Triển lãm điêu khắc Sóng ngầm: Trực diện về cuộc sống đương đại

Thứ Bảy, 27/06/2009 15:49 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Khi ngồi trước sân phơi thóc vàng óng của gia đình nghệ sĩ điêu khắc trẻ Nguyễn Huy Tính (sinh năm 1974, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội), người viết bài có những cảm giác thật trái chiều về nghệ thuật và cái gọi là ý nghĩa xã hội của nghệ thuật. Mà cụ thể là ở đây, nghệ thuật điêu khắc của Tính đã được sinh ra từ chính những hạt thóc vàng óng kia, song nó không (chưa) thể nào được những “đồng nghiệp” nông dân như anh háo hức đón xem như đón xem một tối ca nhạc giá rẻ ở sân đình với các “ngôi sao” hay “sao đang lên”...
 
 
Phố của Nguyễn Huy Tính (kính và sắt hàn)

Sự bất an của cuộc sống ở phố

Bên cạnh cái sân vàng óng màu thóc ấy, Nguyễn Huy Tính cùng một anh thợ phụ việc đang tính toán lại việc ghép những thanh sắt hàn lên trên các khối kính như thế nào để đạt hiệu quả hình ảnh tốt nhất cho các tác phẩm trong triển lãm Sóng ngầmcùng bày với ông thầy Đào Châu Hải, và một số đồng nghiệp khác nữa.
 
Anh nói, đây là lần đầu tiên anh làm việc với chất liệu kính cắt miếng, ghép lại bằng keo công nghiệp chuyên biệt để tạo khối - “Ngay cả trong các nhà máy sản xuất, họ cũng chưa dám thử nghiệm với kính theo cách này. Mình có lẽ là người đầu tiên làm như vậy”...
 
Ý tưởng này bắt nguồn từ suy nghĩ lâu nay của anh về cuộc sống phố phường Hà Nội. Chừng mươi năm trước đây, anh và các bạn đồng môn khoa Điêu khắc - ĐH Mỹ thuật HN - ngồi uống trà suông ở nhiều góc phố quen, vẫn còn cảm cảm giác yên ổn vì HN “nhiều khi thanh bình, êm ả và có nét lãng mạn”. Thế nhưng thành phố thay đổi đến chóng mặt. Anh muốn sử dụng triệt để sự đối lập của màu sắc, chất liệu và cảm giác về chất liệu giữa kính và sắt của người xem để nhấn mạnh vào chủ đề anh muốn đề cập: Sự bất an của cuộc sống ở phố. Những lớp nhà chung cư nhô ra thụt vào, lộn xộn, chen nhau và như bị đè nặng xuống dưới hàng chồng dây điện.
Triển lãm điêu khắc Sóng ngầm, diễn ra từ 27/6 đến 6/7 tại Trung tâm nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Bên cạnh ba nghệ sĩ Nguyễn Huy Tính, Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm, còn có sự tham gia của hai nghệ sĩ điêu khắc nổi danh Phan Phương Đông, Đào Châu Hải. Họ “đóng vai” như những đồng nghiệp lớn tuổi, tham gia cho vui và là một cách bày tỏ sự đồng lòng với những hướng thay đổi trong tư duy nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ.
 
Ở một tác phẩm khác, khối tạo hình phía dưới gợi hình ảnh những căn nhà trên khu phố cổ, được làm bằng sắt hàn, còn nguyên những mảng rỉ sét gây ấn tượng về sự mòn cũ, mục ruỗng. Bên trên, vẫn là những khối dây sắt loằng ngoằng, chồng lớp. Điều đáng kể là tác phẩm được đặt trên khung sắt cao với mặt kính và tiếp tục một sự đối lập về chất liệu giữa khối tác phẩm chính và bục bệ, kết thành chỉnh thể nghệ thuật, đem lại ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho người thưởng ngoạn. Từ đó khuyến khích họ suy ngẫm về những khía cạnh đối lập nhau trong cuộc sống đương đại, và nhận ra rõ hơn giá trị thực sự của cuộc sống mà họ đang thụ hưởng ...

Chợt thấy, phía sau vẻ rủ rỉ hiền lành của một nghệ sĩ, là rất nhiều sự bận tâm đến đời sống và tha thiết muốn chia sẻ mối bận tâm đó của anh với đông đảo mọi người thông qua nghệ thuật. Anh cho rằng cuộc sống bận rộn quá khiến con người đôi khi bàng quan về chính sự sống của mình, có khi mình đang bị nguy hiểm mà chẳng biết.

Tiếp cận xã hội đương đại

Không hẹn mà gặp, hai nghệ sĩ khác trong triển lãm Sóng ngầm này cũng bàn luận đến cuộc sống đương đại, sự bất an hay áp lực của nó, thông qua các sáng tác mới nhất của mình.
 
Khổng Đỗ Tuyền (sinh năm 1974) chọn chủ đề Nhà. “Ngày nay, khi nhìn vào một ngôi nhà, cái bắt gặp đầu tiên lại chính là những cánh cổng đồ sộ, vững chắc với hàng rào dây thép gai hay những hàng rào song sắt, những thứ mà trước kia không hề gắn với cuộc sống thường nhật của con người. Nghĩa là phần nào đó, cuộc sống không có sự thanh bình...” - Tuyền đã viết thêm như vậy nhân nói đến bộ ba tác phẩm Nhà của anh.
 
Nhà của Khổng Đỗ Tuyền (160cm x 40cm x 50xm, sắt hàn, sơn)
 
Nguyễn Ngọc Lâm (sinh năm 1977) lại cho rằng cuộc sống hiện nay có quá nhiều áp lực đối với con người, áp lực đồng tiền, áp lực gia đình, áp lực truyền thống, áp lực đạo đức... Anh đã tìm được chiếc bu-lông như một hình ảnh biểu tượng cho những áp lực cuộc sống xâu chuỗi con người lại, ép chặt họ lại với nhau thành một khối đồng nhất, không còn cá nhân, không còn đa dạng. Tuy nhiên, phía khác của cái bu-lông ấy lại là sự tháo lỏng: Tháo lỏng ra hay xoáy chặt lại cũng vẫn do con người.
 
Không chỉ còn là những hình ảnh ẩn dụ về cuộc sống nữa, một phần lớn tác phẩm của triển lãm điêu khắc Sóng ngầm đã nói trực diện về nhiều khía cạnh của cuộc sống đương đại, chứ không hẳn chỉ là những thứ diệu vợi với đại chúng.
 
Quả là nghệ thuật mỹ thuật thì không dễ đem lại một cảm xúc, tâm trạng phấn khích cho tất thảy công chúng như với một đêm ca nhạc giải trí. Nhưng sự vận động tư duy như các nghệ sĩ điêu khắc trẻ thể hiện trong triển lãm Sóng ngầm này thì biết đâu sẽ góp phần thúc đẩy khả năng đến gần đại chúng hơn của nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt Nam. Và nhiều đợt sóng ngầm vậy sẽ làm nên những đợt sóng trào mạnh mẽ của nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung, tác động tích cực đến nhận thức xã hội, nhận thức thẩm mỹ của người dân.

Phong Vân 

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›