(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp (1956) khai mạc triển lãm cá nhân chủ đề Mặt lạ lúc 16h30 ngày 24/12/2020 tại Trung tâm Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Triển lãm kết thúc 31/12/2020. Mặt lạ gồm 43 tác phẩm hội họa giá vẽ khổ vừa và lớn. 36 tranh giấy dó, 7 tranh acrylic trên toan. Những tác phẩm này lần đầu tiên ra mắt công chúng.
1. Nghệ thuật của Nguyễn Xuân Tiệp như thể một cái cây Tri thức. Cây này cho ôngbiết Thiện, biết Ác, biết vòng phận muôn kiếp có Tình. Hơn nửa thế kỷ qua,Tiệpluônkiếm tìm và chăm chút cho từng nhánh nhỏ tư duy để chúng có cơ hội sống còn. Mỗi nhánh nghệ thuật của ôngmang cấu trúc và hình thái khác nhau,cùng tỏa ra từ gốc rễ tinh thần vững chãi. Khác biệt ấy là kết tinh của sự hiểu biết về cõi Đời sâu rộng và cõi Thần linh thiêng, không phải tâm hồn nghệ sĩ nào cũng có được.
Cây ấy vẫn đang tiếp tục tỏa nhánh kết thành những tác phẩm hội họa, “những cảnh giới tinh thần”.
Sau nhiều năm gây dựng, dung dưỡng một nhánh tinh thần giữa nhiều nhánh khác đang cùng phát lộ, vậy năng lượng nào đã giúp ông tỏa mình tận hiến? Trong thái độ thản nhiên, ông trả lời: “Trời cho thì được!”.
Thật vậy, chẳng ai có thể hiểu đến tận cùng sự thôi thúc sáng tạo tự bên trong mình đến từ đâu, lớn nhỏ ra sao, nặng nhẹ thế nào? Nhưng bất kỳ nghệ sĩ chân chính nào cũng biết: Sự thôi thúc bên trong ấy không còn ngân nga nữa, nó im bặt đó là lúc Bất Hạnh tìm về. Trong Tiệp có nhiều cơn thôi thúc, nguồn năng lượng gốc mà ông chưa bao giờ bận tâm lý giải. Ông bận tâm cho việc vẽ, một Tình Yêu lớn!
2. Thời gian suy tư và vẽ dù lâu hay mau nhưng tất thảy với Tiệp chỉ là chớp mắt, bởi khi vẽ ông bước vào vô số không gian phi thực tế với người đời. Mỗi bức họa Tiệp đều vươn tới một trạng thái tinh thần khác biệt. Điều này gợi cho ta nhớ tới những cuộc phiêu lưu xuyên thời giannổi tiếngcõi Người, ví như “Từ Thức lạc chốn Quỳnh Hư”. Để tìm được lối dẫn vào cõi Tiên ấy, Tiệp không chỉ cứ đưa chân là thấy đường. Ông chọn cách: Phải đắm mình vào “chốn nhân gian mịt mờ hỗn tạp” để biết chua, biết chát, phải thong dong “lên lầu vàng cầm chén ngọc” để biết trên cao xanh có mây ngũ sắc, dưới thoái triều bãi bể nương dâu. Trong ông,Tĩnh tự Sinh để lắng nghe vạn vật quanh mình. Cả ba cõi Trời, Đất, Người đều cất tiếng biểu lộ tâm can thì kẻ trót vướng Duyên nghe như ông cũng bình thản mà lãnh nhận. Sự thực trong ông vốn là một cõi Lạ.
Ta đều biết rằng, trí tưởng tượng luôn tác động tới hành trình sáng tạo của một cá nhân. Ở Tiệp, trí tưởng tượng không yếu đi, nó mạnh lên theo năm tháng. Đặc biệt trí tưởng tượng ấy còn mang những trải nghiệm đa tầng. Nếu Từ Thức gặp Tiên là an yên hưởng lạc, thì Tiệp chỉ ngắm nhìn, nhập tâm rồi trở về Đời. Nếu Từ Thức cám cảnh cõi Đời một đi không trở lại, thì Tiệp trong thực tại tiếp tục khai mở thêm nhiều không gian khác. Quatừng bức họa, người xem cùng được nhập cõi Thiêng.
