(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên, hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh lưu trữ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc được giới thiệu và trưng bày trong không gian triển lãm Tết Xưa do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức.
Qua tài liệu lưu trữ, một phần không khí tết xưa với những phong tục Ăn Tết, Lễ Tết và Chơi Tết của cha ông được tái hiện thêm phần rõ ràng, sinh động.
Theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà nấy đã rộn rịp sắm Tết, nào là người mua tranh mua pháo, nào người mua vàng hương mã mủng, đường mứt bánh trái. Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Các người đi buôn bán hoặc đi làm xa xôi, đâu đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết. Cách Tết vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phụng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh, treo liễn trang hoàng lịch sự. Lại có nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu hoặc rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ để cho quỷ sợ mà không dám vào nhà mình.
Trong dân gian, việc chuẩn bị Tết được bắt đầu ngay sau ngày lễ cúng ông Táo lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Để đưa ông Táo về chầu Trời, người miền Trung thường cúng một con ngựa giấy với đầy đủ yên cương. Người miền Nam chỉ cúng áo mũ giấy. Riêng người miền Bắc cúng cá chép với ngụ ý cá chép hóa rồng.
Dưới thời Nguyễn, việc chuẩn bị đón Tết trong cung đình cũng tất bật không kém, từ chuẩn bị Nguyên đán cát phục đến trang hoàng hoàng cung. Bản Phụng Phiến lục của phủ Nội vụ ngày 1/12 năm Thiệu Trị 2 (1842) có ghi chép về việc cung tiến trang phục ngự dụng dịp Tết nguyên đán và dịp tháng Giêng ngự điện, rằng: “Hôm qua, chúng thần kiểm tra các loại lụa, đoạn cất trữ riêng, dự định cắt may áo dài vào quần các màu cung tiến ngự dụng đúng dịp Nguyên đán và dịp tháng Giêng ngự điện. Vâng làm phiến dâng trình được châu phê: Chia làm 2 dâng tiến. Nay chúng thần vâng kiểm và xin cung tiến: Nguyên đán cát phục, ngự điện cát phục là bao nhiêu loại, mỗi loại bao nhiêu chiếc. Xin làm phiến lục dâng trình”.
Hay, Bản tấu của bộ Công ngày 24/12 năm Duy Tân 3 (1909) còn ghi lại về việc quét vôi, trang hoàng miếu, điện, cung, phủ để đón Tết Nguyên đán. Bản tấu của Nội các ngày 11/12 năm Tự Đức 14 (1861) cũng ghi lại việc chuẩn bị giấy để làm 3 câu đối tết.
Chuyện chúc Tết và lễ phẩm cung tiến dịp Tết
Trong lịch sử, quy định về dâng biểu, chúc tụng vua của quan lại các tỉnh vẫn duy trì cho đến thời Pháp thuộc. Tài liệu lưu trữ hiện còn khá nhiều các bản tấu, châu phê của vua liên quan đến lệ chúc Tết. Ví như châu phê mừng năm mới được mùa của vua Minh Mệnh trên bản tấu của trấn Bình Thuận ngày 20/12 năm Minh Mệnh 6 (1825) ghi lại rằng: “Mùa xuân mới mở, vui mừng được xem tờ tấu tin thời tiết thuận hòa. Trẫm chắp tay cầu trời cho ruộng đồng cả nước đều được mùa”.
Tương tự, còn một số tài liệu lưu trữ về việc chúc Tết dưới thời Nguyễn như châu phê trên bản tấu của dinh Quảng Nam ngày 29/12 năm Minh Mệnh 7 (1826) về niềm vui được mùa ngày đầu năm mới, bản tấu của bộ Lễ ngày 29/12 năm Tự Đức 20 (1867) về mẫu biểu văn chúc mừng ngày tết Nguyên Đán.
