(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, tại NXB Trẻ (TP.HCM) đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi thơ lục bát với chủ đề Quê hương và tình yêu do tập san Áo trắng tổ chức. Trong cương vị ban giám khảo, nhà thơ Lê Minh Quốc có nhận xét một ý rất hay: “Tôi nghĩ cuộc thi khá may mắn khi nhận được nhiều bài thơ có hình ảnh mới của những tác giả còn trẻ, điều này rất đáng trân trọng và hy vọng”.
Thơ lục bát đã định hình từ nhiều thế kỷ nay. Đã cố định. Nhưng tại sao vẫn mới? Vẫn hiện đại? Từ nhận định trên, nhà thơ Lê Minh Quốc viết riêng cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về khía cạnh làm mới thơ lục bát từ đâu?
Làm mới thế nào?
Đầu tiên, muốn làm mới lục bát, chỉ có thể tách nhịp của các từ trong câu lục và câu bát. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vẫn chỉ là hình thức. Thiết nghĩ, muốn mới thì vẫn phải bắt đầu bằng cách sử dụng chữ. Chữ không phải tự nhiên mà có, nó ra đời từ chính chất liệu của đời sống. Từ đó, ta sẽ có được những hình ảnh mới.
Ngày trước, nhà thơ Giang Nam viết: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”; hoặc nhà thơ Đỗ Trung Quân viết miêu tả quê hương qua hình ảnh như con đò nhỏ, hoa cau, chùm khế ngọt, bướm vàng bay… Trước đó nữa, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải cũng đã: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”… Tất cả hình ảnh đó, gợi nhớ về khung cảnh ở nông thôn, miền quê đã hằn vết trong trí nhớ nhiều thế hệ, vì lẽ đó, nó dễ dàng nhận được sự đồng cảm.
Ở cuộc thi lục bát chủ đề Quê hương và tình yêu của tập san Áo trắng (NXB Trẻ, 2021), ta thấy gì? Ta đã thấy có hình mới, tất nhiên đã khác trước, thí dụ trong bài thơ Quê hương ở đâu?, tác giả Trần Văn Nhân (Bà Rịa - Vũng Tàu) viết: “Có khi ngay khúc lượn vòng/ Lúc lên cầu vượt qua sông qua phà…/ Nhiều khi quê ở giếng trời/ Sâu trong căn hộ tầng mười chung cư…/ Nhiều khi ở chỗ đi về/ Ngay bùng binh vẫn kẹt xe hàng ngày” v.v…
Một loạt hình ảnh mới đã được đưa ra một cách hợp lý, mà trước đó khi viết về quê hương người ta chưa nói đến, đơn giản quê hương của mỗi người trong tương đồng vẫn có dị biệt: “Quê hương ở bất cứ đâu/ Cũng nằm một chỗ rất sâu trong lòng”. Tôi nghĩ đây là những hình ảnh rất mới của những tác giả trẻ, rất đáng trân trọng.
Và ngay cả khi nói về Sài Gòn - TP.HCM cũng vậy. Thông thường, ta nhớ đến sự êm đềm như “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” (Diệp Minh Tuyền); hoặc: “Tay tôi như có ai cầm/ Thì ra một lá me nằm trong tay” (Lê Thị Kim) v.v… Thì ở cuộc thi này, do không sống trong tâm thế đó, mà chỉ là một chàng thanh niên từ quê “hội nhập” với thành phố này, bạn ấy lại có cảm giác khác hẳn như kẻ đứng bên ngoài: “Ngã tư đèn đỏ vàng xanh/ Thương con bướm ngủ trên cành cây khô/ Tiếng còi xe máy ô tô/ Thương con se sẻ buồn xo gọi bầy”; thậm chí: “Đường chiều khói bụi mắt cay/ Thương giàn hoa rũ báo ngày buồn tênh”.
