Tiến sĩ làm thơ gặp nhạc sĩ tự học

Thứ Hai, 05/10/2009 10:18 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Hôm 3/10 vừa qua, tại TP.HCM đã có buổi ra mắt tập thơ - nhạc Cánh chim Lạc Việt của nữ sĩ Phan Bích Thiện và nhạc sĩ Giao Tiên. Tuy là buổi ra mắt tập sách, nhưng ý nghĩa của nó đã vượt ra ngoài biên giới như thường lệ.

1. Như TT&VH đã thông tin về nữ thi sĩ Phan Bích Thiện - nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Sinh năm 1968 tại Tây Hồ, Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Kinh tế tại Moskva, bảo vệ thành công tiến sĩ kinh tế 1993. Chị đã từng ra một tập thơ tại Việt Nam và hiện đang là chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Cộng hòa Hungary.


Nhà thơ, tiến sĩ Phan Bích Thiện (trái) và nhạc sĩ tự học Giao Tiên

Tiến sĩ kinh kế làm thơ có gì lạ không? Xin thưa không lạ, bởi có rất nhiều tiến sĩ, giáo sư làm thơ rồi. Nhưng thơ có ra thơ hay không lại là chuyện khác. Còn TS Phan Bích Thiện làm thơ thì sao? Năm 2004, chị xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Tình yêu không đáy (NXB Văn học) với lời giới thiệu trang trọng của nhà thơ vừa quá cố Phạm Tiến Duật. Thi sĩ “Trường Sơn” này nhận định về thơ của Phan Bích Thiện: “Nói là dòng chảy trong thơ Phan Bích Thiện là thơ tình vừa đúng vừa không đúng. Qua mạch thơ, thấy quê hương của tác giả, thấy tuổi thơ, thấy bạn học, thấy gia đình và người thân. Người đọc còn gặp cả phong tục, tập quán quê hương. Gần hai chục năm trời sống ở nước ngoài rồi định cư ở xứ người, vẫn thấy một Phan Bích Thiện như sống giữa lòng đất nước, thở hơi thở của người dân xứ sở này. Có lẽ, những năm tháng dài sống ở nước ngoài chỉ tạo ra một sự thay đổi ở Phan Bích Thiện là tư duy và cấu tứ các bài thơ. Gần như ở bài thơ nào cũng có kết cấu nâng dần và câu kết tạo được tình thế lật, tạo thế vững chắc cho toàn bài...”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN, khi viết lời giới thiệu tập thơ thứ hai Khoảnh khắc (NXB Hội Nhà văn) cũng nhấn mạnh: “Khá nhiều bài thơ tình của Phan Bích Thiện, cái bình thường phải nhường bước cho cái bất thường, yếu tố quen thuộc bị làm mới trước yếu tố khác lạ. Ấy là khi chị cảm thấy cuộc đời bị xới tung lên tất cả, hoàn toàn đổi khác chỉ vì một ánh nhìn. Khi đã yêu thì yêu luôn cả cái ích kỷ của người ta. Táo bạo, cả tin, dâng hiến đến mức không còn giữ lại một chút gì để tự vệ, phòng xa, đó là vẻ đẹp tình yêu trong thơ của Phan Bích Thiện...”.

2. Sau hai tập thơ được đánh giá cao, tập sách thứ ba của Phan Bích Thiện lại in chung với một nhạc sĩ sáng tác theo “bản năng” trời phú, đó là Giao Tiên. Ông từng nổi danh tại miền Nam với các ca khúc trữ tình: Vó ngựa trên đồi cỏ non, Cô Thắm về làng, Hỏi vợ ngoại thành, Tình đẹp mùa chôm chôm, Nhớ người yêu... Một điều rất lạ là, Giao Tiên hoàn toàn tự mày mò học nhạc lý và sáng tác theo “năng khiếu” chứ không qua một trường lớp chính quy nào. Thế nhưng, các ca khúc của ông, trong đó có nhiều ca khúc bị liệt vào hạng nhạc “sến” lại có sức sống lâu bền. Trong các đám cưới đến tận bây giờ, dường như người ta không thể không hát Hỏi vợ ngoại thành, Cô Thắm về làng... dù chẳng nhớ được tác giả của chúng là ai.

Nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ: “Tôi cũng muốn học hành âm nhạc tử tế, nhưng điều kiện của tôi không thể đi học. Được học chính quy ở nhạc viện là quá hạnh phúc, song nhiều người hạnh phúc được học nhạc lại quá “phân biệt đối xử” với những kẻ “bất hạnh” như tôi, vì họ bảo rằng nhạc chúng tôi là... sến”.

Vậy nhưng, trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật có nhiều sự lạ, mà việc một tiến sĩ như Phan Bích Thiện - người được Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh đánh giá cao - lại “tin cậy” đứng tên chung với Giao Tiên trên cùng một tác phẩm. Tập thơ - nhạc Cánh chim Lạc Việt gồm 40 bài thơ được phổ thành 40 ca khúc mang tên Phan Bích Thiện - Giao Tiên. Và cũng ít ai biết rằng, trước khi phổ thơ Phan Bích Thiện, Giao Tiên từng phổ khoảng 200 bài thơ khác, nổi bật: Viễn khách (Xuân Diệu), Tiếng Thu (Lưu Trọng Lư), Mưa rơi (Tố Hữu), Anh nhớ em (Phạm Tiến Duật)...

Rõ ràng rằng, trong mối quan hệ giữa một tiến sĩ làm thơ và một nhạc sĩ tự học, hẳn phải có một mối duyên. Mối duyên ấy có thể giống như nghệ thuật được định bởi một đấng “vô minh” nào chăng, mà nghệ thuật và cuộc đời đôi khi lại giống nhau.

Thanh Kiều

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›