(Thethaovanhoa.vn)-Nhìn lại 67 năm kể từ khi thành lập (15/3/1953), nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có rất nhiều thành tựu. Và, chúng ta có thể kế thừa - cũng như phát huy những gì - từ di sản ấy để tìm thêm sức sống cho hiện tại?
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đào Lê Na (Trưởng bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, Đại học Quốc gia TP.HCM) về vấn đề này.
* Nhìn tổng quan, điện ảnh cách mạng Việt Nam có những cái tên nào đáng chú ý, theo chị?
- Từ khi du nhập vào nước ta, điện ảnh đã trở thành người bạn lớn của cách mạng Việt Nam. Cần nhớ, việc thực hiện được những bộ phim trong thời chiến không hề đơn giản, nhất là khi chúng ta thiếu thốn rất nhiều máy móc, trang thiết bị lẫn kinh phí. Thực tế, những nhà làm phim cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu đã huy động hết mọi nguồn lực, từ việc tự mày mò học quay phim cho đến gây dựng những cơ sở dựng phim lưu động trên những chiếc thuyền rất gần với đồn địch.
Ngoài ra, nếu biết rằng những thước phim có tiếng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được thực hiện tại chiến khu Việt Bắc với các phương tiện in tráng thô sơ được làm từ các chiến lợi phẩm thu được trong chiến tranh như máy chiếu, vỏ đồ hộp, các trang thiết bị… ta sẽ càng nể phục những nhà làm phim cách mạng Việt Nam thời bấy giờ.
Bởi vậy, để có sự thành công vang dội của những phim truyện cách mạng Việt Nam về sau, chúng ta cần nhớ đến những nhà làm phim và những bộ phim đã đặt nền móng. Có thể kể ra một vài bộ phim tài liệu trước 1954 như Trận Đông Khê, Chiến thắng Tây Bắc, Giữ làng giữ nước, Chiến thắng Điện Biên Phủ… và những bộ phim tài liệu ghi lại giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như Chống hạn, Diệt dốt, Nước về Bắc Hưng Hải…
Về thể loại phim truyện, các tác phẩm của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã chọn những chủ đề rất thời sự, cập nhật. Số lượng phim ra đời trong thời kỳ chiến tranh không nhiều, nhưng những nhân vật như những người anh hùng ở chiến trường; những người dân đi theo cách mạng không phân biệt giới tính, dân tộc, độ tuổi; những người công nhân, nông dân mới… đều được khắc họa khá chân thực và thú vị. Có thể ví dụ qua những phim như Chung một dòng sông, Cô gái công trường, Khói trắng, Làng nổi, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vợ chồng A Phủ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm…
Thêm nữa, mặc dù là thời chiến nhưng những phim hoạt hình và phim khoa học cũng được chú ý phát triển, như các phim hoạt hình: Đáng đời thằng cáo, Chiếc vòng bạc, Thỏ đi học… và một số phim khoa học: Bèo hoa dâu, Cấy lúa kỹ thuật, Bảo vệ an toàn lao động…
*Nhưng nhìn lại, khác với giai đoạn từ 1960-1980, nền điện ảnh cách mạng giai đoạn đầu thập niên 1990 đến nay có ít những bộ phim chất lượng hơn. Xin chị lý giải về điều này?
- Tôi nghĩ, điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời và phát triển trong thời kỳ chiến tranh nên có sứ mệnh rất rõ ràng. Các bộ phim điện ảnh cách mạng phải tái hiện được không khí của thời đại, thay cho người dân bày tỏ tiếng lòng mình, cổ vũ tinh thần yêu nước. Sau khi đất nước thống nhất và sau thời bao cấp, Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường nên điện ảnh bắt đầu hướng đến việc sản xuất kinh doanh, từ đó buộc phải có những thay đổi.
Từ năm 1988, các xưởng phim đổi tên thành xí nghiệp và tự hoạch toán kinh doanh. Lúc này, việc phát hành phim đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển của điện ảnh. Nhưng việc phát hành phim thời kỳ đầu gặp rất nhiều khó khăn bởi sự thay đổi thị hiếu xem phim của khán giả. Chỉ riêng năm 1990, nhà nước đã phải tài trợ đến 6,3 tỷ đồng cho ngành điện ảnh để bù lỗ.
Sự thay đổi của thị hiếu khán giả, sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường đã khiến cho các nhà làm phim loay hoay tìm hướng đi cho mình. Điều đó dẫn tới việc có rất ít phim chất lượng ra đời sau những năm 1990.
* Việc điện ảnh bước từ bao cấp ra thị trường có phải là một trở ngại với dòng phim của Nhà nước nói chung không?
- Khi đất nước mở cửa, điện ảnh Việt Nam phải cạnh tranh với thị trường điện ảnh nước ngoài. Khán giả được tiếp cận với rất nhiều nền điện ảnh khác nhau và họ được tự do lựa chọn xem những bộ phim mà mình muốn xem. Lúc này, điện ảnh Việt Nam phải trở lại đúng đặc trưng của nó, vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả.