Rõ ràng, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều). Thế thì, bạn Trần Ngọc Mai (TP.HCM) đã Nhớ quê là một lẽ tất nhiên. Cái sự mới ở đây vẫn là cái nhìn về chốn “phồn hoa đô hội” theo tâm trạng mình, do đó, nó đã không bắt chước theo, lặp lại cách nói mà trước đó, người ta đã nói. Mà, bài thơ này còn là sự cảnh báo không phải cứ nhất thiết phải bỏ ruộng đồng để lên thành phố khi mà mình không thể thích ứng. Sự Nhớ quê trong trường hợp này hợp lý quá đi chứ?
- 'Cổng làng' đoạt giải Nhất cuộc thi thơ lục bát Áo trắng 2021
- Thơ lục bát với Di sản văn hóa dân tộc
- Hơn 1.000 bài thơ dự thi ‘Lục bát Tết’
Thơ lục bát luôn có mạch nguồn
Về mạch nguồn của thể thơ lục bát hiện nay, hầu như người Việt trưởng thành thì ai cũng có thể thuộc vài câu trở lên, hoặc làm được vài câu mượt mà. Nhưng không riêng cuộc thi lần này, mà ở nhiều cuộc thi khác, người ta đã kéo bài lục bát ra dài quá, làm cho tứ thơ bị loãng. Nếu không “chắc tay” thì quy định của vần sẽ kéo tuột mình đi theo, khiến lạc mất cảm hứng chủ đạo.
Khi làm thơ lục bát, tức là ta đang “khiêu vũ trên lưỡi dao lam”, nếu không khéo sẽ để lại “vết thương” ngay tức khắc. Nếu kéo dài quá sẽ trở thành vè, nếu biết tiết chế, cô đọng thì sẽ trở thành những bài lục bát hoàn chỉnh hơn.
Thơ cần sự cô đọng, kiệm lời. Muốn như vậy, tác giả phải chọn từ cho thật đắt. Chỉ một từ, nhưng nói được nhiều nghĩa, nhiều ý, chứ không phải kéo dài để thêm chữ thêm câu. Với thể thơ lục bát, cái khó nhất trong bất kỳ thời điểm nào cũng thế, tác giả phải lựa chọn từ ngữ như thế nào để nó đắt giá nhất, không phải kéo dài thêm.
Thể thơ lục bát đã định hình từ nhiều thế kỷ nay, việc làm mới thể thơ này là một thách thức không nhỏ đối với những người viết sau. Và, xin mạo muội nhấn mạnh lần nữa, làm mới vẫn phải từ “chế tạo chữ”, mới hy vọng có hình ảnh mới. Chữ từ đâu mà có? Điều này không phải ngẫu nhiên. Chữ được ra đời trong cuộc sống đương đại, người làm thơ phải vận dụng các chữ đó, rồi chọn lọc để đưa vào trong thể thơ lục bát, sẽ giúp câu thơ trở nên mới hơn.
Kết quả giải lục bát Áo trắng 2021 Giải Nhất (trị giá 10 triệu đồng) thuộc về tác giả Nguyễn Văn Song (tỉnh Hưng Yên) với bài Cổng làng. Giải Nhì (8 triệu đồng) thuộc về tác giả Trần Ngọc Mai (Đại học An ninh Nhân dân, TP.HCM) với bài Nhớ quê. Giải Ba (6 triệu đồng) thuộc về tác giả Lưu Lãng Khách (TP.HCM) với bài thơ Lau bụi. Giải Tư (4 triệu đồng) thuộc về tác giả Trần Văn Nhân (Bà Rịa - Vũng Tàu) với bài Quê hương ở đâu?. 4 giải Khuyến khích cho Trần Kế Hoàn (Nam Định) với bài Giang tay ôm gốc đa quê; Văn Tín (Hà Nội) với bài Bà vặn chổi rơm; Khét (Cà Mau) với bài Chấm thêm một nét và Lê Hòa (TP.HCM) với bài Cố hương xanh. |
Lê Minh Quốc (nhà thơ)
Tags