(TT&VH) - Gian hàng trống trơn, không có bất cứ một cuốn sách nào. Chiếc máy vi tính duy nhất đặt tại quầy là nơi để người bán, kẻ mua giao dịch. Trong một tương lai rất gần, cảnh tượng ấy có thể sẽ trở nên rất quen thuộc với độc giả tại các hội chợ sách ở Việt Nam…
Thật ra, loại hình ebook (sách điện tử) đã phổ biến trên mạng Internet từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ebook xuất hiện tại Hội chợ sách quốc tế Việt Nam (sẽ bế mạc hôm nay (21/9) tại Hà Nội) với trường hợp duy nhất của “ nhà sách ảo” Alezaa. Tại gian hàng này, với số tiền chỉ bằng 1/3 giá bìa của... sách giấy, độc giả đã có thể “nạp” một cuốn sách điện tử vào các thiết bị cá nhân như máy tính xách tay, máy đọc sách, máy tính bảng, Và bên cạnh hình thức trả tiền trực tiếp trong những ngày diễn ra Hội chợ sách VN lần thứ IV, những cuốn sách “ảo” của đơn vị này vẫn thường xuyên được bán qua mạng Internet (thanh toán bằng tin nhắn từ điện thoại hoặc loại thẻ cào riêng của Alezaa).
“Bước ngoặt” của những hội chợ sách
Sở hữu vài ngàn đầu sách điện tử, mạng Alezaa.com bắt đầu hoạt động từ 2/2012. “Nhà sách” này tạo ebook từ sản phẩm của các đối tác như Nhã Nam, FirstNew, Alphabooks… và kinh doanh với mức lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 50/50. “Chúng tôi cũng có một lượng độc giả tương đối ổn định, cho dù rất khó so sánh giữa sức bán của ebook và sách giấy trong giai đoạn hiện nay” - ông Trần Trọng Thành, chủ tịch công ty đang sở hữu Alezaa.com, cho biết.
Từng nghiên cứu về thị trường ebook trong một thời gian dài, ông Thành cũng là diễn giả chính trong buổi tọa đàm “Ebook - xu hướng mới trong thời đại công nghệ số” vừa diễn ra. Thống kê do ông đưa ra cho biết: Tại Việt Nam, người tiêu dùng đang sử dụng khoảng gần 1 triệu thiết bị điện tử có chức năng đọc ebook. Đó là một trong những lời giải về việc nhu cầu đọc loại sách này tăng vọt trong thời gian qua.
Gian hàng của Alezaa tại Hội chợ không có... một cuốn sách nào |
“Thị trường ebook trên thế giới đang phát triển với tốc độ khủng khiếp: 35- 40% mỗi năm. Bởi thế, việc kinh doanh ebook ở VN không đơn thuần chỉ là chạy theo xu thế chung ấy. Xa hơn, đó là triển vọng và tương lai của cả ngành xuất bản” - TS Trần Đoàn Lâm, Phó chủ tịch Hội xuất bản VN, cho biết thêm.
Một loạt các ưu điểm của sách điện tử đã được thống kê: giá rẻ, tiết kiệm chi phí xuất bản, dễ lưu giữ, không tốn diện tích trưng bày. (Có kích thước bằng một cuốn sổ nhỏ, những chiếc máy đọc sách Kindle loại rẻ tiền nhất của hãng Amazon đã có thể chứa từ 2.000- 4.000 ebook)... Riêng với VN, từ năm 2004, Luật xuất bản cũng đã cho phép các NXB công bố ấn phẩm của mình trên mạng Internet. Đó là lí do để sau Alezaa, một loạt nhà sách khác cũng đang rục rịch bước chân vào thị trường này.
“Khi anh Thành rủ kinh doanh ebook, tôi từ chối và nói rằng: ít nhất phải tới năm 2020, chúng ta mới có một thị trường thật sự cho loại hình này. Quả thật, tôi cũng không ngờ sự phát triển của công nghệ đã dẫn tới những thay đổi... chóng mặt như vậy” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thaiha Books, chia sẻ.
Với những cách nhìn ấy, sự xuất hiện lần đầu của ebook tại Hội chợ sách quốc tế VN lần thứ IV được các diễn giả coi là cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới của ngành xuất bản: sách điện tử bắt đầu chính thức “song hành” với sách giấy truyền thống và mang theo hi vọng “hâm nóng” văn hóa đọc.
Đối mặt với thói quen “dùng chùa”
Đáng nói, trước Alezaa, độc giả mạng VN vốn đã “quen mặt” với một số trang web lưu trữ ebook... hoàn toàn miễn phí như vnthuquan hay e-thuvien. Được hình thành một cách tự phát bởi những người có nhu cầu, mỗi “thư viện ảo” này lưu trữ hàng ngàn bản sách điện tử. Bởi thế, nếu những “thư viện số” này vẫn tiếp tục được phát triển trong thời gian tới, liệu người đọc có dễ dàng bỏ ra vài chục ngàn đồng để mua những cuốn ebook tương tự của Alezaa và các NXB khác?
“Chắc chắn, chúng tôi sẽ phải liên hệ và yêu cầu họ chấm dứt những trường hợp xâm phạm bản quyền trái phép như vậy”- ông Trần Trọng Thành nhận định - “Việc thiếu vắng đơn vị kinh doanh ebook những năm trước đây là lí do dẫn tới sự hình thành những “thư viện số” miễn phí. Bây giờ, khi đã có những nhà phân phối ebook, cộng đồng mạng hoàn toàn có thể cùng ngồi lại để bàn cách hợp tác cho hiệu quả, thay vì dùng các biện pháp cứng nhắc với nhau”.
Mọi thói quen chỉ có thể thay đổi từng bước theo thời gian. Trước đây, những thư viện số miễn phí đã góp công lớn để tạo ra thói quen sử dụng sách điện tử cho người đọc. Còn bây giờ, người dùng cũng sẽ quen dần với sự lựa chọn: hoặc là dùng “chùa” những ebook lậu, hoặc là bỏ ra một số tiền rất vừa phải so với sách giấy để được... phục vụ một cách tốt hơn hẳn…
Sơn Tùng