(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc họp báo giới thiệu liveshow Mai Hoa - thanh âm những nốt trầm tại Hà Nội cách đây vài ngày, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), có chia sẻ về tham vọng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) về VOV.
Ông Nguyễn Thế Kỷ khẳng định mong muốn tiếp nhận VFS về VOV mà không nhắm tới đất ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (TP.HCM). “Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi khả năng của mình, tạo điều kiện hoạt động mới cho Hãng phim để anh em không bị khó khăn như thời kỳ vừa rồi” - ông nói.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thế Kỷ.
Để lãng phí nguồn nhân lực tốt thì rất đáng tiếc
* Xuất phát từ đâu, Đài tiếng nói Việt Nam có ý tưởng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam, thưa ông?
- Khi vấn đề cổ phần hóa VFS trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Mọi người phát hiện ra những sai lầm trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra vào cuộc và yêu cầu VIVASO thoái vốn… thì có một câu hỏi nhiều người cùng đặt ra là Hãng phim truyện Việt Nam sẽ về đâu?
Có 3 nơi Hãng phim truyện có thể về: Một là vẫn ở lại Bộ VH,TT&DL; hai là có thể về Đài Truyền hình Việt Nam - ở đó có Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam rất bề thế, có bề dày phát triển và thứ ba, VFS cũng có thể về VOV.
Trước đây, nhắc tới Đài Tiếng nói Việt Nam người ta chỉ nghĩ đến đó là đài phát thanh quốc gia nhưng hiện tại, mảng truyền hình của Đài cũng rất phát triển. Chúng tôi có 16 kênh truyền hình của Đài VTC, cùng kênh truyền hình của Đài VOV, tức VOV TV, có hơn 10 năm rồi. 17 kênh có thể vừa là đầu vào và đầu ra cho Hãng phim.
* Xin ông cho biết, VOV đã có dự định, kế hoạch phát triển Hãng phim như thế nào trong tình hình mới?
- Mọi người cũng biết, từ lâu lắm VOV đã có thế mạnh làm nhạc phim. Đài tiếng nói Việt Nam có rất nhiều studio - phòng thu, thu âm làm nhạc phim rất chuẩn. Nhiều phim truyện (nhựa) và phim tài liệu (nhựa) trước đây phần lớn do các nhạc sỹ, nhạc công, chỉ huy dàn nhạc của Đài đứng ra sản xuất, thu âm. Với 17 kênh truyền hình, hàng chục studio cho phát thanh, truyền hình hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, Đài TNVN có thể hỗ trợ VFS trong nhiều khâu sản xuất phim. Tuy nhiên, VOV đánh giá tài sản, tài nguyên lớn nhất của VFS chính là con người. Đó là những đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim, hóa trang, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ và nhiều khâu hậu kỳ của phim… Nhiều người trong số đó được đào tạo bài bản ở trong và ngoài. Để lãng phí nguồn nhân lực tốt như thế thì rất đáng tiếc, đáng suy nghĩ.
Tôi muốn nhắc lại, khi tiếp nhận VFS, nói thực lòng Đài không nghĩ đến đất đai ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (TP.HCM) đâu, hoàn toàn không tính tới chuyện đó. VFS là đơn vị văn hóa thì nhu cầu sáng tạo văn hóa và phục vụ công chúng bằng văn hóa đặt lên hàng đầu, cũng như sứ mệnh của VOV là phục vụ người nghe đài, xem truyền hình, đọc báo chứ không đặt nặng vấn đề kinh doanh. Dĩ nhiên, kinh doanh có văn hóa, vì văn hóa, đề cao tính văn hóa thì cũng rất tốt.
* Phía VOV đã có động thái gì để thúc đẩy việc tiếp nhận VFS, thưa ông?
- Một số đồng chí trong Chính phủ có nói, nếu VOV tiếp nhận thì có thể sẽ được đồng ý. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã gặp tôi bàn về việc đưa VFS về VOV. Thủ trưởng hai cơ quan cũng thảo luận và thống nhất, khi đó, nguồn phim truyện điện ảnh Nhà nước đặt hàng vẫn được chuyển về cho Đài, Đài đặt hàng cho Hãng phim.
Đã có một đồng chí Phó Tổng giám đốc VOV và đồng chí Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Khánh Hải ngồi làm việc với nhau theo yêu cầu của Chính phủ rồi. Hai bên đã bàn cụ thể, nhất trí rằng chuyển Hãng phim về Đài là hợp lý và nên xúc tiến việc này sớm chứ không kéo dài thêm nữa.
* Ông nhận thấy các nghệ sĩ của VFS có đồng tình với việc VOV tiếp nhận VFS?
- Các nghệ sĩ tới gặp tôi nhiều lần để bày tỏ rằng, với bề dày lịch sử của Đài (cả về truyền thông và văn hóa, nghệ thuật) và điều kiện hiện tại của Đài trong bối cảnh hiện nay thì Hãng phim về Đài là hợp lý.
Đài cũng nghĩ khi Hãng phim về, bằng mọi khả năng của mình, Đài sẽ tạo điều kiện hoạt động mới cho Hãng phim để anh em không bị khó khăn như thời kỳ vừa rồi.
VOV vì công chúng, không “chơi trội”
* Chỉ nói riêng về âm nhạc và nghệ thuật, Đài tiếng nói Việt Nam là một thương hiệu mạnh, ông có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển thương hiệu đó trong giai đoạn mới, đặc biệt là với Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam?
