(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, cuốn 90 chân dung văn hóa văn chương Việt (NXB Trẻ) của GS Phong Lê là cách nhìn và cách chắt lọc của ông về các nhân vật mà ông đánh giá cao, xuyên suốt từ thế kỷ 13 cho đến thế kỷ 21.
Cuốn sách chủ yếu đề cập nhân vật tiêu biểu ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, hơi ít các nhân vật ở Nam bộ. Ngoài những tên tuổi đã bất tử như Chu Văn An, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu, Tản Đà, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Quang Dũng… chiếm đa số cuốn sách, Phong Lê còn viết những nhân vật góc cạnh, có nét đặc trưng.
Với độc giả bên ngoài học giới, những tên tuổi như Phan Thúc Trực, Cao Xuân Dục, Vũ Đình Long, Hoàng Xuân Hãn, Ngọc Giao, Thanh Châu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Văn Xuân, Trần Dần, Cao Huy Đỉnh… không hề dễ biết, nhưng trong lịch sử, họ rất quan trọng, có nhiều đóng góp.
Những nhân vật còn sống thì có Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Dương Hướng, Bảo Ninh…; trẻ tuổi nhất là Nguyễn Nhật Ánh, sinh 1955.
Góc nhìn mạnh về “nam quyền”
Cái này chắc chắn không phải là chọn lựa, mà thuộc về khí chất tự nhiên của mỗi tác giả, khi mà trong suốt cuộc đời viết lách, Phong Lê viết chủ yếu về đàn ông, cũng thường viết hay hơn hẳn. Như trong cuốn sách vừa phát hành này, chắc lọc 90 chân dung đã viết trong suốt 60 năm, chỉ có một chân dung nữ là thi sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988).
Mà ngay cả viết về nữ sĩ thơ tình này, góc tiếp cận của Phong Lê cũng khá riêng, hơi gai góc, bài Xuân Quỳnh - Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu là như vậy. Đọc về Xuân Quỳnh mà hiểu thêm về đời Lưu Quang Vũ và cả gia đình của ông. Ví dụ: “Quỳnh đã rất yên tâm trong chật chội của những khổ và vui - chứ không phải buồn - vui. Và quan trọng hơn là yên tâm trước một sự nghiệp thơ và về sau là kịch mà cả hai người cùng theo đuổi; một sự nghiệp mà Quỳnh rất tin là Vũ sẽ vươn tới những đích xa của nó. Chính lòng tin đó khiến Quỳnh càng yêu Vũ hơn. Yêu Vũ và yêu sự nghiệp của Vũ, ngay cả khi tài năng của Vũ mới đang là tiềm năng, mới chỉ vừa hé lộ”.
Cái nhìn nam quyền này càng đặc trưng khi ông viết về văn của Bảo Ninh: “Nếu ám ảnh - ám ảnh chiến tranh, ám ảnh của cái chết, ám ảnh tình yêu, ám ảnh về những phận người, ám ảnh của nỗi buồn - trở thành một áp lực lớn khiến người viết và người đọc khó có thể thoát ra được. Thì chính sự thanh lọc lại là phương thức, hoặc hệ quả mầu nhiệm khiến tác giả và chúng ta cùng tìm đến được một giá trị mới, có tác dụng gột rửa và đem lại được sự bằng an cho suy ngẫm và cho tâm hồn. Tôi muốn nói đến cái mà chỉ những giá trị văn chương đích thực mới có thể tạo được. Chính cái đó, giá trị thanh lọc và tẩy rửa mới là cái làm cho Nỗi buồn chiến tranh tìm được lẽ tồn tại và sự sống đích thực trong lòng người, ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời nào”.
Hoặc khi viết về Quang Dũng, ông xoáy vào nỗi buồn, hồn cốt chính trong thơ của thi sĩ này. Ông viết: “Phải có buồn mới đúng là hồn thơ Quang Dũng. Chút buồn, sao thoát được, trong lận đận chuyện đời, trong nỗi sợ ngày qua, nhưng buồn không phải để mất đi lòng tin vào cuộc đời, đối với ông, đó là toàn bộ sự sống bình dị mà ấm áp giữa người thân và bè bạn, là tình cảm của biết bao người đọc ông và yêu mến ông, cả trong đời và trong thơ”.
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Đốt lên một que diêm để xua tan sự thờ ơ'
- 'Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ' của Nguyễn Nhật Ánh đến Nhật
- Lộ diện thêm một truyện dài 'độn thơ' của Nguyễn Nhật Ánh
“Viết cho đến khi nào không cầm bút được nữa”
Viết về Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy, ông đi đến các thông điệp ẩn đằng sau: “Giữa cái ác, cái giả đang bủa vây hôm nay, đọc Nguyễn Nhật Ánh, ta vẫn có lòng tin: Cái thiện, cái tốt, cái đẹp vẫn có trong cuộc đời, và trong quan hệ giữa con người, khơi dậy lòng khao khát sống tử tế, sống vì người khác. Đó là giá trị tích cực nơi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đem lại trước hết cho trẻ em, và không chỉ trẻ em mà còn là những bậc làm ông bà, cha mẹ”.
Phong Lê sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội, là tác giả, chủ biên của khoảng 30 công trình lý luận và nghiên cứu về văn học Việt Nam. Một số sách ghi dấu ấn như Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970 (1972), Văn học Việt Nam hiện đại - Lịch sử và lý luận (1980-1987, 7 tập), Văn học và công cuộc đổi mới (1994), Văn học trên hành trình của thế kỷ XX (1997)…
Trong cương vị giảng viên, suốt nửa thế kỷ làm nghề, ông đã hướng dẫn gần 20 luận án tiến sĩ, trên 50 luận án thạc sĩ, còn luận văn cử nhân thì không thể nào tính hết. Trong một cuộc trò chuyện với giới, ông nói: “Tôi sẽ còn viết, viết đều, viết nhiều, viết nữa, viết như định mệnh, như lẽ sống, như đam mê. Viết cho đến khi nào không cầm bút được nữa mới thôi!”.
Như Hà
Tags