(Thethaovanhoa.vn) - Tại phiên đấu giá Asian 20th Century & Contemporary Art của nhà Christie’s vào cuối tháng 5/2013 ở Hong Kong (Trung Quốc), bức La Marchand de Riz (Người bán gạo) của Nguyễn Phan Chánh đã thành tác phẩm đắt giá nhất của Việt Nam, bán được hơn 3 triệu HKD (tương đương 392.200 USD) - theo Bloomberg.
Tại đây còn có vài bức tranh Việt khác đã vượt giá khởi điểm, phải chăng đường đến nhà đấu giá tranh quốc tế của tranh Việt lại rộng mở rồi chăng? E rằng không!
Trong hơn một thập niên qua, Lê Phổ luôn thống lĩnh giá bán của tranh Việt tại các sàn giao dịch và nhà đấu giá quốc tế, như tháng 4/2012, một tác phẩm của ông đã bán với giá 2,9 triệu HKD (tương đương 380 ngàn USD) tại Sotheby’s Hong Kong. Thẳng thắn nhìn nhận, tranh của Lê Phổ là một đại diện sáng sủa cho thời kỳ đầu của hội họa hiện đại Việt Nam, nhưng về lịch sử nghệ thuật, chưa phải là tiêu biểu nhất.
Điều này phần nào cắt nghĩa cho thấy tại sao có những họa sĩ quan trọng mà đương thời lại bị các nhà đấu giá “khinh”, rất lâu sau ngày mất thì tranh mới có giá cao. Nhà đấu giá vẫn là đơn vị kinh doanh, họ không ưu tiên thẩm định tác phẩm theo chiều hướng của giới nghiên cứu lịch sử hay phê bình nghệ thuật, cho nên rất nhiều tác phẩm và họa sĩ có giá trị chưa chắc đã bán được.
Quang cảnh đấu giá Người bán gạo.
Nhà đấu giá - “kẻ gác cửa”
Cũng xin nhắc lại, từ đầu thập niên 1990, khi tranh Việt vẫn là tiếng nói lạ lẫm, nhiều sức hút, giới kinh doanh nghệ thuật đã dự đoán: chỉ 10 năm thôi, tranh Việt sẽ có tác phẩm vượt ngưỡng 1 triệu USD tại nhà đấu giá. Thế nhưng đến nay, sau gần 25 năm, tác phẩm cao giá nhất mới đi được hơn 1/3 đoạn đường đó (392.200 USD).
Cột mốc 1 triệu USD là gì? Tại sao lại quan trọng như thế? Trong quan niệm của giới kinh doanh nghệ thuật quốc tế, đây được xem là “mức sàn an toàn” để bước đầu bảo đảm rằng các tác phẩm có giá bán thấp hơn sẽ có tương lai. Nói nôm na, khi Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ mà bán được 1 triệu USD, thì giới kinh doanh sẽ mạnh dạn đầu tư cho các tên tuổi khác, bởi họ biết sẽ nâng được giá.
Điều này đã hoàn toàn đúng với nhiều quốc gia (trong một thời gian dài) bị xếp bên lề các cuộc chơi xa xỉ này như Nga, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…, và gần đây là Indonesia. Chỉ khi họ có một tác phẩm vượt ngưỡng 1 triệu USD thì tình hình mới thay đổi nhanh chóng. Còn tại sao 1 triệu USD mà không hơn không kém thì chẳng có câu trả lời nào thuyết phục.
Theo nhiều nhà môi giới nghệ thuật và các chủ phòng tranh danh tiếng tiết lộ, nhiều khi họ phải chấp nhận tình trạng “mua đắt, bán rẻ” để chen chân được vào các nhà đấu giá. Bởi vì việc định giá và làm giá tại các phiên giao dịch là một thủ thuật gần như độc quyền và đầy cảm tính.
