Triển lãm 50 năm thời trang của Valentino: “… như nét vẽ trong tranh Picasso”

Thứ Năm, 27/12/2012 06:33 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Valentino Garavani kỷ niệm 50 năm sự nghiệp tạo mẫu lẫy lừng của bản thân bằng một triển lãm thời trang đạt đến tận cùng của sự hào nhoáng tại Anh. Công nương Diana, Liz Taylor, Audrey Hepburn… quá nhiều phụ nữ nổi tiếng đã diện đồ của ông.

Trong bức ảnh của Getty Images, nhà thiết kế người Ý Valentino đứng giữa không gian trưng bày triển lãm, được dựng lên như một sàn catwalk hơn 60m (nhưng trông dài hun hút do góc chụp). Hai bên là các mannequin trong những bộ trang phục dạ hội nữ do ông thiết kế, những bộ váy ưng ý nhất trong suốt 50 năm làm nghề.

Người biến thời trang thành nghệ thuật

Triển lãm Valentino: Bậc thầy nghề may (Valentino: Master Of Couture) mở cửa từ đầu tháng 12 đến ngày 3/3 năm sau tại phòng tranh Embankment thuộc Somerset House, London (Anh).

Triển lãm là cái nhìn tổng quát về sự nghiệp rực rỡ của Valention qua các bức ảnh, thước phim và nhất là những sản phẩm may mặc của ông, 2/3 trong số đó chưa từng được công bố. Ý tưởng và thiết kế triển lãm do một nhóm nhà thiết kế từ Kinmonth Monfreda thực hiện. Tại tầng một là phòng trưng bày các vật dụng cá nhân và ảnh chụp Valentino trong ngày nghỉ và khi đang làm việc. Còn tầng hai mới thực sự là tâm điểm.

Nhà thiết kế 80 tuổi Valentino đứng giữa “sàn catwalk của cuộc đời ông” tại triển lãm Valentino: Bậc thầy nghề may ở London. Ảnh: Getty Images

Toàn bộ tầng hai chính là sàn catwalk hơn 60m nói trên. Trải dài dọc theo sàn catwalk là 130 bộ váy dạ hội, áo jacket, áo choàng và váy cocktail Valention được khoác lên mình các mannequin. Đặc biệt, dàn mannequin không được dựng trên sàn catwalk mà đứng, ngồi và tạo dáng đủ kiểu trên hàng ghế khán giả.

Từ bên ngoài bước vào phòng triển lãm, thứ đầu tiên đập vào mắt khán giả, sừng sững dưới ánh đèn chiếu từ trên đỉnh đầu của mannequin, là chiếc váy cưới lụa màu ngà của công chúa Hy Lạp Marie-Chantal, sản phẩm được tạo nên từ công sức của 25 thợ may hãng Valentino trong vòng 4 tháng trời. Công phu như váy của Hoàng hậu Marie-Antoinette vậy.

Khi thời trang không phải để bán, mua

Valentino, tên đầy đủ Clemente Ludovico Garavani, sinh năm 1932 tại Voghera, Italy. Ông được biết đến với vai trò nhà thiết kế và nhà sáng lập thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới của Ý - Valentino SpA. Các dòng sản phẩm chính của ông là Valentino, Valentino Garavani, Valentino Roma, và R.E.D. Valentino. Năm nay ông kỷ niệm 80 tuổi đời và 50 năm sự nghiệp.

Công nương Diana, Công nương Grace Kelly, phu nhân tổng thống Mỹ Jacqueline Kennedy, các minh tinh: Audrey Hepburn, Elizabeth Taylor, Sophia Lauren, Julia Roberts, Meryl Streep… khó có thể kể hết tên những phụ nữ huyền thoại từng là khách hàng của Valentino.

Khi bước vào phòng triển lãm ở Somerset, có cảm tưởng như tất cả những người đã có tên tuổi, xinh đẹp, lộng lẫy, nổi tiếng và sang trọng, đều đã mặc đồ Valentino. Quần áo không còn chỉ là quần áo. Quần áo của Valentino, theo cách người ta trưng bày trong phòng triển lãm, là nghệ thuật.

Không nhất thiết phải là tín đồ hàng hiệu hoặc thật giàu có và lịch lãm mới cảm nhận được vẻ đẹp của những tác phẩm nghệ thuật ấy. Kể cả những người luôn cố gắng mua được quần áo càng rẻ càng tốt như phần lớn chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng.

Khi trang phục được trưng bày như nghệ thuật (nên nhớ đây là phòng tranh, không phải cửa hàng quần áo và các trang phục cũng không đính kèm giá bán), người xem không nên quá băn khoăn về khả năng sử dụng chúng.

Chiếc váy cưới Valentino của Công chúa Hy Lạp Marie-Chantal may từ 12 loại ren và có đuôi váy dài 4,5m

Đáng để phô trương

Từ những tác phẩm đó, một số là thời trang thập niên 1970 và 1980 nhưng trông vẫn thời thượng, người xem có thể hình dung quá trình lao động của người tạo ra chúng. Đôi khi, đó là ở đường cắt. Nhà báo Christina Patterson của Independent đã bị choáng ngợp đến nỗi đưa ra một so sánh hơi quá: “Không chỉ là đường cắt, đó là một nét vẽ như trong tranh của Picasso”.

“Đôi khi đó là từ cách xâu chuỗi hạt, hoặc cách may đường viền, hoặc cách khâu các phần của một sợi dây. Đôi khi, đó là một mảnh lụa được cắt may thành bông hoa hồng. Khi bạn rời phòng trưng bày đi vào phòng chứa các tủ đựng đồ thủ công, bạn sẽ thở hổn hển bởi chúng làm bạn nhớ về những nghệ sĩ thời Trung cổ tỉ mẩn khắc cả thế giới này lên các phần nhỏ của miếng ngà voi”, Patterson viết.

Valentino gọi các thợ may của mình là “le ragazze”, tiếng Italia có nghĩa là “những cô gái”. Cả một thợ may 60 tuổi vẫn được gọi là cô gái.

“Thiết kế đồ cho các ngôi sao hay thành viên hoàng gia là một công việc dễ chịu”, nhà thiết kế nói, “bởi ý niệm của họ về thời trang cao cấp vẫn còn rất trong sáng”. Với quan điểm đó chắc ông sẽ khó hợp tác với Lady Gaga.

Valentino không đùa. Hào nhoáng bậc nhất không nơi đâu khác, chính là không gian mà ông sống: thời trang và giới thượng lưu. Ông thực sự nghĩ rằng thế giới đó - nơi thuộc về tiền, những người nổi tiếng, những kẻ xu nịnh, nhu cầu thể hiện bản thân, và tất nhiên, nỗi ám ảnh về hình thức (vì thế họ cần đến những bộ váy của ông) - là thứ đáng để phô trương. Phô trương có lẽ cũng là một nghệ thuật.

Huyền Mi
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›