Thách thức mới đặt ra rất nhiều khó khăn cho điện ảnh. Thứ nhất, điện ảnh phải đi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Thứ hai, điện ảnh là nghệ thuật của hình ảnh và âm thanh nên các nhà làm phim phải hiểu ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh. Thứ ba, điện ảnh phải đa dạng đề tài. Cả ba đặc điểm này đều là điểm yếu của điện ảnh Việt Nam từ đầu thập niên 1990 trở lại đây vì trên thực tế, Việt Nam chưa có nền giáo dục điện ảnh thực sự bài bản và chuyên nghiệp. Hơn nữa, công nghiệp điện ảnh còn rất nhiều khó khăn nên chưa thể sản xuất những bộ phim giàu tính kỹ xảo. Đồng thời, khi mở cửa, điện ảnh Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với điện ảnh Hollywood và Hàn Quốc, Trung Quốc… nên việc kinh doanh điện ảnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Và cuối cùng, sau khi điện ảnh chuyển sang kinh tế thị trường, khán giả đến rạp thường là những người trẻ, yêu thích những đề tài về tình yêu, vụ án hình sự, hành động, hài. Do đó, các nhà sản xuất tư nhân thường đầu tư vào những bộ phim hoàn toàn mang tính giải trí nhằm thu lợi từ việc bán vé. Rõ ràng, nếu các nhà sản xuất phim hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu của phần đông khán giả thì chắc chắn sẽ khó có được những bộ phim chất lượng.
- Điện ảnh sẽ phục hồi rất chậm sau dịch
- 16 phim điện ảnh, 13 phim truyền hình tranh giải Cánh diều 2019
- Những điểm khác biệt giữa nguyên tác văn học và phim điện ảnh ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’
- Vĩnh biệt Gene Reynolds - đạo diễn gạo cội của điện ảnh Mỹ
* Từ góc nhìn của chị, những đề tài nào nếu được Nhà nước đầu tư thích đáng, sản xuất chuyên nghiệp, thì sẽ tạo ra những phim giá trị, bề thế?
- Điện ảnh Việt Nam hiện nay rất nhỏ bé so với thế giới. Việt Nam chưa có nền điện ảnh dân tộc đúng nghĩa vì có rất ít bộ phim Việt Nam gần đây nói lên được tiếng nói của con người Việt Nam đương thời, đậm căn tính dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có nhiều phim lịch sử giai đoạn trước Pháp thuộc để khán giả hiểu hơn về đời sống người dân thời phong kiến, vì những phim lịch sử chi phí rất tốn kém.
Tôi nghĩ chúng ta cần gạt bỏ tư tưởng rằng những bộ phim đề tài lịch sử, xã hội sẽ kén khán giả. Có thể nhìn vào sự ăn khách của bộ phim Ký sinh trùng (Hàn Quốc) để thấy, điều quan trọng nhất là chúng ta dùng phương tiện điện ảnh để kể câu chuyện của mình như thế nào. Khán giả có thể thay đổi thị hiếu, nếu chúng ta có những bộ phim với lối kể chuyện hấp dẫn thu hút họ. Do đó, nếu Nhà nước đầu tư thích đáng những mảng này, Việt Nam sẽ tạo ra được nền điện ảnh dân tộc có tiếng vang trong nước lẫn quốc tế.
Thực tế, những bộ phim Việt Nam như Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Trăng nơi đáy giếng, Mùa len trâu… không chỉ thể hiện được những hình ảnh đầy cảm động về người lính, người dân Việt Nam trong chiến tranh, mà còn thể hiện được vẻ đẹp của văn hóa và con người Việt Nam trong thời bình.
* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện
Những cột mốc lịch sử Điện ảnh cách mạng Việt Nam có nhiều dấu mốc đáng chú ý. Thứ nhất là dấu mốc ngày 15/3/1953, lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh quốc gia Việt Nam. Quyết định này đồng nghĩa với việc điện ảnh có một vị trí và vai trò rõ rệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thứ hai là phim tài liệu Chiến thắng Điện Biên Phủ - giai đoạn làm phim thô sơ. Các nhà làm phim đã theo chân những người lính ở tuyến đầu để ghi lại những thước phim chân thật nhất về chiến tranh và cũng được cho là phim tiêu biểu nhất của chặng đường “tay trắng làm nên” của điện ảnh cách mạng. Dấu mốc thứ ba là ngày 20/7/1959, phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng là Chung một dòng sông ra đời. Từ đây, phim truyện cách mạng Việt Nam có những bước tiến dài, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quân và dân ta. Dấu mốc thứ tư là năm 1966 với bộ phim Nổi gió. Đây là phim đầu tiên về đề tài chống Mỹ với bối cảnh miền Nam Việt Nam. Và dấu mốc cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh, là việc năm 1981, bộ phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva, đánh dấu sự thắng lợi lớn của điện ảnh Việt Nam trên thế giới. |
Văn Bảy (thực hiện)
Tags