Một phòng tranh tại Hong Kong cho hay họ từng ra giá khởi điểm các tác phẩm của Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường… thấp hơn giá mua vào, chỉ với hy vọng chen chân được vào guồng máy, để dần dần kiếm lãi từ những tác phẩm khác của chính các họa sĩ này. Điều này cho thấy tại sao có những họa sĩ bán tranh rất nhiều mà không bao giờ xuất hiện trong nhà đấu giá, nơi có thể đem lại danh tiếng và giá tranh cao hơn gấp bội.
Thế nhưng, “chui vào” được guồng đã khó, mà “trụ” được càng khó hơn, vì sức đào thải của các phiên đấu rất là lớn, chỉ cần một hai vòng mà không thấy có triển vọng, sẽ bị loại ngay.
Hơn nữa, và có lẽ quan trọng nhất, đó là “những kẻ gác cửa” các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s, Christie’s… không bao giờ đủ khách quan để quan sát rộng khắp. Mà trong nghệ thuật lại cần cá tính chủ quan, nên trong vai trò cố vấn quốc gia hoặc khu vực, tiếng nói của họ dù quan trọng, nhưng rất dễ bị thiên vị.
Vợ chồng một nữ diễn viên nổi tiếng của Việt Nam đã từng bỏ khoảng 200 ngàn USD để mua tác phẩm của Lê Phổ tại nhà đấu giá ở Hong Kong, với lý lịch tác phẩm kèm theo, nhưng giới am hiểu hậu trường lại cho đây là tranh giả.
|
Ngoài vẻ hào nhoáng và những tiêu cực, sự mưu mẹo khó có thể kể hết, thì các nhà đấu giá cũng làm được khối việc, nhất là với những nền mỹ thuật không có thị trường nội địa như Việt Nam.
Để bán được những tác phẩm của Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh… giá cao, họ đã tự mò mẫm và chiến đấu rất nhiều, bởi để hiểu bản chất của mỹ thuật Việt Nam không hề dễ dàng. Họ cũng đã gạn đục khơi trong, vấp phải nhiều vụ tranh giả và kiện tụng, thì mới có được chút thành tựu hôm nay.
Một đơn cử dễ thấy, nhà đấu giá đang lên ở khu vực Đông Nam Á là Larasati luôn phải “gào khản tiếng” trước mỗi phiên đấu mà chẳng có mấy phòng tranh hay họa sĩ Việt mặn mà với chuyện gửi tranh tham dự. Điều này cũng giống như Sotheby’s, Christie’s… hồi đầu thập niên 1990, họ luôn mời gọi Việt Nam mà cũng không có kết quả, nên sau đó chỉ phụ thuộc vào các chuyên gia và phòng tranh cộng tác.Tại sao tranh Việt nội địa lại ngại các nhà đấu giá quốc tế? Có vô số lý do, trong đó nổi bật nhất là họ ngại khó khăn và tốn kém. Bởi để gửi một tác phẩm tham dự, họ chẳng biết dựa vào đâu để làm giá, mua bảo hiểm thế nào, nếu không bán được thì giải quyết ra sao? Rồi tiền gửi tranh, tiền in vựng tập, phí tham dự, tiền đi lại… Nói chung vô vàn nhiêu khê. Một số phòng tranh ở TP.HCM như Đức Minh, Tự Do… đều đã thử vài lần nhưng đành rút lui vì không hiệu quả, vì rắc rối.
Có lần Hội Mỹ thuật TP.HCM gửi một số tranh đi triển lãm tại Hong Kong, vì có một khách hàng muốn xem và mua nên các họa sĩ đều tự làm giá hơi cao một chút. Kết quả, những tác phẩm không bán được, khi gửi về, hải quan căn cứ vào giá đăng ký mà đóng thuế 10%, nhiều họa sĩ đành bỏ tranh cho… hải quan giữ vì ngại thuế cao. Nếu muốn miễn thuế này thì phải xin giấy “tạm xuất tái nhập”, nhưng để xin cũng rất khó khăn, mà có giấy rồi, nếu khách hàng mua tác phẩm thì cũng không biết bán bằng cách nào với tấm giấy này.
Nhà sưu tập Gérard Chapuis (Pháp) từng chia sẻ một ý chí lý: “Danh phẩm Việt khó vào những tiệm buôn lớn nếu không có tay trong, tay ngoài, vì người giám định đã có nguồn cung cấp riêng, nên khi nhà sưu tập không chuyên cần bán cái gì đó, sẽ gặp nhiều khó khăn”.
|
Trên TT&VH từng dẫn lời nhà sưu tập Suzanne Lecht: “10 năm mở phòng tranh Art Vietnam tại Hà Nội, tôi chỉ thấy có 3 hoặc 4 người Việt Nam mua tranh ở đây”. Tranh Việt mà bán người Việt không mua thì làm sao người nước ngoài dám/muốn mua?
Chung quy cũng tại Việt Nam thiếu tầng lớp trung lưu có nhu cầu về nghệ thuật (trong khi người có tiền thì rất nhiều), nên chưa có thị trường nội địa. Chính vì vậy, Nhà nước hay tư nhân mà lập nhà đấu giá cũng là đầu tư mạo hiểm, bởi chưa có giới sưu tầm thì nhà đấu giá bán cho ai. Ngay lĩnh vực đồ cổ mạnh như thế mà cũng chỉ có mua bán trao tay, chưa thấy nhà đấu giá trong nước.
Mà khi không có cơ quan thẩm định, không có nhà đấu giá thì việc các họa sĩ chỉ trông chờ vào các phòng tranh nước ngoài đến mua là điều hiển nhiên. Điều này dẫn đến những hệ lụy trước mắt, đó là chảy máu nghệ thuật mà đời sống họa sĩ khó cải thiện, vì các phòng tranh quốc tế luôn kìm giá mua theo hướng có lợi cho họ nhất.
Cũng xin mở rộng một chút, nếu quả thật Việt Nam có những tác phẩm tiền tỷ như thế giới thì có ngân hàng nào chịu đứng ra bảo lãnh tài sản này không? Chắc là không!
Cho nên, dù giấc mơ triệu đô của tranh Việt hãy còn xa, vì thiếu những tác phẩm gây ấn tượng mạnh và thiếu thị trường nội địa để kích cầu. Nhưng giả dụ ngay bây giờ chúng ta đang có vài tác phẩm triệu đô ở trong nước, thì cũng sẽ không biết bán ở đâu, vì còn thiếu rất nhiều lộ trình để thực hiện được điều này.
Một cách "làm giá" cho Người bán gạo? Truyền thông về tác phẩm Người bán gạo nói rằng: một thực tập viên nhà đấu giá vì không thấy chữ ký mà cho rằng nó chỉ xứng 50 bảng Anh (75 USD) cũng là một cách “đá trái bóng trách nhiệm” để tạo điểm nhấn mà thôi. Vì với nhà đấu giá danh tiếng như Christie’s, phải những tiếng nói cỡ bự như chuyên gia cao cấp về tranh Việt Nam Jean-Francois Hubert thì họ mới tin. Hơn nữa, nói không có chữ ký là vô lý, trên tranh có ít nhất 3 dấu hiệu để nhận ra Nguyễn Phan Chánh: hàng chữ Nho bên phải có tên tác giả; con triện màu đỏ; và chữ quốc ngữ ở góc phải chân tranh. Đó là chưa nói, tác phẩm này dùng khung tranh của hãng Gadin nổi tiếng ở Paris và từng triển lãm ở Napoli năm 1934, thật khó để nói “không rõ” nguồn gốc. Với lại, một người từng trải như nhà môi giới tranh Pascal de Sarth (người Pháp) cũng không loại trừ “đã biết” tác phẩm này, muốn “mượn” phiên đấu giá này để tái làm giá và tái định giá cho tác phẩm. |
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần