(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua, 28/9, họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Phạm Hà Hải đã mang tranh ủng hộ Giải Dế Mèn tới tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa.
"Với những hoạt động mang giá trị nhân văn như thế này, chúng tôi không bao giờ từ chối" - Phạm Hà Hải nói khi trao bức Thiền nâu 02 (acrylic mài + vàng + bạc, 70x50cm, 2020). Dường như anh cũng nói hộ anh trai mình - họa sĩ Phạm An Hải, bởi cả 2 anh em họa sĩ đều góp mặt trong cuộc vận động này để phát triển giải Dế Mèn (Phạm An Hải có bức Trong ngoài, (Inside out, sơn dầu trên toan, 70x50cm, 2020).
Còn họa sĩ Thành Chương thì mang tới bức tranh sơn mài mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (60x45cm) được phát triển từ bộ tranh Dế Mèn phiêu lưu ký mà ông đã vẽ cho bản in cuốn sách này ở Nhật Bản. Đây chính là bức tranh mà bản vẽ nét của nó đã được dùng làm logo cho Giải thưởng.
Mất hơn 1 tuần lễ để vẽ thành tranh sơn mài, họa sĩ Thành Chương đã gấp gáp chuyển tranh cho thợ đóng khung. Nhưng đến tận khi giao tranh cho tòa soạn, ông vẫn không hài lòng với khung tranh màu vàng sậm, nên lại bắt thợ đến tận nơi để thay khung mới màu nâu đất. Tất cả là để cho bức tranh phải thực sự hoàn hảo theo ý mình.
Buổi sáng sớm, trong quán cà phê trước cổng tòa soạn, nhìn 2 họa sĩ Thành Chương, Phạm Hà Hải mải mê ngắm nghía, chăm chút cho 2 bức tranh trước khi gửi Thể thao và Văn hóa, để ủng hộ Giải Dế Mèn, tôi có cảm nhận rất rõ rằng đây thực sự là một cuộc "chọn mặt gửi vàng".
Cho tới thời điểm này, đã có gần 20 họa sĩ ủng hộ tranh cho Giải Dế Mèn, hầu hết đều là những cái tên "đắt giá" trên thị trường mỹ thuật hiện nay. Riêng tranh của nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì là một hiện tượng lạ lùng. Là một nhà văn cầm cọ, ông vẽ với sự hứng khởi bao la về một thế giới mà cả đời thơ ông hướng tới. Một số tranh trong bộ Người thổi sáo của ông đã được chọn làm logo và in vào các phụ bản quảng bá cho Liên hoan Thơ quốc tế Medellin lần thứ 29, tại Colombia năm 2019. Giờ đây, ông đã góp vào cuộc vận động này bức Người thổi sáo 36 (sơn dầu trên toan, 110x90cm, năm 2018).
Vì sự vô tư và trong sáng cần phải có, mục tiêu của Dế Mèn trong tương lai gần là tạo ra nguồn kinh phí để duy trì và phát triển Giải thưởng. Bởi thế, cuộc vận động ủng hộ tranh cho Giải Dế Mèn đã được phát động, nhằm kêu gọi các họa sĩ, nhà sưu tập "phóng tặng" từ 50% giá bán tranh cho giải. Mà giá bán tranh thì đã giảm rất đáng kể so với "giá sàn" của chính họ.
Tuy mục đích ủng hộ Giải khá cụ thể, nhưng chủ trương của giải vẫn là tuyển chọn tác giả và tác phẩm có chất lượng tốt, để làm sao 4 bên cùng có lợi. 4 bên đó là: Người mua, người bán, BTC Giải, và cả tác động gián tiếp tới thị trường mỹ thuật. Bởi BTC mong muốn các họa sĩ, nhà sưu tập mang đến hoạt động thiện nguyện các tác phẩm thật sự tâm đắc của mình. Số tiền thu được, sau khi trả cho họa sĩ theo tỉ lệ trên, trừ đi các chi phí bán tranh, sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian sớm nhất và được sử dụng vào mục đích phát triển Giải Dế Mèn các mùa sau.
- Mảng văn học nổi bật tại Giải Dế Mèn 2020
- Hướng tới Giải thưởng Dế mèn: Cửa đã mở rồi, Cao Khải An!
- Hướng tới Tết Trung thu và giải thưởng Dế Mèn: '199 mấy hồi ấy làm gì' - Một thế hệ vô ưu?
- Chào tuần mới: Dế Mèn tuổi 80...
Lần này BTC đã có tác phẩm của các họa sĩ: Trần Nguyên Đán, Thành Chương, Nguyễn Quang Thiều, Phạm An Hải, Đinh Quân, Dũng Tí, Phan Thiết, Tào Linh, Phạm Hà Hải, Nguyễn Duy Nhi, Phạm Bình Chương, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Thế Hùng, Vũ Mười… và nhà sưu tập Thanh Uy.
Những tác phẩm này sẽ được trưng bày ngay tại Lễ trao giải, từ 14h, ngày 29/9/2020 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội; đồng thời đã được đưa lên trang Fanpage của Giải để được "dán nơ" (đặt mua).
Cùng với đó là 100 cuốn sách Làm bạn với bầu trời (bản bìa cứng) mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng dành riêng cho Giải Dế Mèn.
Nguyễn Mỹ - Văn Bảy
Tags