Cuộc thi do Báo Thể thao & Văn hóa phối hợp với Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và Phát triển NN phối hợp tổ chức, được phát động từ ngày 8/7/2010 đã thu hút được sự quan tâm của những người có chung tình yêu với cây cầu Long Biên – một biểu tượng của Hà Nội.
Lễ trao giải cuộc thi "Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm"
200 bài viết dự thi (với đủ thể loại: bài viết, clip, ảnh) đã gây ngạc nhiên cho Ban tổ chức vì không ngờ cầu Long Biên lại được yêu mến đến thế. Có một điều rất cảm động là hầu hết những người yêu cầu Long Biên, viết về cầu Long Biên đều nghĩ cây cầu có linh hồn. Cho dù cầu Long Biên đã cũ như “một người mẹ già nua”, nhưng những gì cây cầu cống hiến cho Hà Nội khiến nhiều rất nhiều người "nặng lòng" với cầu. Tình cảm giữa cây cầu và con người cứ tự nhiên được bồi đắp theo năm tháng. Vì thế dù Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu mới hơn, lớn hơn nhưng không thay thế được vị trí của cầu Long Biên trong lòng của nhiều người yêu Hà Nội. Như rất nhiều người dự thi đã tâm sự trong bài viết nếu một buổi sáng thức dậy không thấy cầu Long Biên, họ sẽ cảm thấy vô cùng thảng thốt và trong lòng tràn ngập nỗi trống vắng. Sự gắn bó của cầu Long Biên với nhiều người có thể nói là một sự gắn bó máu thịt.
Lễ trao giải diễn ra trong khuôn khổ Đêm nghệ thuật "Long Biên - Nhịp cầu hòa bình"
Những bài thi gửi về không chỉ kể lại những câu chuyện thời quá khứ, nơi tuổi thơ của họ gắn với cầu Long Biên, những năm tháng chiến tranh khốc liệt mà còn là những câu chuyện hiện tại đầy cảm động gắn với cây cầu. Nhờ cầu Long Biên, chúng ta lại nhớ về một thời khó khăn gian khổ nhưng con người sống với nhau vô cùng ấm áp, chan chứa yêu thương. Nhờ cầu Long Biên mà chúng ta biết thêm được nhiều số phận, được nhiều "bí mật" cất giấu bây giờ mới kể. Cây cầu không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn lại chất xúc tác khiến nhiều trái tim trở nên cởi mở và chan hòa hơn. Ban tổ chức cuộc thi cho biết có người yêu cầu Long Biên đến mức gửi hàng chục bài viết, tưởng như chừng đó vẫn chưa đủ với tình yêu của họ dành cho cầu Long Biên. Hi vọng cuộc thi này sẽ khiến cho tình yêu với cây cầu trăm tuổi ngày càng được lan tỏa.
Cuộc thi năm nay không có giải nhất. Có 3 Giải Nhì (mỗi giải trị giá 8 triệu đồng), 3 Giải Ba (mỗi giải trị giá 5 triệu đồng) và 10 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng) được trao cho các tác giả được Ban giám khảo đánh giá cao nhất.
Dưới đây là danh sách các bài viết đoạt giải. Để đọc bài viết, mời bạn đọc truy cập trang web www.thethaovanhoa.vn/longbien.
Danh sách các tác giả đoạt giải. * Không có giải Nhất. * GIẢI NHÌ 1/ Cây cầu chuyên chở quá khứ (Phạm Hương Thủy - Sinh viên K52, Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học KHXH&NV Hà Nội). 2/ Cầu Long Biên - Không gian hoang sơ trầm lắng; Cuộc đời tôi và cây cầu Long Biên (Bài viết và chùm ảnh của Nhà nhiếp ảnh Mỹ Douglas Jardine). 3/ Chúng tôi đã bảo vệ cầu Long Biên như thế (Trần Công Huyền). * GIẢI BA 1/ Cây cầu và những chiếc đinh khuy (Hoàng Việt Hằng). 2/ Cầu Long Biên nhìn từ bóng bay (Trương Anh Đức). 3/ Nhớ mãi lần thăm cầu Long Biên duy nhất trong đời (Ama Trung, Đăk Nông). * GIẢI KHUYẾN KHÍCH 1/ Cầu Long Biên – còn đấy người mẹ thời khốn khó (Họa sĩ Đỗ Đức). 2/ Cầu Long Biên với tôi (Nhà văn Bắc Sơn). 3/ Dù ai đi đâu về đâu, nhớ về Hà Nội có cầu Long Biên (Minh Nguyện). 4/ Những ổ khóa tình yêu (Phạm Điệp). 5/ Còn mãi những nhịp yêu (Vi Thùy Linh). 6/ Long Biên - cây cầu tuổi thơ của tôi (Vũ Thế Long). 7/ Dấu ấn tuổi thơ (Nhà điêu khắc Tuyết Thủy). 8/ Video Clip Nhịp sống trên cầu Long Biên (Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương). 9/ Cầu Long Biên, một quá khứ hiển hách (Bùi Quý Long). 10/ Em không dám qua cầu Long Biên (Nguyễn Thị Nết). |
Bài: Hải Diệp - Ảnh: Vũ Ngọc