- Từ hàng chục năm trước, thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đài TNVN là cơ quan hội đủ nhiều loại hình nghệ thuật. Về văn học có Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Bảo Định Giang, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa…Về âm nhạc có Nguyễn Đình Thi, Huy Du, Phan Nhân, Phạm Tuyên, Thuận Yến, Cao Việt Bách, Hoàng Hà, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Quốc Hương, Thanh Hoa, Hồng Ngát… Đoàn ca nhạc Đài TNVN, nay là Nhà hát Đài TNVn có lịch sử ra đời, phát trển gần 70 năm. Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam có một cơ sở biểu diễn nghệ thuật hiện đại ở số 58 Quán Sứ với 450 chỗ ngồi. Năm nay, Đài đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở rộng sân khấu, lắp màn hình LED rất lớn, đầu tư dàn âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn quốc tế để sắp tới, có thể tổ chức các buổi hòa nhạc, nghệ thuật, hội thảo về phim ảnh, văn hóa, báo chí…
Ngoài ra, Đài Tiếng nói Việt Nam có một trường quay rất lớn ở 23 Lạc Trung với 1500 chỗ ngồi - là trường quay lớn nhất hiện nay ở nước ta. Với cơ sở như thế, nếu VFS về thì có thể sử dụng, thậm chí có thể làm phim trường ngay trong nhà, kết hợp với ngoài trời.
Chúng tôi chỉ nghĩ, nếu được tiếp quản VFS thì có thể xây dựng ở Trụ sở số 4 Thụy Khuê thành một Bảo tàng điện ảnh Việt Nam, là trung tâm giao lưu điện ảnh, nơi gặp gỡ giữa nghệ sĩ với công chúng. Trụ sở VFS nằm ở bên Hồ Tây - một địa điểm văn hóa thì nên biến nó thành một địa chỉ văn hóa chứ không nên để nhếch nhác như mấy chục năm qua.
* Những ngày này, người hâm mộ bóng đá cả nước đang “nóng” cùng AFF Cup nhưng vẫn chưa quên những ngày VOV mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018 - đem đến cho khán giả món quà tinh thần lớn. VOV có định hướng phát triển mạnh hơn các thương hiệu nghệ thuật - giải trí, thưa ông?
- Đúng rồi. Thực ra, trước khi mua bản quyền ASIAD 2018,Đài tiếng nói Việt Nam đã mua bản quyền Giải Vô địch Bóng đá U23 châu Á 2018 (ở Trung Quốc). Khi đó, Đài Truyền hình Việt Nam giữ bản quyền truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam đã mua bản quyền phát thanh và chúng tôi vẫn tường thuật các trận đấu trên 4 kênh phát thanh để những người không xem được truyền hình, đang đi đường vẫn có thể nghe diễn biến các trận đấu.
Đến ASIAD 2018, thật sự mà nói lúc đầu chúng tôi cũng chờ Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền truyền hình, còn Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ mua bản quyền phát thanh nhưng vì một lý do nào đó, Đài Truyền hình Việt Nam không mua. Chúng tôi đã hỏi cặn kẽ các bạn đồng nghiệp và các bạn nói vì một số điều kiện nên không thể mua được. Chúng tôi nói, Đài TNVN sẽ cố gắng đàm phán để mua với giá cả hợp lý hơn.
Tôi xin nói thẳng, những điều chúng tôi đã (và sẽ làm) hoàn toàn không phải là sự “chơi trội”, đó không phải là việc làm để “đánh bóng” tên tuổi. Chúng tôi có tính đến bài toán kinh tế và nghĩ rằng, công chúng Việt Nam cực kỳ hâm mộ bóng đá, nếu mua được thì chắc chắn hoặc hòa vốn, nếu lỗ cũng không nhiều và chúng tôi có thể chấp nhận được. Thực tế thì chúng tôi đã không lỗ, mà qua đó hình ảnh của VOV cũng được tốt lên trong mắt mọi người rất nhiều.
Trước và sau ASIAD 2018, chúng tôi vẫn mua bản quyền phát thanh và truyền hình. Nói đơn giản là những gì VOV có thể làm được, vừa tốt cho Đài, vừa tốt cho mọi người thì chắc chắn chúng tôi sẽ làm và cố làm thật tốt.
Chẳng hạn như có thể chúng tôi sẽ sản xuất băng đĩa là những giọng hát trước đây từng được rất nhiều người yêu mến, bởi chúng tôi có đầy đủ tư liệu trong kho lưu trữ âm thanh lớn nhất cả nước. Chúng tôi hoàn toàn có thể làm điều này nếu có hướng đi đúng và có sự đầu tư thỏa đáng.
Thực ra, trên thế giới mô hình truyền thông - phát thanh, truyền hình - với điện ảnh không còn xa lạ, họ từng phát triển tốt, nên điều chúng tôi làm cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Để có thể đáp ứng được mong mỏi của công chúng thì VOV sẽ phải phấn đấu nhiều hơn nữa.
* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
VFS vẫn đứng độc lập, không bị hòa tan “Khi có mong muốn tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam thì chúng tôi tiếp nhận luôn cả những phần nợ nần. Với lực lượng máy móc thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ chỉ sau Đài truyền hình Việt Nam, nếu VOV và VFS kết hợp được sẽ nhân lên sức mạnh. VFS hoàn toàn không bị hòa tan, trộn lẫn với bất cứ ai, VFS vẫn là đơn vị độc lập đứng trong đội hình VOV” - ông Nguyễn Thế Kỷ, cho biết. |
Tiểu Phong (thực hiện)
Tags