Trịnh Công Sơn: Ở phố mà nhớ phố

Thứ Bảy, 17/10/2020 06:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Hà Nội đặt tên đường Trịnh Công Sơn và 37 năm ra đời bài hát Nhớ mùa thu Hà NộiĐoản khúc Thu Hà Nội, Gallery39A tổ chức buổi ra mắt băng cối Lênh đênh nhớ phố - Giang Trang hát nhạc Trịnh Công Sơn đồng thời khai mạc triển lãm 25 bức ảnh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của 3 nhà nhiếp ảnh: Hà Tường, Nguyễn Đình Toán và Dương Minh Long.

Ra mắt băng cối ‘Lênh đênh nhớ phố’ và triển lãm ảnh đen trắng về Trịnh Công Sơn

Ra mắt băng cối ‘Lênh đênh nhớ phố’ và triển lãm ảnh đen trắng về Trịnh Công Sơn

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Hà Nội đặt tên đường Trịnh Công Sơn và 37 năm ra đời bài hát Nhớ Mùa Thu Hà Nội và Đoản Khúc Thu Hà Nội, Gallery39 tổ chức buổi ra mắt băng cối Lênh Đênh Nhớ Phố - Giang Trang hát nhạc Trịnh Công Sơn và triển lãm 25 bức ảnh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của 3 nhà nhiếp ảnh: Hà Tường, Nguyễn Đình Toán và Dương Minh Long. 

Đây là lần đầu tiên 3 nhiếp ảnh gia cùng bày chung một triển lãm ảnh đen trắng chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong buổi triển lãm, 3 nhiếp ảnh gia sẽ có mặt để giao lưu với người xem qua những câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh. Hy vọng âm nhạc và nhiếp ảnh sẽ cùng mang đến một câu chuyện thú vị, một góc nhìn khác lạ hơn về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Hà Tường đi nhiều, gặp nhiều, chơi rộng, 4 bức ảnh ông tham gia triển lãm Lênh đênh nhớ phố lần này đều chụp Trịnh Công Sơn với bạn bè văn nghệ. Bức ảnh được nhiều người biết tới nhất chính là bức Trịnh Công Sơn gặp mặt thân hữu nhân một lần ông đi chơi Hà Nội tại nhà nhạc sĩ Thụy Kha.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang nghe ca sĩ Mỹ Linh hát năm 1995. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Bữa “tiệc nhỏ”, trải chiếu ngồi đất, một cái mâm bằng nhôm, muôi thìa cũng nhôm, bát đĩa sứ Hải Dương hoặc bát sắt tráng men, một ấm giỏ mây tre đan ủ nước vối… đạm bạc, rất “bao cấp”, “một thời để yêu, một thời để nhớ”, nhưng vẫn ấm tình bằng hữu.

Trong ảnh là vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Hồng Đăng, diễn viên Phương Thanh, nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng và nhà thơ Thu Bồn. 3 bức còn lại Hà Tường chọn ảnh Trịnh Công Sơn với bạn - họa sĩ. Trịnh Công Sơn là người yêu hội họa, ông vẽ nhiều, thân với nhiều họa sĩ như Trần Trung Tín, Thái Tuấn, Lưu Công Nhân…

Chú thích ảnh
Từ trái sang phải: Nhạc sĩ Hồng Đăng, diễn viên Phương Thanh, nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Thụy Kha, nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng và nhà thơ Thu Bồn. Ảnh Hà Tường chụp tại nhà Thụy Kha năm 1983

Dương Minh Long gửi tham dự triển lãm này bằng 4 tác phẩm Trịnh Công Sơn ngồi một mình, ở nhà. Cái sự “một mình” ấy, cái cô đơn ấy chưa đủ để tạo ra nghệ thuật nhưng chắc chắn nó cần thiết cho nghệ thuật, cho kiếp sáng tạo, là dinh dưỡng nuôi nghệ thuật. Chợt nhớ trong bài Lời thiên thu gọi có câu “Nhiều đêm muốn đi về con phố xa/ Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà”. Những khuôn hình của Dương Minh Long cô đọng, khúc chiết và rất Trịnh Công Sơn. Bên cạnh những bức ảnh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một số thủ bút, bài hát của ông được khắc kim loại.

