Vừa qua, Tira lại có mặt ở Việt Nam dự khai trương triển lãm tranh của cố họa sĩ Nguyễn Kao Thương tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Các tác phẩm triển lãm đều nằm trong bộ sưu tập của ông và đây chỉ là một trong rất nhiều triển lãm tương tự về nghệ thuật Việt Nam gắn với bộ sưu tập của Tira.
* Không ít người ngạc nhiên với triển lãm của cố họa sĩ Nguyễn Kao Thương, đặc biệt là tò mò về giá trị bộ sưu tập của ông với họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương này. Làm thế nào ông có được bộ sưu tập quý này vậy?
- Tôi biết đến tranh của họa sĩ Nguyễn Kao Thương từ sự giới thiệu của một người bạn ở Hà Nội vào năm 2012. Người bạn ấy nói với tôi là có một người sưu tập tranh ở Thái Nguyên có rất nhiều tranh của vị họa sĩ này và mời tôi đến thăm. Tôi đã đến và thấy rất nhiều tác phẩm ở đây, tuy nhiên, chỉ có vài tác phẩm trong bộ sưu tập này làm tôi thích thú. Trong đó, tôi chú ý đến một bức tranh sơn dầu rất lớn vẽ Trần Hưng Đạo (4m x 2m), một bức tranh sơn dầu vẽ Võ Thị Sáu bị quân đội Pháp áp giải. Đặc biệt là bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có cuộc họp với các lãnh đạo, hình như có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chính khách Việt Nam. Đây là bức tranh duy nhất tại bộ sưu tập này vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chính giữa những nhà chính trị Việt Nam hàng đầu thời đó.
Trong lần gặp ấy, tôi không mua các tác phẩm này. Tôi phải nghiên cứu về người họa sĩ trước khi quyết định sưu tập. Sau một thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, tôi biết được rằng họa sĩ Nguyễn Kao Thương đã từng theo học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nơi sản sinh ra rất nhiều họa sĩ Việt Nam nổi tiếng. Tôi quyết định mua cùng lúc một bộ 6 bức tranh sơn dầu với giá khá cao, bởi vì những bức tranh này rất to so với những bức tranh Việt Nam đương thời. Tất nhiên có bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo tôi thì đây thực sự là một tác phẩm tuyệt mỹ.
* Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của bộ sưu tập tranh Nguyễn Kao Thương của ông?
- Sau khi tôi mua 6 bức tranh đó vào tháng 6/2012, họa sĩ Nguyễn Kao Thương được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Điều này làm bộ sưu tập của tôi càng thêm giá trị. Vào tháng 12/2012, tôi triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội bộ sưu tập tranh Việt Nam của những họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có 6 bức của Nguyễn Kao Thương.
Thông tin về triển lãm được báo đài Việt Nam quan tâm. Một nhà sưu tập tranh ở Mỹ đã đọc được những thông tin này. Ông ấy gửi email cho tôi và giới thiệu bộ sưu tập tranh Nguyễn Kao Thương của ông ấy. Ông ấy có hơn 260 tác phẩm của Nguyễn Kao Thương và sau đó tôi mua hết tranh trong bộ sưu tập này. Hiện tại, tôi có hơn 260 bức tranh, phác họa của họa sĩ Nguyễn Kao Thương. Bộ sưu tập này vừa được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tranh của họa sĩ Nguyễn Kao Thương được trưng bày với số lượng tương đối tại Việt Nam.
* Trong giới sưu tập tranh tại Việt Nam, nhiều người cho biết đã gặp “tai nạn” khi mua nhầm tranh nhái hoặc tranh giả. Ông có khi nào bị trường hợp mua phải tranh giả chưa?
- Thật may mắn, tôi chỉ mua tranh cho bộ sưu tập của mình ở nguồn được xác thực. Hoặc là mua thẳng từ họa sĩ, hay mua từ những nhà sưu tập tranh có tiếng và uy tín. Và quan trọng hơn là tôi chỉ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử về cuộc chiến tranh mà Việt Nam vừa trải qua. Tôi biết, sưu tập tranh có giá trị lịch sử kiểu như tôi không phổ biến lắm trong giới sưu tập tranh hiện nay, vì thế cũng không có nhiều tranh giả, tranh nhái trong thị trường.
