Ngày 28/9, đại diện của khoảng 160 nước thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã có mặt tại thủ đô Mexico City của Mexico tham dự Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững.
Trong 3 ngày, các đại biểu tập trung bàn về những thách thức như khả năng tiếp cận công nghệ mới một cách bất bình đẳng, buôn bán trái phép và các mối đe dọa khác đối với các tài sản văn hóa.
Nhà điều phối hội nghị Pablo Raphael cho rằng đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đối với thúc đẩy sức khỏe cộng đồng. Ông chia sẻ nếu không có văn học, âm nhạc và phim ảnh sẽ "không ai có thể sống sót trong sự tù túng và căng thẳng".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn hóa Mexico Alejandra Frausto nhấn mạnh đến thực tế là cuộc khủng hoảng y tế đã bộc lộ sự bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ giữa các cộng đồng khác nhau.
Theo Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, một trong những mục tiêu của cuộc họp là tìm cách đảm bảo các nghệ sĩ tiếp cận với công nghệ để chia sẻ các tác phẩm của họ. Bà Azoulay cũng cho rằng Trái Đất ấm lên đang đe dọa trực tiếp đến các di sản văn hóa thế giới.
Hội nghị dự kiến sẽ ra tuyên bố chung, trong đó bao gồm lời kêu gọi công nhận văn hóa là "hàng hóa công cộng toàn cầu" mang lại lợi ích cho tất cả các dân tộc trên thế giới.
- UNESCO công nhận Di sản Thế giới đối với 3 thành phố nghỉ dưỡng của CH Séc
- Tổng giám đốc UNESCO kêu gọi bảo vệ các di sản ở Tunisia
- UNESCO tổ chức cuộc thi ảnh về đa dạng văn hóa
Hội nghị cũng sẽ đưa ra lộ trình đổi mới để đảm bảo rằng sự đa dạng văn hóa được công nhận là tài sản lớn nhất của nhân loại, từ đó xóa bỏ phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.
Tại hội nghị, Mexico và các nước Mỹ Latinh đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề trong chương trình nghị sự gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cộng đồng và định vị lại các tài sản văn hóa.
Lan Phương/TTXVN
Tags