(Thethaovanhoa.vn) - Vũng Tàu đêm chớm Thu. Trần Tiến tự lái xe đưa tôi đến nhậu ở nhà một người em mến mộ âm nhạc. Gặp nhau ở Hà Nội - mỗi lần Tiến ra - đã nhiều. Nhưng gặp nhau ở Vũng Tàu, nơi Tiến chọn làm chỗ ẩn náu cuối đời thì đây mới là lần thứ 2, sau 5 năm về trước.
1. Vừa đi, vừa huyên thuyên đủ chuyện, nhưng dù vẫn cái giọng trêu đùa trẻ như ngày nào, thì cả 2 thằng đều biết tuổi già đã đong đầy trên mặt. Thấp thoáng đâu trong nét nhăn ấy là sự cô đơn. Đêm ấy uống đủ say. Về khách sạn, không hiểu sao, tôi lại da diết lên tự khúc Một mình của chàng “Vư-xốt-ky Việt Nam” - tôi hay gọi Tiến như vậy:“Rượu một mình, với ngọn đèn đêm/ Khi gió thu về một chú ve sầu/ Nằm chết bên thềm cửa sổ mùa Thu”.
Giai điệu lướt đi, bỗng hiện ra một Trần Tiến lôi thôi lếch thếch ba lô trên đường Trường Sơn chắc trong cơn sốt, hay đi qua cầu dây chòng chành vượt suối: “Cùng ta cạn với núi cao/ Năm nào đôi chân chưa mỏi/Cùng ta cạn với suối sâu/ Với người sốt rét qua cầu/ Cùng ta cạn với rừng già bạn ta yên nghỉ/ Biết có bao giờ về uống cùng ta…”.
- VIDEO: Nhạc sĩ Trần Tiến hát 'Yesterday' của Beatles cực 'chất'
- Nhạc sĩ Trần Tiến và Phạm Anh Khoa cùng du ca vì miền Trung
- Trần Tiến 'sột soạt' viết văn kể chuyện "Chị tôi', 'Quê nhà'...
Tôi bùi ngùi rót thêm ly rượu. Con đường ấy, lối mòn ấy bàn chân trai tráng của bao đồng đội đã đi qua, đã hằn lại dấu vết. Để rồi chìm vào bươn chải hôm nay. Hồi đó, đầu đổi mới, khi ca khúc này mới ra, Tiến hay hát khi quây quần mấy thằng bạn thân. Có cái lạ, khi Tiến ở Sài Gòn, thấy không cách xa nhau là mấy. Vậy mà khi Tiến ra định cư ở Vũng Tàu cứ thấy xa xa là sao? Hình như cái tâm lý “gặp lần nào biết lần ấy” của tuổi già nó tạo ra khoảng vắng ấy chăng: “Rót cho đầy mãi nỗi đau Rồi sẽ thành tiếng hát/ Con người, con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Giai điệu như cắt ruột mà viết.
Hồi đó, tuy ở Sài Gòn náo động, Trần Tiến vẫn cô đơn như một ngọn hải đăng. Cô đơn tỏa sáng. Tôi đã chập được cái tứ “Hải đăng trong thành phố” để viết tặng Tiến khi tá túc tại nhà Tiến ở ngã tư gần Quận 10: “Đôi khi chúng ta ngồi/ Ôm cây đàn thốt lên giai điệu/ Nhìn nhau qua ly rượu/ Mắt bạn vời xa…/ Một chốn nào hư ảo, một chốn nào có thật đời mình/ Rồi cùng lặng thầm/ Cháy đỏ quá khứ/ Cả một thời trong veo hăm hở/ Ngùn ngụt lên ngọn lửa bài ca/ Cả một thời ngọt ngào đắng đót/ Còn nguyên trong nước mắt ứa ra/ Cứ thế/ Nhấp nháy giống một ngôi sao xa/ Trong tâm tưởng một chỗ nào thành phố/ Nhấp nháy ngọn hải đăng biển đêm/ Quá khứ một thời chưa khi nào tắt…”.
