"Suốt 3 tháng liền, tôi chỉ có nghiên cứu, tìm kiếm chất liệu để tìm ra được một ý tưởng kịch bản với mong muốn tạo ra sự khác biệt to lớn".
Tổng đạo diễn Nguyễn Hải Yến chia sẻ về chương trình “Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xoè Thái vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc “Lễ hội văn hoá du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022” sẽ diễn ra vào tối 24/9 tại Yên Bái.
Từ bức tâm thư đặc biệt đến từ một thầy giáo...
Đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ, chị nhận được một lá thư của một thầy giáo viết rằng: "Người Thái thường khóc sau khi xem những chương trình làm về văn hoá Thái vì họ không thấy chính họ trong những chương trình, những câu chuyện đó".
Trăn trở từ bức tâm thư cùng với nhiệt huyết và tình yêu dành cho Tây Bắc, tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã quyết tâm đi đến tận cùng của văn hoá “để tất cả khán giả, đặc biệt là đồng bào Thái khi xem sẽ thấy mình ở trong đó, khiến họ thêm tự hào về dân tộc mình, còn đồng bào các dân tộc khác và du khách cũng sẽ thêm tự hào về một sản phẩm văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Và, chúng tôi dùng phần lớn diễn viên là bà con, là những nghệ nhân, người dân tộc Thái… để kể câu chuyện về cộng đồng của họ và sự hình thành nên nghệ thuật xòe Thái – một thứ nghệ thuật thăng hoa từ chính cuộc sống hàng ngày của bà con.
Có thể, chương trình sẽ khiến cho bà con người Thái phải khóc, nhưng giọt nước mắt đó sẽ là những giọt nước mắt tự hào vì lần này văn hoá, cuộc sống của họ sẽ được tái hiện chân thực và thật nhất”.
... đến "Xoè Thái – Tinh hoa miền di sản" là thiên sử thi đặc sắc, lộng lẫy
Chương trình “Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật xoè Thái vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc “Lễ hội văn hoá du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022” sẽ được diễn ra vào 24/9 tại Yên Bái.
Tổng đạo diễn Nguyễn Hải Yến và ekip có dịp bén duyên với nghệ thuật xòe Thái từ năm 2019 và gây tiếng vang với màn Đại Xoè lớn nhất Việt Nam. Nhưng sự trở lại lần này mang một “trọng trách” mới, áp lực hơn nhưng cũng rất đỗi tự hào đó là vinh danh xoè Thái khi di sản này đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình nghệ thuật “Xoè Thái – tinh hoa miền di sản” sẽ giống một thiên sử thi đặc sắc, với sự tham gia của 900 diễn viên chuyên và không chuyên. Thiên sử thi đó kể với công chúng về lịch sử, con người, văn hoá, đời sống của người Thái qua 3 chương: “Thiên di – Dựng bản, lập mường”; “Miền di sản” và “Tinh hoa nghệ thuật Xoè”.
Trailer Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xoè Thái"
Đây không chỉ là một vở đại vũ kịch dân gian Tây Bắc khổng lồ, hoành tráng mà điều làm nên khác biệt của chương trình chính là sự táo bạo của toàn bộ ekip khi sân khấu của lễ hội sẽ chảy dài từ sân khấu xuống toàn bộ sân vận động trung tâm, được liên kết xuyên suốt với hình tượng dòng suối chảy ngang qua sân vận động như dòng Nậm Thia (ngòi Thia) như vẽ một dải lụa mềm uốn lượn giữa sóng lúa vàng trên đại cảnh sân khấu.
- 'Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò 2019' lần thứ hai nhận giải thưởng quốc tế
- Khai mạc lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019
- Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò: Đăng ký xác lập kỷ lục Guinness Thế giới
Chương trình có sự tham gia dàn dựng âm nhạc của nhạc sỹ Mạnh Tiến, Phạm Khánh Băng là những người đã “cùng ăn, cùng ngủ” với người dân Tây Bắc để tìm kiếm chất liệu âm nhạc ngay chính từ khoảnh khắc đời thường nhất.
Ngoài ra còn có sự góp mặt của tổng biên đạo múa NSƯT Thanh Hằng, ca sĩ Tùng Dương và Sao Mai Sèn Hoàng Mỹ Lam. Với một ekip am hiểu về đời sống người Thái và người Tây Bắc, hi vọng đây sẽ là chương trình giới thiệu được bản sắc nổi bật của dân tộc Thái đến với không chỉ khán giả trong nước mà còn với du khách gần xa.
Hoài Thương. Ảnh: BTC
Tags