Khi phải nói về nghệ thuật của mình, ông thường ngắn gọn: “Tôi bịa đấy!”. Đó là một cách nói để người xem được hoàn toàn tự tại, không bị ràng buộc bởi ngôn từ, mạnh bước vào không gian Lạ mà Tiệp đã từng vào ra.
Tiệp hay ngồi trước tranh, im lặng. Điếu thuốc trên môi ông tàn dài quá nửa nhưng không rụng. Nơi chốn thường ngày của ông như đột nhiên quánh đặc. Phải chăng lúc đó Tiệp đang gặpnhững mảnh linh hồn mà ôngbỏ lại nơi chốn chính ông tìm thấy? Nếu vậy cái giá phải trả là quá đắtbởi mấy ai dám cùng kiệtbản thân? Nhưng Tiệp là vậy.
3. Mặt lạ không là một cuộc trưng bày tranh “chân dung” theo lối miêu tả nhân vật mà làsự ghi nhận những dấu chỉ của Định Mệnh lên ba cõi Trời, Đất và Người.“Mặt” là nơi tập trung biểu hiện của chu trình luôn tiếp diễn: Không và Có, Còn và Mất, Sống và Chết… “Lạ” là thời điểm chuyển giao: Mây trời chuyển gió giao mùa, đất thở cựa mình, hạt khô tách vỏ vươn mầm, người cười thu ánh tàn dương vào tâm trí… Thời điểm “Lạ”ấy luônẩn chứa sự phi thường. Nhưng Con Người thường vô tình lỡ nhịp cảm, nên vì thếtim hóa đá là nhiều!Thấu điều đó, Tiệp tìm kiếm, tích lũy lại những “Mặt Lạ” để đánh động tâm can.
Tiệp trong 2 nhánh “Độc Thoại” (năm 2015 và 2016) bày tỏ cái Tôi hiện sinh, cái Một Mình thầm lặng. Tiệp trong Mặt lạ lại trụ giữa thinh khôngđể đúc hình ba cõi.
Nếu chiếu theo thuyết Sadanga (6 quy tắc tạo hình cổ xưa của Ấn Độ)*thì Mặt lạ chứa đủ: Cảm quan về hình tướng, Cảm thức về tương quan, Tác động của tình cảm lên hình tướng, Cảm thức về cái ưu nhã, Các phép so sánh, Khoa học về màu sắc. Cảm quan về hình tướng của Tiệp là: Người-Tiên, Người-Thú, Người-Tan rã-Hội tụ… hay đích xác hơn: Tiệp bóc bỏ lớp vỏ ngoài để phô bày nội giới.Tiệp dựng nên một hệ nét vừa là hình tướng hữu thể nhưng cũng là hình tướng tâm lý. Nét giam giữ hình tướng thật đanh gọn, thì cũng được sự đanh gọn phá mở, nét của Tiệp còn tỏa ánh sáng tự thân một cách tinh vi. Hệ nét ấy được ấn định trong không gian lúc thì chiếm lĩnh lúc lại ẩn đi như những gì Tiệp đã cảm thức về tương quan trong không gian Lạ.
Ở chất liệu giấy dó, bức họa bất kể trạng thái tinh thần nào cũng chìm sâu vào trong thớ giấy, trong như tẩm sáp. Ở chất liệu acrylic trên toan, bức họa luôn mang vẻ trong trẻo, thấy rõ các lớp màu chồng lên nhau. Tâm ông dù cuồng nộ hay sầu thảm thì vẻ trong trẻo vẫn hiển hiện trong tranh. Để giữ được những tình cảm thánh thiện trong lòng lâu bền thì cảm thức về cái ưu nhã đã giúpTiệp. Sự phức tạp của lý trí luôn lôi kéo Tiệp về một nơi nào đó, nếu thua Tiệp sẽ bị giam cầm mãi mãi, cái ưu nhã giúp Tiệp cân bằng, tạo nên sự bí ẩn trong tranh Tiệp, đó là những khoảng vời vợi, là những nét thoát, là những vết gợn...