Bài thơ đã được Trần Tiến đưa vào tập Ngẫu hứng Trần Tiến. Có gì rất linh ứng khi Tiến ra định cư Vũng Tàu, khác nào ngọn hải đăng cô đơn trên biển. Tiến có đưa tôi cuốn 99 khúc du ca còn lại. Có đầy đủ những thương hiệu từ Cô gái Sầm Nưa tới hôm nay. Nhưng nếu không đắm mình vào Vũng Tàu, chắc không thể có Mẹ tôi dâng trào đến không ngờ: “Biển sóng thét gào/ Một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa/ Trời gió mây ngàn/ Một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi/ Mẹ ơi!Thế giới mênh mông/ Mênh mông không bằng nhà mình/ Tuổi thơ như chiếc gối êm/ Êm cho tuổi già úp mặt …”. Đúng thế. Đêm Vũng Tàu là đêm 2 thằng tôi úp mặt vào bao kỷ niệm suốt mấy chục năm gắn bó với lãng du.
Hiện lại khoảnh khắc xuất thần Những đôi mắt hình viên đạn.Hiện lại khoảnh khắc vời xa Tạm biệt chim én.Hiện lại những khoảnh khắc thăng hoa Sao em nỡ vội lấy chồng, Thượng đế buồn, Cô bé vô tư…
Hiện lại và hiện lại…
2. Cầm 99 khúc du ca còn lại của Trần Tiến, thấy trang nào cũng hiện lại bao kỷ niệm, bao chất chứa. Có lẽ, tiếp nối với Trịnh Công Sơn, người đời không thể nào quên những giai điệu và lời ca Trần Tiến ở Mặt trời bé con, Giai điệu Tổ quốc, Đi qua hải quan, Ngẫu hứng phố, Nhăng nhố.
Hiện lại cả một thời hàn vi cơ cực để rồi thét lên Trần trụi 87:“Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga/ Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ/ Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương… Tôi đã thấy người mẹ năm xưa chào đón quân đi/ Mẹ mang mo cơm nuôi từng chiến sĩ/ Bà mẹ nào giờ đây lang thang xin ăn...”.Để từ đấy mà buồn vui trong tổ khúc Ra ngõ mà trông. Những tuyệt chiêu này, dần dà sẽ ngấm vào công chúng vớiRa ngõ gặp gái, Ra ngõ mà buồn, Ra ngõ mà chơi, Ra ngõ mà kinh, Ra ngõ mà say, Ra ngõ mà trông, Ra ngõ mà vui, Ra ngõ mà yêu, Ra ngõ từng đêm, Ra ngõ tụng kinh. Hát để ngẫm đời.
Mới trưa, 24/9/2020, nhìn Nguyễn Cường và Dương Thụ thắp hương tiễn biệt Phó Đức Phương - nhạc sĩ đầu tiên của “bộ tứ sông Hồng” ra đi về cõi Thiên Thai. Mới thấy những giọt long lanh của cõi tạm đã dần tong tanh với thế hệ 4X rồi. Làm sao cưỡng được thời gian? Nhưng vẫn thoáng buồn.
Ngày 1/10/2020, ngày Rằm Trung thu, trong lễ khai trương triển lãm Kinh Gốm của Lê Thiết Cương, thấy bạn bè hốt hoảng đưa tin về bệnh tình Trần Tiến. Ngay sau đó, một người đàn em Trần Tiến gọi máy, thấy Trần Tiến vẫn trả lời hẹn gặp vào tuần sau. Tuy nhiên, nghe giọng có vẻ hơi yếu, không muốn phiền bạn thời khắc như thế, tôi chỉ nhắn tin chia sẻ. Số là nhạc sĩ Trần Tiến lên TP.HCM chữa mắt (theo như lời ca sĩ Trần Thu Hà), nhưng sau đó có trang đưa tin Trần Tiến bị ung thư vòm họng, làm mọi người bán tín, bán nghi.
Nhưng xôn xao này lại cho ta thấy một điều rất thật rằng cuộc đời rất yêu quý Trần Tiến, cũng như yêu quý Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo, An Thuyên v.v… Tình yêu ấy đã khiến cho các bạn tôi vô cùng mãn nguyện. Tôi chỉ muốn ghi lại những câu thơ cuối bài Hải đăng trong thành phố để chúc bạn tôi:
… Heo may đâu lạnh rất mơ hồ
Tôi và bạn ngồi xích gần lại
Như vừa qua một đêm biển dài
Chúng ta vẫn băng về phía trước
Phải không bạn thân ơi!
Với tốc độ hôm nay
Với hải đăng thắp từ quá khứ
…
Góc thành phố phương Nam thăm thẳm
Đáy mắt thoáng ánh gì lạ lắm
Lại thắp hải đăng nhấp nháy biển đêm
Nguyễn Thụy Kha
Tags