Mất 3 năm cân nhắc
Như vậy, phiên bản tiếng Hoa sẽ là ngôn ngữ thứ 14 mà vở nhạc kịch Mamma Mia! được chuyển thể.
“Năm 2007, khán giả ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã cổ vũ nhiệt tình cho vở Mamma Mia! và điều đó đã thuyết phục chúng tôi rằng vở nhạc kịch này có một tương lai sáng sủa ở Trung Quốc và một phiên bản tiếng Hoa sẽ gặt hái thành công. Trong ba năm qua, chúng tôi đã cân nhắc một cách kỹ lưỡng để sản xuất vở nhạc kịch sao cho tốt nhất ở Trung Quốc và ai sẽ là đối tác sản xuất Trung Hoa của mình. Tôi tin rằng CAEG là một lựa chọn đúng đắn”, Judy Craymer, nhà sản xuất vở Mamma Mia! ở London, cho biết.
Một cảnh trong Mamma Mia!, vở nhạc kịch ăn khách toàn thế giới.
Theo hợp đồng ký kết đó, Công ty Littlestar sẽ hỗ trợ tuyển chọn một đột ngũ sáng tạo bản địa, trong đó có đạo diễn, các nhà biên đạo múa, đội ngũ kỹ thuật đồng thời còn giúp thử giọng và đào tạo đội ngũ diễn viên người Hoa.
Quá trình thử giọng sẽ trải qua ba vòng và diễn ra vào tháng 8, tháng 9 tới và tháng 1/2011. Những người quan tâm có thể truy cập vào ebsite http://mamma-mia.caeg.cn để tham gia tuyển chọn.
Sau khi ra mắt ở Bắc Kinh vào tháng 6/ 2011, sản phẩm tiếng Hoa này sẽ tới Thượng Hải và Quảng Châu rồi sau đó tới Hong Kong, Macao, Đài Loan và Singapore trước khi trình diễn ở một số thành phố hạng hai ở Trung Quốc.
Zhang Yu nói với tờ China Daily rằng CAEG đã tiến hành khảo sát khả năng phát triển của các vở nhạc kịch ở Trung Quốc từ cách đây một thập kỷ, thời điểm có rất ít vở nhạc kịch tiếng Anh được trình diễn ở đất nước này. “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi gồm một công ty trình diễn, mạng lưới sản xuất, marketing và bán vé trên toàn quốc và giờ đây chúng tôi đang quản lý nhiều rạp hát ở Bắc Kinh, Quảng Châu và nhiều thành phố khác. Chúng tôi tin rằng tất cả những mạng lưới và nguồn lực đó sẽ giúp chúng tôi về mặt sản xuất, thị trường và thực hiện lưu diễn thành công”, Zhang nói.
Không chỉ là một vở diễn
David Lightbody, đồng sản xuất phía Anh của phiên bản tiếng Hoa, cho biết trong 5 năm qua ông đã dành rất nhiều thời gian ở Trung Quốc, cố gắng hiểu được đất nước này và tìm ra cách tiếp cận hợp lý. “Giờ đây, với hợp đồng đã ký kết, cuối cùng chúng tôi có thể đưa vở Mamma Mia! ra khỏi phòng đàm phán và tiến vào phòng tập. Chúng tôi thực hiện tác phẩm này rất nghiêm túc vì đây là một nền công nghiệp chứ không chỉ là một vở diễn. Đội ngũ của chúng tôi ở khu West End muốn được chia sẻ những kỹ thuật sân khấu, trải nghiệm sản xuất và marketing, thử giọng và đào tạo các nghệ sĩ trình diễn”.
Đội ngũ của Anh, trong đó có đạo diễn Paul Garrington, đã bắt đầu làm việc. Họ đã tới các rạp hát, trường nghệ thuật và tìm kiếm biên dịch viên có nghề để đảm bảo rằng phiên bản tiếng Hoa các ca khúc của ABBA vẫn giữ được tinh thần của nhạc phẩm gốc. “Các vở nhạc kịch cần các tài năng, nghệ sĩ trình diễn có cả khả năng hát và vũ đạo. Và đối với vở Mamma Mia!, các nghệ sĩ cần có thêm một thành phần nữa mà chúng tôi gọi là ‘nhân tố Mamma Mia! - đó là khả năng truyền tải sự hài hước và hạnh phúc tới khán giả. Tôi hết sức ấn tượng với màn giới thiệu của các sinh viên khi tới thăm Viện Hí kịch Trung ương”, Garrington, người đã đạo diễn nhiều sản phẩm tiếng nước ngoài của vở Mamma Mia!, cho biết.
Mamma Mia! là vở nhạc kịch đầu tiên mà CAEG có kế hoạch hợp tác với các trường nghệ thuật để đào tạo thêm tài năng trẻ. “Kể từ những năm 1990, Viện Hí kịch Trung ương đã có nhiều khóa đào tạo nhạc kịch, nhưng vì có quá ít vở được trình diễn ở Trung Quốc nên hầu hết sinh viên khi ra trường đã trở thành diễn viên truyền hình và điện ảnh. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các diễn viên cựu trào cũng như phát hiện và đào tạo tài năng trẻ mới”, Tian Yuan, Giám đốc điều hành của Công ty Truyền thông Văn hóa One World Ltd - một công ty con của CAEG, nơi đồng sản xuất vở Mamma Mia! phiên bản tiếng Hoa, nói.