(TT&VH) - Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn vừa thực hiện cuốn sách Nguyễn Phan Chánh (NXB Mỹ thuật) với các phác thảo của danh họa này trong thập niên 1950 - 1960. Lúc 18h ngày 25/3, tại 8A Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM triển lãm về những phác thảo trên của Nguyễn Phan Chánh sẽ khai mạc.
Tự họa của Nguyễn Phan Chánh năm 1962 (ảnh chụp lại từ sách Nguyễn Phan Chánh của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn)
Danh họa Nguyễn Phan Chánh qua đời đến nay đã 26 năm. Sinh thời, ông tự bạch rằng: “Ai có thể nói rằng một bức lụa dù đẹp đến đâu có thể tồn tại mãi mãi. Màu sắc tươi tắn đến mấy rồi cũng phai. Nét vẽ dù đẹp đến mấy cũng không thể giữ mãi. Bản thân người nghệ sĩ rồi cũng mất. Cái còn lại mãi với thời gian là tình người. Tình người giúp tôi vượt qua giông bão của cuộc đời. Tình người trong nghệ thuật của tôi đã tạo nên niềm cảm thông giữa tôi và bè bạn trong nước cũng như nước ngoài”.
Đúng như Nguyễn Phan Chánh “tự bạch”, nhiều bức phác thảo trong triển lãm này đã phai màu thời gian, có nhiều bức giấy rách cả góc nhưng “tình người trong nghệ thuật” của Nguyễn Phan Chánh vẫn còn mãi.
Danh họa Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21/7/1892 tại Hà Tĩnh. Năm 1911 ông làm thầy đồ dạy học tại quê, 1922 thi đỗ sư phạm Huế. 1925 Nguyễn Phan Chánh là thí sinh duy nhất ở miền Trung thi đỗ khóa đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1928, tranh của Nguyễn Phan Chánh được in thành con tem Ruộng lúa (hay còn gọi là Người đi cấy). Năm 1930 tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Phan Chánh được giữ lại trường.
Năm 1931, trong cuộc trưng bày tranh lụa An Nam tại Đấu Xảo thuộc địa ở Paris trong đó có các họa phẩm nổi tiếng của Nguyễn Phan Chánh: Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn, Bữa cơm, Người hát rong, Lên đồng, Chơi ô ăn quan. Ông còn là đại biểu quốc hội khóa 3 vào năm 1964. Nguyễn Phan Chánh mất ngày 22/11/1984 tại Hà Nội. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Hoàng Nhân