Tiền thân của Nhà thờ Đức Bà là một ngôi chùa nhỏ

Chủ nhật, 16/07/2017 20:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thờ Đức Bà, hay còn gọi là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức: Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội) đang trùng tu lần thứ 3, sau gần 1,5 thế kỷ hiện diện tại Sài Gòn - TP.HCM.

Mời độc giả cùng ngắm lại hành trình 140 năm của Nhà thờ Đức Bà, và của cả tiền thân nhà thờ nổi tiếng bậc nhất Việt Nam này:

Chú thích ảnh
Nhà thờ bằng gỗ - một trong hai tiền thân của Nhà thờ Đức Bà ngày nay

Ngày 28/3/1863, linh mục Lefebvre đã động thổ xây dựng nhà thờ bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Sài Gòn tại kinh Lớn (còn gọi là kinh Charner, nay là tòa nhà Sun Wah, đường Nguyễn Huệ). Tiền thân của nhà thờ này ở đường số 5 (nay là Ngô Đức Kế), vốn là một ngôi chùa nhỏ của người Việt bị bỏ hoang do chiến tranh, linh mục Lefebvre tu sửa thành nhà thờ cho người Pháp đi lễ.

Chú thích ảnh
Đến năm 1880, Nhà thờ Sài Gòn tại kinh Lớn thành tòa tạp tụng

Tháng 8/1876, do Nhà thờ Sài Gòn làm bằng gỗ tạp nên sớm hư hại, Thống đốc Nam kỳ là Guy Victor August Duperré quyết định tổ chức thi thiết kế mẫu Nhà thờ Sài Gòn mới. Cuối cùng kiến trúc sư J.Bourad đã được chọn, và đó cũng là hình dáng của Nhà thờ Đức Bà ngày nay.

Chú thích ảnh
Nơi xây dựng Nhà thờ Đức Bà ngày nay

Ngày 7/10/1877, Đức cha Isodore Colombert (Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong) đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà năm 1880, chuẩn bị khánh thành

Ngày 11/04/1880, dịp Lễ Phục sinh, thánh lễ làm phép và khánh thành Nhà thờ Sài Gòn được cử hành long trọng. Lúc ấy nhà thờ được gọi tên là Nhà thờ nhà nước, vì 2.500.000 francs xây dựng là do nước Pháp chi trả. Sau đổi tên thành Nhà thờ chính tòa Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Việc xây tháp chuông năm 1895 được nhiều báo chí đưa tin

Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông cao 57,6 m và có 6 chuông đồng lớn nặng tất cả 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà năm 1900, lúc chưa có bức tượng phía trước

Năm năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc) và hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh, con trai trưởng vua Gia Long). Năm 1945, tượng này bị chính phủ Trần Trọng Kim phá bỏ, trơ lại bệ đài bằng đá hoa cương đỏ.

Chú thích ảnh
Tượng Giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh

Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (cai quản Giáo xứ Sài Gòn thời ấy) đã đặt tạc tượng Đức Mẹ hòa bình bằng cẩm thạch trắng từ Italia về đặt trên bệ đài đó. Chiều ngày 17/2/1959, Hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn đã làm phép cho bức tượng này.

Chú thích ảnh
Tượng Đức Mẹ hòa bình bằng cẩm thạch trắng hiện diện từ năm 1959

Ngày 5/12/1959, Tòa thánh Vatican cho phép làm lễ xức dầu, tôn phong Nhà thờ chính tòa Sài Gòn lên hàng Tiểu vương cung thánh đường. Từ đó, tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà năm 1965

Năm 1960, Tòa thánh Vatican thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa tổng giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của vị tổng giám mục Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà ngày 13/7/2017 - đang rào chắn để tu sửa

Từ sau năm 1975 đến nay, dù cảnh quan xung quanh thay đổi chóng mặt, dù xuống cấp, nhưng căn bản Nhà thờ Đức Bà vẫn giữ được hồn cốt cũ của mình.

Một số hình ảnh khác về Nhà thờ Đức Bà qua các thời kỳ:

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1920

  

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1930

  

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1940

  

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà năm 1970

  

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà năm 1990

  

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà năm 2010

  Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›