Khi giới thiệu cuốn sách ảnh và triển lãm ảnh Hồi niệm (Requiem) tại Nhà triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, vào năm 2000, Tim Page nói: Chúng tôi là những nhà nhiếp ảnh phản chiến. Những bức ảnh trong sách, và trong triển lãm này về chiến tranh Việt Nam là của các nhà báo nhiếp ảnh ở hai chiến tuyến. Họ là bạn bè, đồng nghiệp của Horst Faas và tôi, các anh ấy đã ngã xuống trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương ...
Hôm ấy Tim Page mặc bộ âu phục màu xanh lá cây, cổ quàng chiếc khăn rằn của người nông dân Nam Bộ. Dường như ông thích chiếc khăn này, vì năm nào trên đất Việt Nam cũng thấy ông mang nó trên cổ, trên vai.
Tôi nhận ra ông ngay với dáng người cao lớn, đôi mắt sáng cởi mở, và chiếc kính hất ngược trên đầu bám chặt mái tóc ngả màu bạch kim. Trước đó mấy năm, ông đã gặp tôi ở Ban biên tập Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam để khai thác ảnh của các phóng viên TTXVN đã hy sinh. Người dẫn ông gặp tôi lại là nhà nhiếp ảnh Văn Bảo, nguyên là Tổ trưởng Tổ ảnh Quân sự của tôi, năm ấy anh là đương nhiệm Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Thì ra Tim Page đã làm việc với Hội NSNAVN, với Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh TP.HCM.
Cán bộ phòng tư liệu ảnh đã lần lượt đưa Tim Page xem các quyển ảnh mẫu có ảnh của các liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl, Đinh Thúy (Bùi Đình Túy), Hồ Ca, Lương Nghĩa Dũng, Trịnh Đình Hy, Võ Văn Quy, Phạm Vũ Bình v.v...
Thoáng mấy năm từ lần đầu gặp Tim Page, giờ đây ảnh của “nhà mình” đã xuất hiện trên các trang sách và trong triển lãm. Khi lật từng trang sách, xem lại từng tấm ảnh của các đồng nghiệp Việt Nam và đồng nghiệp ở khắp năm châu về cuộc chiến tranh đã qua, bỗng tôi thấy rùng mình, bởi bộ ảnh sống động quá, khủng khiếp quá! Cố NSNA Lê Phức, Tổng thư ký Hội NSNAVN, từng nói với tôi, và đã viết trên báo: Hồi Niệm là bộ ảnh giá trị nhất về chiến tranh Việt Nam. Lê Phức đã được mời sang Kentucky, Hoa Kỳ dự khai mạc triển lãm và mang bộ ảnh về Việt Nam trưng bày ở Hà Nội và TP.HCM. Buổi khai mạc tại Hà Nội, Ban tổ chức mời bà Lương Thị Nhiễu, vợ liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng tới dự.
Làm nên công trình này phải kể đến Horst Faas, nguyên là Phân xã trưởng Phân xã Sài Gòn của Hãng tin AP Hoa Kỳ, người có mặt nhiều năm ở Nam Việt Nam trong chiến tranh. Khi cầm đến ảnh của Trần Bỉnh Khuôl, Horst Faas sững sỡ nhận ra hiện trường trận đánh nổ ra trong đêm, còn ông mãi gần trưa hôm sau đi máy bay quân sự tới Cái Keo, Cà Mau chỉ chụp được hiện trường đã nguội khói súng đạn. Horst Faas nói: Tôi đi máy bay không nhanh bằng các bạn nằm cận kề mặt trận!
Tim Page và Horst Faas đã sống chết với Việt Nam trong chiến tranh. Hòa bình lập lại, họ càng không quên những người bạn, những đồng nghiệp đã dũng cảm ngã xuống trên mảnh đất xa lạ này. Nhưng thời gian càng trôi đi, thì ngược lại hai ông càng thấy Việt Nam rất gần gũi, có gì đó thiêng liêng với cuộc đời mình. Cuốn sách và triển lãm ảnh này là tình cảm chân thành của hai ông với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nó cung cấp thêm cho các nhà báo và các nhà chính trị, và nhân dân Việt Nam biết thêm sự thất bại của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn là do đâu. Sách chỉ điểm qua một số sự việc như quân Mỹ bị thua ở Khe Sanh, lính Mỹ và lính Sài Gòn tàn sát dân thường và du kích ở Đồng bằng sông Cửu Long , triệt hạ phố phường, làng mạc tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế v.v...
“Horst Faas, người đồng hành cùng Tim Page đã mất. Lâm Tấn Tài, Văn Bảo, Nguyễn Đặng, Lê Phức, những người quý mến ông, từng nhiệt tình cộng tác với ông đã mất. Giờ đây ông lại ra đi. Nhưng Hồi niệm còn đó" (NSNA Chu Chí Thành). |
***
Horst Faas và Tim Page đã dồn công sức sưu tầm, biên tập in và phát hành bộ ảnh quý giá này. Nhờ vậy mà độc giả, khán giả Việt Nam mới có điều kiện thấy được ảnh của các phóng viên phía bên kia chiến tuyến, mới thấy được “địch, ta” là chuyện của những người cầm súng. Còn sứ mệnh của các nhà nhiếp ảnh chân chính chỉ có sự thật. Sự thật đã khiến người xem cảm kích với tất cả ảnh của cuốn sách, đặc biệt ấn tượng với ảnh của Larry Burrows (Anh), Henri Huet (Pháp), Dieter Bellendorf (Đức), Kyoichi Savnda (Nhật). Sean Flynn, Stone (Mỹ) v.v...
Hai ông còn có sáng kiến đề nghị xây dựng một tượng đài nhiếp ảnh ở bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị để tưởng nhớ các nhà nhiếp ảnh của hai phía đã ngã xuống trên chiến trường Đông Dương. Horst Faas và Tim Page cho rằng, chưa ở đâu phóng viên ảnh lại hy sinh nhiều như ở chiến trương Việt Nam, chưa ở đâu chiến tranh lại tàn khốc và kéo dài như chiến tranh Việt Nam, và cũng chưa ở đâu các nhà nhiếp ảnh lại tham gia xông trận nhiều và hy sinh nhiều như ở Việt Nam.
Một thế hệ nhiếp ảnh chiến tranh có hơn 140 người đã chết vì bom đạn khi đang hành nghề, quả là một sự kiện phi thường. Con số tuy chưa đầy đủ ấy cũng đã làm Tim Page nhức nhối, khiến ông âm thầm gom góp ảnh của đồng nghiệp xấu số trên thế giới để tặng nhân dân Việt Nam. Một nghĩa cử đầy tính nhân văn.
Horst Faas, người đồng hành cùng Tim Pageđã mất. Lâm Tấn Tài, Văn Bảo, Nguyễn Đặng, Lê Phức, những người quí mến ông, từng nhiệt tình cộng tác với ông đã mất. Giờ đây Tim Page lại ra đi. Nhưng Hồi niệm còn đó. Mỗi khi mở trang sách, là người xem lại thấy Horst Faas và Tim Page như đang cùng độc giả đối thoại. Tim Page không xa lìa chúng ta, trái tim ông vẫn đập rộn ràng trong từng trang ảnh. Đấy là điều kỳ diệu của một tài năng, một nhân cách lớnđã hóa thân vào nhiếp ảnh.
Hà Nội, ngày 25/8/2022
Nhiếp ảnh gia người Anh Tim Page qua đời ngày 24/8 thọ 78 tuổi |
Chu Chí Thành
(Nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam)
Tags