(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Khăn Quàng Đỏ - Nhi Đồng phối hợp cùng Nhà thiếu nhi Thành phố tổ chức Lễ trao giải hội thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi lần 2 năm 2019 với chủ đề “Thành phố của em”.
Hội thi diễn ra từ ngày 9/12/2018 - 27/9/2019 thu hút đông đảo học sinh khối tiểu học (bảng A) và trung học cơ sở (bảng B) đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tây Ninh, Đắk Lắk, Nghệ An tham gia với hơn 5.550 bài dự thi ở thể loại thơ (gồm: 2.151 bài) và văn xuôi (bao gồm: 3.401 tác phẩm truyện ngắn, tùy bút, đoản văn...).
Kết quả chung cuộc bảng A, giải Nhất thể loại thơ được trao cho thí sinh Phan Trần Thủy Tiên, học sinh lớp 5C Trường Tiểu học Nhị Xuân, huyện Hóc Môn; giải Nhì thuộc về thí sinh Ninh Gia Linh, học sinh lớp 2/17 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, Quận 12. Giải Nhất thể loại văn xuôi được trao cho thí sinh Nguyễn Ngọc Uyên Phương, học sinh lớp 4/8 Trường Tiểu học Nguyễn Bình Khiêm, Quận 1; giải Nhì thuộc về thí sinh Lê Thị Thanh Ngân, học sinh lớp 5/12 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Bình Tân.
- Phạm Thanh Thúy đoạt giải văn học Đoàn Thị Điểm
- Trao giải văn học nghệ thuật, báo chí về Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Ở bảng B, giải Nhất thể loại thơ được trao cho thí sinh Phạm Hồng Diễm Quyên, học sinh lớp 9 THAT Trường Trung học cơ sở Lương Định Của, Quận 2; giải Nhì thuộc về thí sinh Vũ Lê Hoàng Phúc, học sinh lớp 8/3 Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1. Giải Nhất thể loại văn xuôi được trao cho thí sinh Đinh Phạm Bảo Nghi, học sinh lớp 9A2 và giải Nhì thuộc về thí sinh Nguyễn Ngọc Thùy Dương, học sinh lớp 9A13 cùng chung Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1.
Ban tổ chức trao 7 giải Ba, 22 giải Khuyến khích cho các thí sinh bảng A và bảng B đạt thành tích ở thể loại thơ và văn xuôi; trao 3 giải phong trào cho các trường có nhiều bài dự thi. Ban tổ chức cũng trao hai giải A hội trại sáng tác thơ, văn dành cho thiếu nhi năm 2019 cho thí sinh Đinh Phạm Bảo Nghi, học sinh lớp 9A2 Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1 và thí sinh Vòng Gia Nghi, học sinh lớp 7/6 Trường Trung học cơ sở Tân Thất Tùng, quận Bình Tân; trao 4 giải B và 9 giải C cho các thí đạt thành tích tại hội trai sáng tác.
Theo bà Trần Gia Bảo, Phó Tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ - Nhi Đồng, nét nổi trội của cuộc thi lần này là các em đã đưa thực tế cuộc sống, những vấn đề thời sự vào trong tác phẩm văn học như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, rác thải và tái chế, vấn đề giao thông; hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với những tòa cao ốc, ánh điện lung linh. Hay không gian văn hóa đường sách Nguyễn Văn Bình, thư viện, bảo tàng, địa đạo Củ Chi, rừng Cần Giờ; những chi tiết của cảnh sắc thành phố với những cơn mưa, hàng cây rụng lá... đã làm nên sự lãng mạn trong sáng tác của các em.
Bằng quan sát, cảm nhận, các em đã thể hiện cảm xúc của mình qua những áng thơ, văn sinh động, đa dạng bút pháp và thể loại, đề tài. “Có thể nói rằng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã được các em đưa vào thơ, văn qua cái nhìn trong trẻo, chân thật và ấm áp tình yêu thương; Thành phố của các em là những phong trào thanh thiếu nhi, măng non bổ ích như: giúp bạn nghèo, nuôi heo đất, nụ cười hồng, không xả rác, nói lời hay - làm việc tốt....”, bà Trần Gia Bảo nhận định.
Nét mới của hội thi năm nay là những thí sinh có bài được chọn vào chung khảo được tham gia trại sáng tác "Thành phố của em" tại Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu niên Thành phố (Cần Giờ). Đây là dịp để các em giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát huy niềm đam mê, sở thích sáng tác sau khi trải nghiệm thực tế và được tập huấn về kỹ năng sáng tác.
Đại diện ban giám khảo, Nhà văn Văn Thành Lê đánh giá cao hội thi và các bài dự thi của các thí sinh đã thể hiện câu, chữ rõ ràng. Các bài viết đều tay và chất văn ngày càng hay hơn so với năm trước, nhất là mãng văn xuôi. Chia sẻ về kỹ năng viết văn, Nhà văn Văn Thành Lê khuyến nghị các em học sinh cần phải “đi” thật nhiều để có dịp quan sát, nhìn mọi vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau để chọn lọc và tìm ý tưởng; phải “đọc” thật nhiều để hiểu, nắm bắt câu, cú pháp và làm đa dạng thêm vốn từ; đồng thời phải thường xuyên “viết” để trao dồi kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm trong sáng tác, để từng bài viết ngày càng hay hơn.
Để có chất văn hay, sinh động em Phạm Hồng Diễm Quyên, học sinh lớp 9 THAT Trường Trung học cơ sở Lương Định Của, Quận 2 đã cẩn thận ghi chép những điều nhìn thấy trong cuộc sống hay trong những chuyến đi trải nghiệm thực tế, sau đó, sẽ chọn chủ đề và sâu chuỗi thành câu chuyện… Theo Diễm Quyên, trong quá trình sáng tác đã học được rất nhiều từ thực tiễn và từ những bài thơ, văn xuôi hay. Điểu này đã giúp cho câu văn, ngữ pháp, vốn từ của Diễm Quyên được rộng mở, ngày càng hay hơn, phong phú, đa dạng với chất văn tự nhiên; giúp em hiểu và càng yêu hơn môn ngữ văn và tiếng Việt thân thương....
Thanh Vũ/TTXVN
Tags