Dù bí ẩn, nhưng tranh Tiệp vẫn đầy lối dẫn cảm bởi chúng mang các phép so sánh tới người xem: Bất kể số phận thế nào, vị thế ra sao vạn vật đều có những mối liên hệ theo vô vàn cách thức. Lá cỏ nhành cây, ánh mắt, vệt màu loang… trong bức họa đủ làm ta ngân nga và có thể tìm thấy một mảnh phận mình. Đối diện với giấy mỏng, toan trắng, Tiệp như đang soi gương nên chắc chắn không tránh được phút giây trì hoãn. Sự điêu luyện trong khoa học màu sắc giúp ông vượt khỏi trì hoãn, hòa quyện cùng 5 quy tắc trên nền tảng một hồn cốt Việt.
Hòa sắc đơn hay đa sắc, âm trầm hay rực rỡ thì bảng màu của Tiệp luôn đến từ tự nhiên: Hồng phấn, lá mạ, son thắm, vàng nghệ, nâu đất, đen than… chúng cùng nhau tạo nên một nhiệt độ màu đặc trưng vùng khí hậu Việt. Sự thay đổi sắc độ trên thang màu là điều Tiệp chăm chút tỷ mỉ, tinh tế. Việc này khiến từng chi tiết bắt nhịp cùng nhau trong tổng thể nên khi xem tranh ta luôn có cảm giác ông vẽ rất nhanh, liền mạch cho dù để vẽ nó mất 10 năm hay vài giờ. Ông chẳng tiếc thời gian, chẳng tiếc công sức mà chỉ tiếc nếu tranh khác với lòng mình. Ông nói: “Mỗi tác phẩm nghệ thuật chỉ xảy ra một lần!”.
- Họa sĩ người mất tượng, người rút tranh vì bị rạch xước tại triển lãm Mỹ thuật 2020
- Gần 500 tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020
- Tự phát như... nghề giám tuyển mỹ thuật ở Việt Nam
- Xem tranh của các họa sĩ 'bom tấn' trên thị trường mỹ thuật
4. Người Nữ trong tranh Tiệp thân thuộc nhưng cũng xa vời. Ông vẫn giữ góc nhìn người Nữ như thờiniên thiếu, một cái nhìn trong veo và sáng láng. Ông vẽ người Nữ nhiều, từ gia đình, bạn hữu hay thoáng gặp và càng lúc ông càng mở rộng được giới hạn biểu đạt tinh thần. Người Nữ không chỉ: Thánh thiện, u hoài, đam mê... mà trở thành những Cung Lòng. Ánh mắt ăm ắp Tình,bộc lộ kỹ thuật “điểm nhãn” của Tiệp đã đạt tầm cao.
Người ta thường nhắc đến kỹ thuật vẽ mắt của bậc thầy hội họa Raffaello (Italy, Phục hưng) một giá trị đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình phương Tây, ở phương Đông lại có những bậc thầy “điểm nhãn”. Chỉ là điểm và hệ nét phẳng, đồng sắc, thoạt trông tưởng chừng rất đơn giản, Tiệp vẫn phả vào đó cảm thức của mình. Đồng hiện trong tổng thể, bên cạnh những hình ảnh dễ nhận biết như bàn tay cầm nắm, đồ hình bản chất, ông nâng sự quyến rũ của những Cung Lòng thoát khỏi những ám ảnh tính dục thành những biểu tượng nghệ thuật.
***
Suy tư nhiều, đam mê nhiều, trả giá cũng nhiều, trên hết là sự lặng thinh, nhập vào Tâm tất cả, Tiệp là Người như thế.Nghệ thuật thuần túy đã cho ông tiếp tục khai mở những tầng sâu ẩn khuất và thoát cõi Này.Thảng hoặc trong lúc ngất ngây men Đời, Tiệp hát, Tiệp múa, Tiệp cất tiếng Gào! Hát những lời da diết, múa như hình dáng cỏ cây, và Gào lên không thành tiếng bởi với cái Đẹp trong mình, Tiệp biết:“Vẫn còn xa ngái!”.
* “Sadanga hay sáu chuẩn của hội họa Ấn Độ”- trang 109, Thái Bá Vân - Tiếp xúc với nghệ thuật (Viện Mỹ thuật ấn hành, 1996)
Nguyễn Sơn
Tags