Tranh Hàng Trống: Bản sắc đang mai một

Thứ Tư, 07/11/2018 11:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào các ngày 10-11/11 tới đây tại The Factory (TP.HCM), nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang, nhà sưu tập Thanh Uy sẽ trưng bày, chia sẻ chuyên sâu về tranh Hàng Trống. Dù đây là nét đặc trưng của Hà Nội, nhưng đáng buồn thay, ở khía cạnh tạo tác, gần như chỉ còn mỗi gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn theo nghề.

“Trong các dòng tranh dân gian phía Bắc, so với Đông Hồ, Kim Hoàng, thì tranh Hàng Trống trước đây được cho là của nhà giàu, quan lại, thượng lưu, bởi tranh thường có kích thước lớn, do các nghệ nhân vẽ tay, giá bán khá cao. Hơn nữa, tranh thường chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc, thích hợp treo ở những ngôi nhà lớn, có không gian rộng” - nhà sưu tập Thanh Uy cho biết.

Một tiếp biến văn hóa

Tranh Hàng Trống hiện diện tại Hà Nội từ khoảng thế kỷ 16, phát triển liên tục trong vài thế kỷ sau đó, thời cao điểm lên tới mấy trăm bản khắc mẫu. Theo cuốn Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand: “… ở Hà Nội năm 1957 cho ra con số 300.000 tranh trên giấy thường và 2.000 bộ tranh, mỗi bộ thể hiện một chủ đề khác nhau trên loại giấy đã được gia cố. Số liệu này chỉ chiếm một phần sáu số tranh được làm trước những năm 1940-1945”.

Chú thích ảnh
Về mặt tạo hình và thị giác, “Ngũ hổ” yêu cầu một kỹ thuật khá khó, nên ngày xưa ít có nghệ nhân chịu vẽ và vẽ đẹp

Hà Nội mấy thập niên trước vẫn còn phổ biến câu ca: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”. Như vậy, chỉ 60 năm trước thôi, tranh dân gian nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng vẫn còn rất thịnh vượng tại Hà Nội.

“Do biến cố lịch sử và sự thay đổi cơ bản về văn hóa, dòng tranh này bắt đầu suy tàn. Hầu như các nhà làm tranh đều bỏ nghề, nhiều nhà còn đốt bỏ hết những dụng cụ làm tranh như ván, bản khắc. Một số bản khắc tranh Hàng Trống cổ hiện còn giữ lại đến ngày nay chủ yếu ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” - nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền nhận định.

Chị viết thêm: “Hiện nay ở Hà Nội còn lại duy nhất nhà nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ và in tranh. Ông sinh năm 1950, là con trai cụ Lê Đình Liệu sinh năm 1912. Theo gia đình cho biết, đây là nghề gia truyền từ đời cụ tổ từ khoảng cuối thế kỷ 16. Gia đình nhà ông Nghiên hiện nay còn giữ được khoảng hơn 50 ván tranh khắc xưa của tranh Hàng Trống”.

Chủ đề chính cũng gồm tranh thờ và tranh Tết. Nhưng nếu tranh Tết có thể còn nhiều dấu vết từ tranh Trung Quốc, với những chúc phúc, tứ quý, tứ bình, tam đa, tố nữ, công, cá… thì tranh thờ đã có nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt, của đạo Mẫu - một đạo nội sinh từ rất sớm tại Việt Nam. Chính vì vậy, tranh Hàng Trống là một ví dụ điển hình cho việc tiếp biến văn hóa, nơi dấu ấn và sự tác động lớn của văn hóa bản địa đã làm nên bản sắc riêng, không còn giống như nơi nó được sinh ra.

Chú thích ảnh
“Lý ngư vọng nguyệt” là một tác phẩm quen thuộc của tranh Hàng Trống

Một lối rẽ cần nhiều người đi

Hà Nội thời xưa có câu “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, nhằm để chỉ 4 thú chơi, mà xét về độ tao nhã, thì chữ đứng đầu, còn xét về độ bền và giá bán, đồ gỗ là xếp sau cùng, vì thường đắt giá nhất. Cuộc sống thay đổi, ngày nay chỉ đồ gỗ là còn tương đối được ưa chuộng, chữ và tranh dân gian thì phôi pha gần hết.

Với tranh Hàng Trống, được biết họa sĩ Lê Hoàn (sinh 1988) - con trai thứ của Lê Đình Nghiên - đã có hơn 10 năm gần gũi, dù việc theo nghề khá lận đận, nhiều thử thách. Chỉ còn biết hy vọng một ngày nào đó Lê Hoàn tìm ra được động lực và lối đi cho mình, để truyền thống nhiều thế kỷ của gia đình được tiếp nối.

 Ông thợ mộc Phạm Đức Sĩ & cả một kho tranh Hàng Trống

Ông thợ mộc Phạm Đức Sĩ & cả một kho tranh Hàng Trống

Chiều ngày 9/9 tới, tại Nhà triển lãm Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ lại tiếp tục triển lãm tiếp bộ sưu tập tư nhân lớn nhất từ trước đến nay về tranh dân gian Hàng Trống gồm 149 bức.

Nhiều năm qua, nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang đã dành nhiều tâm huyết với tranh Hàng Trống, đã ra được sách về việc ứng dụng các họa tiết Hàng Trống trong thiết kế, đồ họa đương đại. Đây là một cách làm khá hay, góp phần đáng kể vào việc “kéo dài đời sống” cho tranh Hàng Trống.

Trên thế giới, nhiều họa sĩ đương đại đã biết khai thác hiệu quả các vốn cổ của dân tộc mình, với tranh Hàng Trống cũng vậy, nếu chịu lấy cảm hứng để sáng tạo, sẽ rất thú vị. Mà nói đâu xa, Bùi Xuân Phái từng rất thành công với hề chèo, Nguyễn Tư Nghiêm thành công với các điệu múa cổ đó thôi. Chỉ còn biết hy vọng lối rẽ này sẽ có nhiều người đi, để bên cạnh sự kế thừa nguyên bản như cách của Lê Hoàn, sẽ còn có đổi mới và phát triển như cách của Trịnh Thu Trang.

Điểm đặc sắc của tranh Hàng Trống

“Đó là việc vẽ tay từng bản. Ván khắc chỉ duy một ván, tạo thành xương cốt cho bức tranh, còn lại màu sắc hay các chi tiết trong tranh lại do bàn tay tài hoa của người nghệ nhân làm nên.

Chính việc tô tranh hoàn thiện mới là công đoạn tạo nên hồn cốt của tác phẩm. Một số tác phẩm tranh Hàng Trống, do đặt hàng với khuôn khổ riêng, nên nghệ nhân vẽ tay hoàn toàn, mà không có công đoạn in. Các lớp màu tô trong tranh cũng không hoàn toàn giống nhau giữa các bức. Có một khuôn mẫu, nhưng tùy theo nghệ nhân mà các sắc thái đó được tô vẽ như thế nào. Do đó tranh Hàng Trống có thể xem là thể loại tranh vẽ nhân bản, mà mỗi bức mang một giá trị riêng” - Trang Thanh Hiền nhận định.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›