(Thethaovanhoa.vn) - Truyền thuyết về thành Troy đã trở nên bất tử khoảng cách đây 2.800 năm với một trong những trường ca nổi tiếng nhất thế giới - Ilias của Homer. Và cho đến giờ, các học giả vẫn mải mê tranh cãi về câu hỏi: tòa thành này có thật sự tồn tại trong lịch sử?
Ở cuộc triển lãm Myth And Reality (Troy - Huyền thoại và hiện thực) đang diễn ra tại bảo tàng Anh (London), người ta lại một lần nữa thấy câu chuyện này đã truyền hứng cho các nghệ sĩ và giới khảo cổ hiện đại như thế nào.
Lời kêu gọi chấm dứt bạo lực và hủy diệt
Thành Troy là huyền thoại hay có thực? Câu hỏi ấy xuyên suốt cuộc triển lãm, với hơn 300 hiện vật được trưng bày cho tới ngày 8/3/2020.
Trong số này, tác phẩm sắp đặt của nhà điêu khắc người Anh Anthony Caro vẽ ra những điểm tương đồng giữa sự tàn bạo của cuộc chiến thành Troy và cuộc xung đột Balkan những năm 1990. Tương tự, bức tranh Vengeance Of Achilles của họa sĩ biểu cảm Mỹ Cy Twombly cho mô tả một mũi mác đẫm máu.
“Chúng ta nhận ra câu chuyện của chính bản thân mình ở tính cách của mỗi nhân vật chính” - Giám tuyển trưởng của triển lãm, ông Alexandra Villing nói với Hãng tin Đức DPA - “ Đó là lý do tại sao thành Troy luôn xuất hiện trong nhiều triển lãm của thế giới đương đại, trong các sản phẩm của nền văn hóa đại chúng như phim Troy (2004) với vai diễn của tài tử Brad Pitt, hay trong tác phẩm văn học của các nhà văn như Christa Wolf, Pat Barker và Margaret Atwood”.
Ở một góc độ khác, triển lãm cũng phân tích và cho thấy tính cách của các nhân vật chính trong Cuộc chiến thành Troy phức tạp như thế nào.
“Các anh hùng ấy xét cho cùng cũng là những kẻ giết người. Và chiến công của họ gắn với sự hủy diệt, bạo lực, xung đột, đau buồn và mất mát” - Giám đốc Bảo tàng Anh, ông Hartwig Fischer nói và nhấn mạnh rằng triển lãm là “một lời kêu gọi chấm dứt bạo lực trên thế giới”.
Sự say mê của các nhà khảo cổ
Trong quá khứ, nhà khảo cổ học người Đức, ông Heinrich Schliemann đã đi tìm thành phố huyền thoại ở vùng Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1870 và tuyên bố ông đã tìm thấy nó. Và Troy - Myth And Reality, triển lãm lớn đầu tiên về thành phố Troy ở London kể từ khi Schliemann giới thiệu những phát hiện của mình ở thủ đô xứ sở sương mù hồi năm 1877, đã có không gian dành riêng cho những kết quả khai quật của ông, cũng như những phản biện mang tính phê bình về phương pháp lập luận và những kết luận vội vàng của nhà khảo cổ này.
Schliemann vốn là một doanh nhân giàu có sau khi nghỉ hưu, ông đã dành nhiều năm để khai quật tìm kiếm các di tích thành Troy (được cho là thuộc Hisarlik, Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ) và đế chế Mycenae (thuộc bán đảo Peloponnese, Hy Lạp) trong suốt những năm cuối thế kỷ 19 bằng các phương pháp không chính thống.
Schliemann xuất thân không phải là một nhà khảo cổ, ông chỉ đơn giản đam mê trường ca của Homer. Năm 1868, ông quen Frank Calvert, một nhà ngoại giao Anh, người cũng tin rằng thành phố Troy huyền thoại nằm bên dưới Hisarlik. Với những lợi thế sẵn có về tài chính và thế mạnh chính trị, cả hai được cấp phép khai quật tại Hisarlik. Họ đã cùng bắt đầu tìm kiếm trong khu di chỉ này suốt nhiều năm sau đó. Những phát hiện của Schliemann bao gồm cả kho vàng mà ông cho là của vị vua cuối cùng của thành Troy và đặt tên là “kho báu của Priam”.
Chưa đủ chứng cứ khoa học, các hiện vật mà Schliemann tìm thấy chủ yếu chỉ cho thấy sự đam mê của ông đối với thành phố đã biến mất từ lâu này. Nhiều hiện vật được mượn từ Bảo tàng Quốc gia ở Berlin đã được trưng bày tại Troy - Myth And Reality. Trong đó, đáng chú ý nhất là hai chiếc bình gốm còn sót lại sau hai vụ cháy - một chiếc ở tại một thị trấn mà Schliemann khẳng định đó là Troy và một chiếc sau vụ đánh bom Berlin vào cuối Thế chiến II.
Bi kịch của những người hùng Trong triển lãm Troy - Myth And Reality, câu chuyện về những người anh hùng của cuộc chiến luôn được gắn với các bi kịch của họ khi trưng bày. Phân xử của Paris: Thần Zeus đã phái sứ giả đến hỏi Paris, hoàng tử thành Troy, để chọn nữ thần mà anh thấy là đẹp nhất trong 3 người là Hera, Athena hoặc Aphrodite. Paris đã quyết định chọn Aphrodite khiến 2 người kia không bằng lòng. Họ thề trả thù chàng và thành Troy quê hương anh. Helen, nguyên nhân chiến tranh: Helen được cho là người phụ nữ đẹp nhất xứ Sparta. Là vợ của Menelaus nhưng nàng yêu hoàng tử Paris và trốn theo chàng về thành Troy. Vua Menelaus tức giận mang quân tấn công thành Troy. Sau cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài suốt 10 năm trời, Troy thất thủ và bị vùi sâu xuống lòng đất suốt hàng ngàn năm. Agamemnon, “Tổng tư lệnh” quân Hy Lạp: Agamemnon, anh trai của Menelaus là chỉ huy tối cao của người Hy Lạp trong cuộc chiến tranh. Trong hành trình tới Troy, ông đã phải làm lễ hiến tế và hy sinh cô con gái Iphigenia của mình để xin nữ thần săn bắn Artemis phù hộ. Priam, vị vua cuối cùng của thành Troy: "Tôi là một vị vua khốn khổ. Tôi từng có những người đàn ông dũng cảm nhất của thành Troy, trong đó có các con trai mình, sát cánh bên cạnh. Và bây giờ không còn ai trong số họ”- Priam, vua thành Troy than vãn. Odysseus, chiến binh mưu mẹo: Lúc đầu, người anh hùng này không muốn tham gia cuộc chiến. Nhưng với tư cách là đồng minh của vua Sparta, Odysseus không có lựa chọn nào khác, vì vậy chàng đã tham gia cuộc chiến thành Troy và trở thành một chiến binh nổi tiếng với mưu mẹo phi thường. Vậy nhưng sau cuộc chiến, hành trình về nhà của Odysseus là một cuộc phiêu lưu kéo dài 10 năm trong trường ca Odyssey của Homer. Penthesilea, Nữ hoàng của bộ tộc Amazon: Khi cuộc chiến giành thành Troy ngày càng mạnh mẽ, Penthesilea đã tới giải cứu người dân Troy. Nàng là Nữ hoàng của bộ tộc Amazon – rất xinh đẹp nhưng khiến các chiến binh vừa sợ hãi vừa tôn thờ. Khi giết chết Penthesilea, Achilles tháo mũ sắt của nàng và yêu Penthesilea từ đó. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags