Tưởng nhớ nhà văn Sơn Tùng (Kỳ 1): Sống hiên ngang như cây tùng trên núi

Thứ Ba, 27/07/2021 18:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 26/7, tang lễ nhà văn Sơn Tùng vừa diễn ra tại Hà Nội, 4 ngày sau khi ông trút hơi thở cuối cùng. Hơn 60 năm biền biệt xa quê, nhà văn đã trở về với xứ Nghệ sau khi được an táng tại quê nhà (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Cầu mong hương linh ông siêu linh tịnh độ và Búp sen xanh vẫn tỏa hương thơm ngát…

Nhà văn Sơn Tùng - một người có trí mệnh

Nhà văn Sơn Tùng - một người có trí mệnh

Cách đây 39 năm, một ngày Hè năm 1982, sau khi tiểu thuyết "Búp sen xanh" ra mắt bạn đọc, NXB Kim Đồng đã mời tác giả Sơn Tùng đến nói chuyện với toàn thể anh chị em trong cơ quan.

Vẫn biết sinh lão bệnh tử là lẽ thường, nhưng chứng kiến ông ra đi giữa mùa dịch khi Hà Nội đang giãn cách xã hội, tôi càng cảm thấy bùi ngùi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - xúc động viết lời ly biệt: “Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn”.

NSND Thu Hà (người vào vai Út Vân trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn) xúc động nói lời tiễn biệt chú Sơn Tùng: “Cháu xin kính cẩn bái biệt chú. Cầu chúc chú ra đi thanh thản về miền quê mẹ yên bình. Mỗi lần xem lại phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, cháu Út Vân nhớ chú nhiều lắm đó”. Nhà thơ Dương Xuân Nam - nguyên TBT báo Tiền phong - lặng người trước sự ra đi của nhà báo tiền bối đã xung phong vào chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Ông là nhà văn mà tôi rất ngưỡng mộ bởi nhân cách, trí tuệ tỏa sáng của một người anh hùng”. Nhà thơ Vân Anh kính viếng hương hồn hiền huynh bằng thơ: “Anh đã sống hiên ngang như cây tùng trên núi/ Ngót trăm năm đủ cay đắng, ngọt bùi/ Mưa nắng đời thường, nhân thế bão giông/ Một chữ tâm suốt đời xanh tỏa bóng”...

Chú thích ảnh
Chân dung nhà văn Sơn Tùng do họa sĩ Văn Len vẽ năm 1995

Nghị lực phi thường của người anh hùng

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng sinh ngày 8/8/1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền nếp gia phong, gia đạo trong gia đình nhà Nho nghèo trọng chữ nghĩa. Lời dạy “Bát chữ phải đầy hơn bát cơm”, “Tốt danh hơn lành áo”… đã đi theo ông suốt cuộc đời như một phép hành xử nhân văn - và đến lượt mình, ông lan tỏa giá trị truyền thống đó cho con cháu.

Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Ông am tường chữ Hán, tiếng Pháp; thuộc làu Phan Trần, Nhị Độ Mai, Truyện Kiều... Trước Cách mạng tháng Tám ông tham gia Việt Minh tại Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Sau năm 1945, ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên, viết báo phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Với thành tích hoạt động Đoàn tích cực, năm 1955, ông vinh dự là đại biểu đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ V tại Warsaw (Ba Lan).

Từ năm 1960, ông là phóng viên báo Nông nghiệp và báo Tiền phong. Năm 1965, nhà báo Sơn Tùng xung phong làm phóng viên chiến trường khu IV (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình). Cuối năm 1967, ông được cử vào chiến trường Đông Nam Bộ thành lập báo Thanh niên Giải phóng. Ngày 15/4/1971 tại căn cứ Tà Nốt ở chiến khu Đ (Tây Ninh), nhà báo Sơn Tùng cùng đồng đội đang chuẩn bị lên khuôn cho kỳ báo đặc biệt thì một trái M79 từ trực thăng phóng xuống, ông bị thương rất nặng, khắp người 14 vết thương, chấn thương sọ não, liệt tay phải, vỡ xương vai trái, nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, tay phải co quắp, thị lực còn 1/10, tai bị rách phải khâu lại nhiều lần, trí nhớ giảm… 3 mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ lấy ra được.

Chú thích ảnh
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng

Nhà báo Sơn Tùng được đưa ra Bắc điều trị. Bị mất 81% sức khỏe, xếp hạng thương tật 1/4, ông nói về tình cảnh của mình: "Tôi nằm bất động, tay phải bị co gấp ngang ngực. Cơn đau quằn quại, bỏng rát hành hạ tôi từng giây”. Ông từ chối phẫu thuật cũng chỉ bởi nỗi lo thường trực: “Họ muốn cắt hạch giao cảm để cứu sống tôi, nhưng nếu không còn biết cảm, biết đau thì làm sao tôi viết được. Dần dà thân thể tôi được vá víu thành sẹo… Nhưng tôi bị mất trí. Nếu mất trí nhớ thì tôi chỉ còn là cái xác không hồn, vật vờ giữa thế gian này thì sống làm chi. Nhìn trang giấy không thấy chữ, giấy trắng, đầu mình cũng trắng. Tôi bị lên cơn co giật thần kinh, nhạy cảm từ trường, đùng một cái ngã vật xuống. Mỗi lần ngã xuống, được nâng dậy, tôi hệ thống lại dần, cảm nhận dần dần sự sống…”.

Điều đáng sợ nhất với nhà văn là là khi tỉnh dậy không nhớ được điều gì. Điều đáng lo nhất là không thể thực hiện được những dự định phải làm…

Với bàn tay cầm bút vô cùng khó khăn, từ 1974, nhà văn Sơn Tùng đã đặt ra mục đích và quyết tâm theo nghề văn: “Đạo là gốc của văn. Văn nhân đích thị dấn thân hành đạo. Đạo là gốc thì dẫu có “vạn biến phong lôi, nhất tâm văn đạo”. Tự lãnh hội - hành nghề theo tâm đạo. Làm nghề buôn phải là nhà buôn chứ không làm con buôn, nghề văn cũng như mọi nghề đều từ nguyên đạo”.

Quan điểm đó chi phối con đường văn chương của ông. Ngoài lúc viết, ông mong muốn giao lưu bạn hữu. Trụ sở Chiếu văn đặt tại gia đình ở ngõ Văn Chương (Hà Nội) đã trở thành địa chỉ đàm đạo văn chương của các nhà văn tâm huyết và cùng chí hướng.

Chú thích ảnh
Bìa một số tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng

Vịn văn chương làm lẽ sống cuộc đời

Đóng góp của Sơn Tùng gắn với 2 lĩnh vực báo chí và văn chương. Với sự nghiệp văn chương, ông đã đóng góp cho văn học nước nhà gần 30 cuốn sách, trong đó có 18 cuốn sách (tính cả 2 Tuyển tập xuất bản năm 2020) viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi xác định cầm bút, ôngđau đáu việc tìm tư liệu về Bác Hồ. Gia đình luôn bên cạnh động viên, ủng hộ, giúp ông hiện thực hóa khát vọng của mình. Là người vợ hiền tận tụy, đảm đang, bà Phan Hồng Mai tự nguyện sắm nhiều vai (y tá, hộ lý, thư ký, đánh máy…) giúp chồng.

Từ năm 1948, ông đã gặp hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột Bác Hồ) về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi miền Nam giải phóng, ông đôn đáo đi tìm gặp bà Lê Thị Huệ; đến những nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ - đã từng sống, làm quan; tìm đến những nơi Nguyễn Tất Thành đã đến… Ngoài việc tìm nhân chứng lịch sử, ông kỳ công tìm các nguồn tư liệu quốc tế, nghiên cứu công văn mật, các giấy tờ, sách báo… viết về Bác Hồ. Cùng mẹ, các con của ông cứ lặng lẽ sưu tầm những trang viết tay của cha để xuất bản những cuốn sách còn dang dở.

Tôi gặp anh Bùi Sơn Long - con trưởng nhà văn Sơn Tùng - tại nhiều hội thảo khoa học. Anh nguyên là Giám đốc Trung tâm thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ Muối biển (CSETT), không theo nghề cha nhưng am tường văn chương và cùng em giúp cha tìm kiếm tư liệu, xuất bản sách.

Con trai thứ Bùi Sơn Định có lần kể về cha: “Cha tôi luôn giữ thói quen dậy từ 2h sáng. Khi chưa bị bệnh, sau khi ngồi thiền là ông viết. Bây giờ, cha tôi cũng vẫn dậy sớm, nhưng không tự viết được mà nằm nghe những phần viết tôi đã thu âm sẵn. Ông chăm chú nằm nghe và lặng lẽ khóc…".

Nhà văn Sơn Tùng rất cẩn trọng và có trách nhiệm với cây bút của mình. Ông xác định có được tư liệu đã khó, nhưng sử dụng tư liệu viết tiểu thuyết lịch sử hiệu quả, nhất là với vĩ nhân thì lại càng phải cẩn trọng hơn nhiều.

Là nhà văn tâm huyết, trách nhiệm với nghề viết đầy nhọc nhằn, ông nói: "Viết về Bác và các vĩ nhân, ta có thể thả hồn vào trong đó chứ không được bịa. Bịa là có tội với Bác và các vĩ nhân… Viết về Người không chỉ đơn thuần là những hiểu biết thông thường mà phải viết bằng tâm linh”. Vì thế, ông thường đặt ra tiêu chí riêng cho mình để xác minh sự chân xác của tư liệu. Với mỗi sự kiện, câu chuyện cần có ít nhất 3 người ở 3 nơi khác nhau cùng biết. Điều quan trọng không phải ở cách diễn đạt, mà là sự chính xác của cốt lõi sự kiện.

Thương binh Sơn Tùng đã chiến thắng nỗi đau cơ thể, bền bỉ chiến đấu với tật bệnh, vịn văn chương làm lẽ sống cuộc đời. Lúc đầu, ông tập viết tay trái, nhưng viết khó và chậm. Ông canh cánh tìm giải pháp cho cánh tay phải cử động. Không phụ công người kiên trì tập luyện, đầu năm 1981, ông đã đưa được tay phải xuống và năm sau quay được cánh tay. Do thần kinh trụ bị hỏng, ngón tay không duỗi ra được. Nhưng mong muốn cầm bút hối thúc, ông kiên trì tập luyện cho ngón tay cái mở hé để có thể kẹp được bút. Khi viết Búp sen xanh, kẽ ngón cái tay phải chưa mở, ông phải lấy dây cao su buộc bút vào để viết. Sự khổ luyện ấy thật đáng trân trọng đối với một nhà văn thương binh hạng1/4 (hạng thương binh nặng nhất).

Với nhà văn Sơn Tùng, điều quan trọng nhất là có sức khỏe để viết.

(Còn tiếp)

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›