Đáng nói, dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa cũng gửi lời chúc Tết đến các vua nhà Nguyễn. Chẳng hạn, đó là lưu trữ bản tấu của viện Cơ mật ngày 6/12 năm Thành Thái 8 (1896) về việc “nước đại Pháp kính chúc Hoàng thượng cùng Tam cung năm mới mạnh khỏe, may mắn”. Hay, bản tấu của Toàn quyền Đông Dương (31/12/1908) gửi lời chúc: “Nay gặp tết Nguyên đán của bản quốc, kính chúc Hoàng thượng niên đức nhật tân cùng hoàng gia phúc chỉ vẹn toàn”. Rồi, bản tấu của Viện Cơ mật ngày 8/12 năm Thành Thái 6 (1894) ghi chép về việc Thống sứ Bắc Kì gửi lời chúc Tết Hoàng thượng “trường trị cứu an”.
Cùng với dâng biểu chúc Tết, các địa phương còn cung tiến các sản vật từ trầm hương, lụa là, trà sen đến mắm rươi, hay một số loại hoa quả ngon. Một số tư liệu có chép việc cung tiến vào hoàng cung dịp Tết như thư ngày 5/10/1897 của Công sứ Nam Định gửi Thống sứ Bắc Kì ghi chép về việc Tổng đốc tỉnh Nam Định gửi quà là 3 hũ mắm rươi cho đức vua An Nam nhân dịp Tết. Thư ngày 23/11/1904 của Công sứ Phủ Liễn gửi Thống sứ Bắc Kì về việc quan Án sát Phủ Liễn gửi quà là một thúng cam vào Huế nhân dịp Tết.
Thêm nữa, bản tấu của trấn Quảng Bình ngày 13/12 năm Minh Mệnh 8 (1872) về việc cung tiến 32 lạng trầm hương nhân dịp Tết Nguyên đán. Bản tấu của Phó tổng trấn Bắc thành ngày 24/12 năm Minh Mệnh 1 (1820) về việc cung tiến 1500 quả cam nhân dịp Tết nguyên đán. Bản tấu của Tổng trấn thành Gia Định ngày 17/12 năm Minh Mệnh 6 (1825) về việc cung tiến kim táo, bánh thị, long nhãn nhân dịp tết Nguyên đán.
Lễ phẩm sau cung tiến vào hoàng cung sẽ được bộ Lễ kiểm kê chi tiết, đầy đủ. Ví như, có bản dịch thư của Bộ Lễ gửi cho quan viên tỉnh Phủ Liễn về việc đã nhận được 800 quả cam đường gửi bằng tàu hỏa. 200 quả đẹp chuyển đến cung Ninh Thọ, 462 quả chuyển đến hậu cung, 138 quả bị hỏng vứt đi. Hay, tư liệu ghi về việc bộ Lễ kê khai các hạng trà, sâm do nha Kinh lược và các tỉnh Bắc Kỳ cung tiến dịp Tết Nguyên đán ngày 30/12 năm Thành Thái 6 (1894).
Nghỉ Tết, thưởng Tết thời Nguyễn và Pháp thuộc ra sao?
Nghỉ Tết và thưởng Tết cũng được quy định khá chặt chẽ dưới triều Nguyễn. Thời gian nghỉ Tết quy định khác nhau ở từng thời kỳ. Ví dụ vào năm Tự Đức thứ 27 tức năm 1874, nghỉ Tết từ 28 tháng Chạp đến mùng 8 đầu xuân. Bản Châu phê của vua Tự Đức trên bản tấu của bộ Công ngày 3/5 năm Tự Đức 27 (1874) ghi rằng: “Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến mồng 8 đầu xuân mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng vẫn cho làm việc”.