* Thường thì, với một nhà sưu tập tranh, lúc đầu họ “chơi tranh” vì niềm yêu thích, sau nữa là họ xem tranh như một kênh đầu tư dài hạn. Ông có nghĩ tranh của các họa sĩ Việt là một kênh đầu tư dài hạn?
- Đúng như vậy, đa phần những nhà sưu tập nghiêm túc bắt đầu bằng sự thưởng thức nghệ thuật mang tính cá nhân và phụ thuộc vào sở thích riêng. Tuy nhiên, sau khi bổ sung thêm nhiều tác phẩm khác nhau vào bộ sưu tập của mình, sở thích riêng trở thành một sự đầu tư khác. Nhà sưu tập nói chung sẽ nhìn vào tiềm năng mua và bán những tác phẩm này, với hy vọng sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ nào đó (thậm chí mua nhanh, bán nhanh với lợi nhuận nhỏ hơn cũng được). Tuy vậy, một vài người thì trông vào những khoản lợi nhuận lớn hơn, do đó đầu tư và thời gian bỏ ra vì thế cũng nhiều hơn.
Với một người mới sưu tập tranh gần 6 năm như tôi, tôi cho rằng mình rất gặp may. Chẳng hạn như khi tôi mua bộ sưu tập đầu tiên của mình với hơn 200 tác phẩm nghệ thuật vô giá của nền mỹ thuật Việt Nam chỉ với một sự đầu tư tương đối, bộ sưu tập thứ hai trực tiếp với một họa sĩ nên đảm bảo tranh thật, bộ thứ ba thì từ gia đình của một họa sĩ quá cố. Nên, tôi không đầu tư quá nhiều thời gian vào những bộ sưu tập này. Chỉ trừ bộ sưu tập tranh của danh họa Tô Ngọc Vân là tôi đầu tư một khoản rất lớn. Nhìn chung, tôi là một ngoại lệ của những kiểu đầu tư vào tranh có giá trị lịch sử của Việt Nam và tôi cũng không quan trọng lắm về tiền bạc hay thời gian. Tất nhiên, sưu tập tranh Việt cũng là đầu tư.
* Ngoài sưu tập tranh, ông còn góp phần giới thiệu tranh Việt ra nước ngoài, cụ thể là Thái Lan quê ông. Xin hỏi, người Thái quê ông xem tranh Việt đã có những cảm xúc, suy nghĩ như thế nào?
- Bộ sưu tập tranh của tôi gồm những tác phẩm mỹ thuật hiện đại và phần nhiều là những tác phẩm về lịch sử và chiến tranh Việt Nam. Ở Thái Lan, những bức tranh này được đón nhận, thưởng thức nhiệt tình bởi tất cả người yêu nghệ thuật và nhà nghiên cứu sử học.
* Nếu không đầu tư sưu tập tranh Việt thì ông sẽ đầu tư sưu tập tranh của các họa sĩ nước nào trong khu vực?
- Tôi dành thời gian và tiền bạc đầu tư vào tranh Việt của các họa sĩ nhiều thế hệ khác nhau. Tôi cũng đang có một bộ sưu tập tranh Thái Lan của các họa sĩ đương thời. Ngoài ra, tôi không sưu tập tranh của nước nào khác nữa.
* Hiện nay ông đã sưu tập được tranh của bao nhiêu họa sĩ Việt? Trong các họa sĩ này, ông thích tranh của họa sĩ nào nhất, tại sao?
- Các bộ sưu tập tranh của tôi có tác phẩm của hơn 40 họa sĩ Việt Nam nổi tiếng và nhiều họa sĩ trẻ tuổi khác. Tôi hài lòng nhất là bộ sưu tập bản phác thảo gồm 350 bức của danh họa Tô Ngọc Vân. Do đó, Tô Ngọc Vân là họa sĩ mà tôi thích nhất.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags