(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 2/1/2019, cuộc triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp của 2 tay máy kỳ cựu Nguyễn Đình Toán và Trần Định đã diễn ra tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (266 Thụy Khê, Hà Nội).
Kéo dài tới 13/1, triển lãm trưng bày gần 50 tác phẩm, trong đó của Nguyễn Đình Toán gồm 33 bức, số còn lại là của Trần Định.
Nguyễn Đình Toán là cái tên đã quá quen thuộc với báo giới, nhưng rất... không muốn nói về nghề, về đời mình. Còn với Trần Định, dù là một phóng viên, tay máy kỳ cựu nhưng vốn dĩ ít xuất hiện nên lập tức bị giới truyền thông “bao vây”.
Gặp Đại tướng là chụp đến hết phim
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Định vốn được đào tạo chính quy làm một nhà Nga ngữ. Nhưng sau đó ông đầu quân cho Báo Ảnh Việt Nam (1972), được “chạy 2 chân”, vừa chụp ảnh vừa viết bài. Năm 1994, Trần Định được giao chuyên trách theo chân Đại tướng. Từ đó, một phần trong lời thề của ông đã được thực hiện.
“Tôi đã tự thề với mình rằng, có 3 người mà nếu gặp dứt khoát tôi sẽ chụp cho đến lúc nào hết phim trong túi thì thôi. Đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Cuba Fidel Castro” - ông kể. Khá thú vị, bức ảnh đầu tiên Trần Định chụp Đại tướng chính là khi Đại tướng tiếp... con trai của Fidel Castro đến thăm Hà Nội.
Trần Định còn ấn tượng với Đại tướng ở chỗ, Đại tướng rất quan tâm đến công việc của ông. Thường Đại tướng đi đâu, đều gọi Trần Định lên hỏi: “Chú đi đường nào? Đường hàng không hay đường bộ để tôi sắp xếp?”. Thường thì Trần Định chọn đi đường bộ và Đại tướng những lúc như thế cắt cử lái xe đưa Trần Định “đi đến nơi, về đến chốn”.
Hay một lần Trần Định đang ở Hưng Yên thì nhận được điện của văn phòng, “điều động” về gấp đi Quảng Bình với Đại tướng, nhưng Trần Định không về kịp để đi cùng chuyến. Khi Trần Định đến Ga Hà Nội thì được đích thân thủ trưởng Ga Hà Nội ra đón và đưa đến toa tốt nhất để vào Quảng Bình. Trần Định rất xúc động khi được biết sự biệt đãi ấy chính là nhờ sự quan tâm của Đại tướng.
Bức ảnh xúc động nhất
Trong gia tài hơn 200 cuộn phim chụp về Đại tướng, Trần Định cho biết bức Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫy chào Điện Biên lần cuối là bức ông ấn tượng nhất, ám ảnh nhất và mỗi khi nhìn bức ấy là mỗi lần ông không thể không xúc động.
Đó là lần trở về Điện Biên của Đại tướng cùng gia đình. Trong 10 ngày ở Điện Biên, Trần Định được chứng kiến cảnh Đại tướng cùng gia đình quây quần bên nhau. Chiều chiều, Đại tướng đều kể cho các con của Đại tướng nghe về Điện Biên Phủ, về những gì quân và dân ta đã đổ xuống mảnh đất này. Các con của Đại tướng thì thi nhau xem ai nhớ được lịch sử của nơi gắn bó với cha mình nhiều nhất, thể hiện được phong thái của người chỉ huy là cha mình tốt nhất để ông thưởng.
Những khoảnh khắc ấy đều lọt vào ống kính của Trần Định. Nhưng khoảnh khắc “để đời” đối với Trần Định trong chuyến đi ấy chính là bức Đại tướng đưa tay lên cao, chào người dân và cũng là chào Điện Biên trước khi về lại Hà Nội. Góc chụp bức này thấp, tôn hình ảnh Đại tướng như in lên nền trời xanh thẳm của Điện Biên, cũng là tượng trưng cho tầm vóc của con người huyền thoại.
“Đó là cái vẫy chào bình thường của Đại tướng. Nhưng đó cũng là cái vẫy chào lần cuối của Đại tướng với Điện Biên bởi sau lần này, Đại tướng không thể trở về với mảnh đất lịch sử ấy thêm một lần nào nữa. Thế nên tôi mới đặt tên cho bức ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫy chào Điện Biên lần cuối”.
Ngoài một số ảnh tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trần Định chuyển cho Báo Ảnh Việt Nam, hiện Trần Định còn khoảng gần 200 cuộn phim chụp Đại tướng đang được ông tự tay số hóa.
“Tôi đã mua máy scan phim và ảnh. Hiềm nỗi tôi không biết hết công năng của những cái máy này nên làm khá vất vả” - ông nói - “Scan ảnh thì tôi làm được, nhưng scan phim thì chịu. Đang phải nhờ anh em hướng dẫn thêm để làm tiếp không thì không kịp. Các phim âm bản thì đã bắt đầu bay màu, còn số phim dương bản chụp cách đây 30 năm vẫn còn tốt”.
Sẽ tiếp tục triển lãm ảnh về Đại tướng Khi được hỏi về việc số hóa phim, ảnh chụp Đại tướng như thế nào, tay máy Nguyễn Đình Toán nhún vai: “Phim chụp về Đại tướng của tôi quá nhiều, không nhớ hết. Đến nay, tôi cũng mới chỉ số hóa được hơn 50 bức. Số còn lại tôi vẫn đang chọn và tiếp tục số hóa! Hy vọng những hình ảnh của Đại tướng rồi đây sẽ tiếp tục được triển lãm cho người dân thưởng lãm!” |
Phạm Huy
Tags