Theo một số tài liệu lưu trữ, lịch nghỉ Tết dưới triều Nguyễn thường rơi vào 4 ngày nhằm ngày 30 Tết và 3 ngày đầu tiên của năm mới. Bản tấu của Nội các ngày 29/12 năm Thiệu Trị 7 (1847) có ghi chép về việc miễn phê duyệt công văn trong các ngày 30, mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết. Bản tấu của Nội các ngày 28/12 năm Đồng Khánh 2 (1887) cũng có ghi lại về việc dừng việc dâng thẻ bài trong 4 ngày (ngày 30 và 3 ngày Tết Nguyên đán) trừ những việc quan trọng. Hay, bản tấu của Nội các ngày 28/12 năm Duy Tân 2 (1908) cũng ghi lại về việc dâng trình lời dụ đầu năm mới và nghỉ Tết 4 ngày.
Đến thời Pháp thuộc, công sở hành chính chỉ đóng cửa từ 2 đến 3 ngày để nghỉ Tết. Các trường học có lịch nghỉ Tết khác nhau. Ở Bắc Kỳ, lịch nghỉ học do Chánh Sở Học chính quyết định. Chẳng hạn dịp Tết năm 1918, các trường Pháp nghỉ học 2 ngày, trường Pháp - Việt nghỉ 11 ngày, và trường Trung học Bảo hộ nghỉ 20 ngày.
Quy định về nghỉ Tết dưới thời Pháp thuộc được đều được quy định rõ ràng trong các văn bản thư từ, thông báo, nghị định. Một số tư liệu về quy định nghỉ Tết còn lưu giữ gồm có: Thông báo của Tòa Đốc lí Hà Nội về việc các văn phòng đóng cửa 2 ngày nhân dịp Tết năm 1908; Nghị định số 119 ngày 22/1/1908 của Thống sứ Bắc Kì về việc ấn định thời gian nghỉ Tết đối với các trường học ở Bắc Kì; Thư ngày 11/1/1918 của Chánh Sở Học chính Bắc Kì gửi Hiệu trưởng các trường ở Bắc Kì về lịch nghỉ học đối với: Trường Pháp, Trường Pháp – Việt và Trường Bảo hộ...
- Triển lãm 3D tài liệu lưu trữ 'Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại'
- Trưng bày tài liệu lưu trữ có một không hai về kiến trúc Pháp tại Hà Nội
- Triển lãm 'Tuyên truyền Cách mạng trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ"
Dưới thời Nguyễn, lệ thưởng Tết đã được quan tâm bằng nhiều hình thức khác nhau. Đối tượng được nhận thưởng Tết thường là hoàng thân, quan lại, quân đội, lính tráng. Bản Phụng phiến lục của bộ Hộ ngày 27/12 năm Tự Đức 4 (1851) về việc tổ chức ban thưởng để đón xuân tốt lành, ghi rằng: “ngày mùng 1 vâng ban ơn thưởng cho Hoàng thân, thân phiên, quan chức văn võ có phẩm hàm. Mùng 3 Tết vâng thưởng cấp lương tháng cho lính và tiền cho các trạm dịch mức độ khác nhau”.
Ngoài ra, một số tư liệu lưu trữ còn đề cập đến lệ thưởng Tết dưới triều Nguyễn như: Bản tấu của Thị vệ xứ ngày 28/12 năm Thành Thái 9 (1897) ghi chép về việc thưởng tiền cho những người trực dịp Tết Nguyên đán; bản Thượng dụ của Hoàng đế Minh Mệnh ngày 19/12 năm Minh Mệnh 7 (1826) còn ghi về việc ban thưởng cho hoàng tử và các quan lại nhân dịp Tết Nguyên đán...
Thư ngày 5/10/1897 của Công sứ Nam Định gửi Thống sứ Bắc Kì có ghi chép về việc Tổng đốc tỉnh Nam Định gửi quà là 3 hũ mắm rươi cho đức vua An Nam nhân dịp Tết. |
Triển lãm Tết Xưa do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trưng bày theo 3 chủ đề: Phiên chợ ngày Xuân, Cung chúc Tân Xuân, Du Xuân và kéo dài đến ngày 15/3 tại Khu Trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội). |
(còn tiếp)
Công Bắc
Tags