Chú thích ảnh
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh Dương Minh Long

Chất phóng sự xuyên suốt trong cuộc đời cầm máy của Nguyễn Đình Toán. Ông luôn bắt được đúng thời điểm, đúng cao trào của câu chuyện. Sự biểu cảm trong động tác, trên khuôn mặt, thậm chí ở ánh mắt của nhân vật, nhiều khi chỉ là tích tắc, người chụp phải “tóm” được, chớp được, bấm được chính xác cái giây vàng ấy. Nếu không thì ảnh sẽ nhờ nhờ, nhàn nhạt, nét mà vẫn “mờ”. Nhiếp ảnh là gì nếu như không là lưu giữ ký ức. Chùm ảnh 5 bức nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang nghe Mỹ Linh hát Đoản khúc Thu Hà Nội cách đây 25 năm là một ví dụ. Một ký ức đẹp, một kỷ niệm đẹp không chỉ cho riêng Mỹ Linh, nói không quá rằng chùm ảnh này giờ chính là một giấc mơ vì Trịnh Công Sơn đã đi xa.

Chú thích ảnh
Phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội

Đâu chỉ là những bức ảnh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đằng sau mỗi bức ảnh ấy là câu chuyện cuộc đời và số phận của ông và bạn bè. Đó là vui buồn, được mất, hạnh phúc và bất hạnh… của họ. Cuộc đời của những kẻ tài danh, những sắc nước hương trời ấy vốn đã là những nhân vật điển hình, những câu chuyện điển hình, chất chứa trong đó không chỉ chuyện của cá nhân họ mà chắc chắn còn là câu chuyện của số đông, của “cõi người ta”.

Như đã nhắc ở trên, năm 2015, trong bài diễn văn tại lễ đặt tên phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội - một con phố rất đẹp nằm bên Hồ Tây, một câu trong bài hát Nhớ mùa Thu Hà Nội của ông đã được đọc lên: “Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi”. Sự kiện đặt tên phố mang tên người nhạc sĩ chính là câu trả lời hay nhất cho câu hỏi của ông, đó cũng là ý nghĩa của triển lãm ảnh Lênh đênh nhớ phốvà ra mắt băng cối cùng tên của ca sĩ Giang Trang. Âm nhạc của ông vẫn luôn đi cùng năm tháng, cùng mùa Thu Hà Nội.

Trải nghiệm mới với băng cối

Buổi ra mắt băng cối Lênh đênh nhớ phố - Giang Trang hát nhạc Trịnh Công Sơn và triển lãm ảnh đen trắng sẽ ra mắt lúc 10h sáng Chủ nhật, 18/10/2020 tại Gallery39A (39A Lý Quốc Sư, Hà Nội). Triển lãm ảnh kéo dài đến hết ngày 25/10/2020.

Đây là lần đầu tiên từ 1975, âm nhạc của Trịnh Công Sơn được phát hành trên định dạng băng cối, tốc độ 15 sau khi đã có bản CD và đĩa nhựa (vinyl) cùng do ca sĩ Giang Trang thể hiện, nhà sản xuất Trần Đức thực hiện. Tinh thần giản dị, gần gũi trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng như cách thể hiện mộc mạc của Giang Trang đã khích lệ nhà sản xuất Trần Đức làm cuốn băng cối đặc biệt này.

Chương trình được remaster và thu âm bằng các thiết bị chuyên nghiệp dưới dạng 2 track chuẩn EQ IEC/CCIR, sợi băng có kích thước tiêu chuẩn (1/4 inch), tốc độ 15ips, hy vọng sẽ mang đến cho cộng đồng audiophile cũng như những người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn một trải nghiệm thưởng thức mới.

Phần hình ảnh của băng cối do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế, nhiếp ảnh NHAT LE thực hiện, đặc biệt túi đựng băng cối được may từ vải lanh, dệt thủ công, chưa nhuộm chàm của người Mông.

Phần âm nhạc của đĩa do violin Trần Anh Tú (Tú Xỉn) và guitar Trần Anh Hoàng đảm nhận.

Lê Thiết Cương

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›