến tại Mỹ. Đa số các comic đều chuyển thể từ tiểu thuyết nên mô hình sáng tác bộ đôi (hoặc sau này là bộ ba, bộ tứ)phát triển và được nhân rộng. Trong đó, sự phân chia giữa tổ nội dung và tổ minh họa là hoàn toàn rõ ràng.

Chú thích ảnh
Manga - truyện tranh Nhật Bản

Bên cạnh đó, thế giới nhân vật đều mang đậm yếu tố truyền thống, đặc trưng về lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia. Nếu comic Mỹ trọng những thể loại siêu anh hùng, kinh dị - tội phạm thì comic Bỉ lại đưa người đọc đến với các cuộc phiêu lưu mang tính chất hài hước, dễ đọc, dễ nhớ như Những cuộc phiêu lưu của Tin Tin, Lucky Luke…

Có sự ảnh hưởng của comic thế giới tới Việt Nam, điển hình là ở cách vẽ, cách tạo hình. Chúng ta thường học cách vẽ theo manga của Nhật khá nhiều với nhân vật mắt to, đầu to, chân tay nhỏ nhưng với truyện tranh Mỹ, các nét vẽ thiên về tả thực nhiều hơn.

Hiện nay truyện tranh Việt Nam đang ngày một phát triển, tuy không thể chiếm được ưu thế như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng điểm sáng là truyện tranh Việt Nam thú vị, hấp dẫn, gắn liền với đời sống và văn hóa người Việt tiêu biểu như Tí quậy, Dũng sĩ Hesman…

Chú thích ảnh
Dũng sĩ Hesman - tác phẩm tiêu biểu cho truyện tranh Việt Nam

193 năm của “nghệ thuật thứ 9”

193 năm kể từ ngày bộ comic đầu tiên mang tên The Glasgow Looking Glass ra đời, nội dung đơn giản, nét vẽ chưa được chỉn chu nhưng hơn hết, đây được xem là dấu mốc quan trọng cho những bước tiến vượt bậc của truyện tranhsuốt gần 2 thế kỷ. Từ châu Âu, truyện tranh đến Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, trở thànhngười bạn không thể thiếu của trẻ em, thậm chí truyện tranh có sức ảnh hưởng cực lớn, trở thành biểu tượng văn hóa cho một dân tộc.

Chú thích ảnh
Manhwa - truyện tranh Hàn Quốc

Không thể phủ nhận vẫn có những truyện tranh mang hơi hướng bạo lực, phản cảm, dễ đưa đến những sai lệch cho độc giả, nhưng đó chỉ là số ít, truyện tranh hiện nay đang ngày một tiến bộ cả về kỹ thuật vẽ lẫn nội dung, giúp người đọc nhận thức được cuộc sống, biết nỗ lực, biết ước mơ. Đặc biệt, khi hòa mình vào thế giới của truyện tranh, dù ta bao nhiêu tuổi, một góc trẻ thơ nào đóvẫn được khơi dậy trong tâm hồn.

Thật khó để giải mã một cách rõ ràngsức hút của truyện tranh, cũng thật khó để tìm ra giới hạn, biết được điểm dừng của “nghệ thuật thứ 9”. Phải vậy!Vì sáng tạo là vô hạn, vì trong tuổi hoa niên đẹp đẽ của mỗi chúng ta, ngoài những siêu anh hùng, vẫn cónhiều, thật nhiều các nhân vật truyện tranh ở đó.

Hiền Lương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›