(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” nhân dịp 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019).
Trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” là câu chuyện về thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam (1954 -1975); lời cảm ơn từ trái tim đến bạn bè quốc tế, những người không phân biệt quốc tịch, màu da, sắc tộc đã đấu tranh vì hòa bình cho đất nước Việt Nam. Tinh thần yêu chuộng hòa bình ấy không chỉ lan tỏa tới bạn bè khắp năm châu mà còn ở ngay tại nước Mỹ, trong hàng ngũ binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam và cả những phi công sống trong Trại giam Hỏa Lò cũng như các trại giam khác ở miền Bắc Việt Nam. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng bạn bè quốc tế đã và đang chung tay góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam, nối dài nhịp cầu hòa bình cho nhân loại.
Qua ba nội dung chính là Nấc thang cuộc chiến, Khát vọng hòa bình và Thông điệp cho ngày mai, Ban tổ chức muốn gửi tới thông điệp không bao giờ là muộn cho hòa bình: Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Việt Nam - điểm đến của sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình.
Những câu chuyện về tình đoàn kết của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã vượt qua khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, tôn giáo để lên tiếng phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam, được kể lại thông qua các hoạt động phản chiến: mít tinh, biểu tình, tọa đàm, hội thảo, lập tòa án quốc tế, quyên góp tiền, hiến máu… Có những câu chuyện được khai thác từ các nhân chứng lịch sử từng phụ trách về hoạt động quốc tế hay các đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở các nước.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện và Chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào đã kể những câu chuyện xúc động trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc và hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến – Chủ tịch Hội Việt - Mỹ lại nhắc về cuộc chiến khốc liệt, sự độ lượng và đối xử nhân đạo của Việt Nam đối với các phi công tù binh Mỹ tại Hỏa Lò và lời nhắn nhủ đừng để quá khứ lặp lại trong tương lai. Cuộc trưng bày “Nhật ký hòa bình” khiến ông và mọi người nhớ lại nỗ lực của nhân dân hai nước, phấn đấu vì mối quan hệ hữu nghị và phát triển hòa bình.
Tại buổi lễ, nhiều cá nhân đã trao tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ảnh, tư liệu, hiện vật để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày. Đó là ông Phạm Văn Khải – Nguyên Quản giáo trại giam Hỏa Lò trao tặng 19 hiện vật bao gồm những bức thư, bản tự thuật của phi công Mỹ, danh sách phi công Mỹ mà ông quản lý khi trao trả phi công cho Chính phủ Mỹ. Đại tá Lê Khai - Nguyên cán bộ tuyên truyền - Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng 11 hiện vật là những bức thư của các
phi công Mỹ,....
Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với một số tổ chức và cá nhân trao tặng các các nạn nhân chất độc da cam Làng Hữu nghị Việt Nam (thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) các phần quà ý nghĩa.
Đinh Thuận/TTXVN
Tags