Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Phú Tứ (Kỳ 1): Còn mãi 'Màu thời gian'

Thứ Hai, 27/09/2021 19:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 32 năm - ngày 20/9/1989 (tức ngày 21/8 năm Kỷ Tỵ), nhà thơ, dịch giả và nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ đã trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà nhỏ nghèo nàn ven sông Hồng, chỉ sau 2 tháng (7/1989) người vợ hiền thục ra đi. Ông đã gửi lại dương thế tuổi 80, buông bỏ tất cả những cô đơn, đớn đau, phiền muộn… của cõi tạm.

30 năm ngày mất Đoàn Phú Tứ: Một văn nghệ sĩ đa tài

30 năm ngày mất Đoàn Phú Tứ: Một văn nghệ sĩ đa tài

Đoàn Phú Tứ là nhà thơ, dịch giả và nhà soạn kịch của văn học hiện đại Việt Nam.

Nhưng “Thác là thể phách” còn sự “tinh anh” (Nguyễn Du) thì luôn hiện hữu bất chấp thời gian, bất chấp không gian, bất chấp sự xoay vần của con tạo để Màu thời gian còn mãi tỏa lan “Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát...”.

Bài viết của tôi là nén hương của hậu thế tri ân người hiền - nghệ sĩ tài hoa, giàu nhân cách, trung thực, dũng cảm… hội tụ đậm đà chất văn hóa Kinh Bắc.

Đoàn Phú Tứ sinh ngày 10/9/1910 tại Hà Nội. Là thế hệ họ Đoàn thứ 3 sinh sống, lập thân tại Thủ đô vẫn mang đậm chất Kinh Bắc của quê hương: Làng Tử Nê, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Có lẽ xét ở yếu tố địa văn hóa, tài năng, nhân cách của ông là sự kết hợp hài hòa, hội tụ mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nguồn cội và chất Tràng An sâu sắc, lịch lãm, tinh tế...

Chú thích ảnh
Nhà thơ Đoàn Phú Tứ

Ngay từ nhỏ cậu bé Đoàn Phú Tứ đã bộc lộ tư chất thông minh thiên bẩm, đặc biệt có trí nhớ tốt. Năng khiếu văn chương phát lộ ngay từ khi là cậu học trò lớp Nhất. Tư chất đó được dung dưỡng, phát triển trong gia đình trọng tri thức, yêu sách vở, quan tâm học hành.

Năm 15 tuổi, Đoàn Phú Tứ đã có tác phẩm in trên Đông Pháp Thời báo. Ông học giỏi, vượt lên những khó khăn để học tập. Các trường phổ thông nổi tiếng tại Hà Nội (Trường Bưởi - Trường THPT Chu Văn An, Trường Albert Sarraut - Trường THPT Trần Phú) là môi trường tốt nhất để ông tiếp thu tri thức, nuôi dưỡng tài năng.

Năm 1929, Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Lương Ngọc thi đỗ Thành chung... Năm 1932, ông thi đỗ Tú tài ban Triết học. Sau 2 năm theo học Đại học Luật, ông không học tiếp mà rẽ sang làm báo. Ông viết cho các tờ: Phong hóa, Đồng Tháp, Ngày nay, Hà Nội báo, Tinh hoa, Thanh nghị… Năm 1937, ông làm Chủ nhiệm báo Tinh hoa…

Năm 1939, ông cùng các văn nghệ sĩ Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Văn Hạnh cùng chí hướng sáng tạo tổ chức nhóm Xuân Thu nhã tập với tuyên ngôn nghệ thuật: Trí thức - Sáng tạo - Đạo lý.

Tháng 6/1942, nhóm xuất bản tập sách lấy tên nhóm Xuân Thu nhã tập (Xuân Thu thư lâu xuất bản) giàu chất triết lý, hàm chứa tuyên ngôn nghệ thuật; từ cái “Tôi” quanh quẩn, bế tắc mở lòng hướng đến cái Ta cộng đồng… Bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, in số Tết 1940 trên báo Ngày nay được coi là tiêu biểu cho sự đổi mới về cả nội dung và hình thức.

Chú thích ảnh
Bài thơ "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ

Ở lĩnh vực thơ ca, chỉ một bài thơ Màu thời gian đã ghi danh ông trên thi đàn Việt Nam trong phong trào Thơ mới. Có lẽ thi pháp đặc sắc, thi tứ chân thành mà kín đáo là lý do Hoài Thanh - Hoài Chân đã chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam:

“Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh…”

Trong Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh - Hoài Chân giải thích sự xuất hiện của nhà thơ Đoàn Phú Tứ “Hẳn có kẻ ngạc nhiên khi thấy Đoàn Phú Tứ trong quyển này...”. Ông sáng tác thơ không nhiều “Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài mà hầu hết là những bài đặc sắc”; “Phong hóa luôn luôn đăng thơ mới của Tứ Ly, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Huy Thông”; “Cái kín đáo của thơ Pháp gần đây tôi còn thấy ở Đoàn Phú Tứ”; “Nói tóm lại, phong trào Thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó sẽ thêm bền vững. Hẳn tương lai còn dành nhiều vinh quang cho những khuôn phép này. Nó đã qua được một cơn sóng gió dữ dội trong khi các khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, thơ mười hai chữ hay đương sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp”.

Chú thích ảnh
Chân dung nhà thơ Đoàn Phú Tứ qua ống kính của nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa chụp năm 1980

Và khi đã lọt “mắt xanh”, thì Màu thời gian thật ấn tượng qua lời bình “Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngũ ngôn cổ phong, một lối thơ cũ mà thi nhân gần đây thường dùng. Bỗng chuyển sang thất ngôn; điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa, với những chữ “phụng quân vương” và những chữ lấy lại ở câu Kiều “tóc mây một món, dao vàng chia hai”.

Nhưng với hai câu thất ngôn ở câu dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ “thiếp phụ chàng” đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ lại trở lại ngũ ngôn với hương màu trên kia. Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn, câu thơ đẹp vô cùng…” và đặt phép so sánh “Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế”.

Những câu thơ trong Màu thời gian: “Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn hương/ Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngắt” đã gợi cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng. Tác giả Thi nhân Việt Nam hiểu cả cảm xúc của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát năm 1942 khi phổ bài thơ này: “Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ (Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có phổ bài thơ này vào đàn. Ðoạn đầu bài nhạc đi rất mau rồi chậm dần. Ðến đoạn thất ngôn nhạc lên giọng majestuoso. Cuối cùng còn thêm một đoạn láy lại âm điệu mấy câu đầu)”.

Sau nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Phạm Duy (1971) và nhiều nhạc sĩ đã chọn Màu thời gian phổ nhạc.

(Còn tiếp)

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›