(Thethaovanhoa.vn) - Cách sử dụng vàng mã trong xã hội hiện đại đã khiến tập tục này bị biến dạng khá mạnh so với triết lý ban đầu. Thế nhưng, khi không thể "xóa sổ" vàng mã, chúng ta sẽ trông đợi gì ở nó?
- Ứng xử ra sao với vàng mã? (Kỳ 3): Có một 'triết lý vàng mã'
- Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 2): Gần chục năm... lúng túng
- Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 1): Khi Phật giáo nói 'không'
Bởi, cuộc tranh luận "giữ - bỏ" quanh tập tục này sẽ vẫn còn diễn ra, như cách mà nó đã được xới lên từ cách đây gần 80 năm.
Sức ép "bỏ vàng mã"...
Không cần nói nhiều về những hệ lụy của vàng mã – khi báo chí vẫn đều đặn thống kê bằng con số liên quan. Đơn cử, ước tính sơ bộ cho thấy mỗi năm người Việt đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, có trị giá vào khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, những đô thị lớn như Hà Nội "đốt" mỗi năm khoảng 500 tỷ đồng.
Rồi, vào những dịp lễ hội, riêng lượng vàng mã được hóa ở đền Bà Chúa Kho hay Phủ Tây Hồ đã lên tới vài tạ, tức là có trị giá vài chục triệu đồng tiền thật. Thậm chí, như một kỷ lục được lập vào năm 2009 mà dư luận "túm" được, trong mùa rằm tháng 7, có doanh nghiệp khai thác cát đã bỏ ra khoảng 400 triệu đồng, thuê làm đủ 1000 hình nhân, ngựa giấy cùng thuyền rồng, đĩnh vàng, voi chiến... để hóa cho Hà Bá.
Tương ứng với những con số ấy, các vụ hỏa hoạn từ đốt vàng mã cũng được "điểm danh" đều hàng năm, bao gồm từ cháy bồn xăng, cháy chợ, cháy kho hàng và thậm chí cả... cháy rừng.
Thế nhưng, tai nạn, sự lãng phí hay nguy cơ ô nhiễm chưa phải là toàn bộ lý do để người ta bức xúc với tục đốt vàng mã. Ở một góc độ khác, chính sự kệch cỡm, lố bịch của các loại đồ mã theo kiểu hiện đại như iphone, biệt thự, xe hơi, quần áo thời trang, máy bay... với kích thước lớn cũng khiến những gì liên quan tới tập tục này trở thành tâm điểm chỉ trích mỗi năm.
Bởi thế, không có gì khó hiểu khi vào mỗi đợt vận động xây dựng nếp sống mới hay khai mạc mùa lễ hội, ý tưởng "bỏ vàng mã" lại được cụ thể hóa qua ý kiến của nhiều chuyên gia văn hóa.
Thậm chí, nếu nhìn ngược lại, từ hơn 80 năm trước, nhiều học giả Việt Nam cũng đã rất gay gắt đề nghị xóa bỏ tập tục này. Điển hình, trong bài Đồ mã, đã bỏ (năm 1934), Nguyễn Công Tiễu viết: "Của mồ hôi nước mắt trong khoảnh khắc thành ra đám tro tàn. Trong cảnh thương tâm ấy, giá mà ông bà, ông vải ta có khôn thiêng chăng nữa cũng phải vì lòng thương con cháu mà về báo mộng cho ta biết rằng: đến Tết thấy con cháu nheo nhếch chạy tiền sắm mã như thế các cụ cũng đau lòng lo thay cho con cháu, chứ chẳng mừng đâu. Dù âm, dù dương lẽ phải vẫn là một, cớ sao ta không theo lẽ phải mà lại cứ thiên về thói dị đoan?"
Chờ thay đổi nhận thức
Nhưng, với những gì đã diễn ra, rõ ràng việc "xóa sổ" vàng mã không thể lập tức diễn ra, như đề xuất của nhiều người. Và, cụm từ "chờ thay đổi nhận thức" là điều đang được nhắc tới ở thời điểm này, từ các chuyên gia và các nhà quản lý.
Vậy nhưng, liệu chúng ta có ước lượng được về lộ trình "thay đổi nhận thức" ấy ?
Câu trả lời không dễ. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, cách mà mà dư luận phản ứng với những hệ lụy từ vàng mã là đủ để dư luận tin vào một cách ứng xử hợp lý và văn minh hơn với tập tục này, trong tương lai gần.
Từ khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã (tại chùa) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngành quản lý văn hóa đã không còn đơn độc trong cuộc chiến với những biến tướng của vàng mã như nhiều năm qua. Và, như khẳng định của nhiều chuyện gia và nhà quản lý trong những ngày qua, chắc chắn khuyến cáo ấy sẽ có tác động lớn tới vô vàn bà con và Phật tử trên toàn quốc –mà trước mắt là ở những cá nhân đã sẵn có sự băn khoăn với cách đốt vàng mã bây giờ.
Đơn cử, từ câu chuyện vàng mã, dư luận bỗng quay lại với cách ứng xử đặc biệt tại trường hợp chùa Liên Hoa (TP.HCM) – ngôi chùa mà 20 năm qua đã tạo được sự đồng thuận để khách hành hương không đốt vàng mã và dùng tiền ấy vào các mục đích từ thiện cho xã hội. Đường đã mở, chỉ còn việc "nhân rộng" những ngôi chùa Liên Hoa ấy trên cả nước.
Nhưng, quan trọng hơn, như lời PGS Nguyễn Văn Huy, nếu khuyến cáo ấy phát huy hiệu quả trong thực tế, đó có thể coi là sự khởi đầu cho việc chấn hưng Phật giáo theo con đường Phật tại tâm thay, thay vì cách đi chùa mang nặng tâm lý cầu xin của rất nhiều du khách hiện nay.
Bởi, xét cho cùng, đốt vàng mã cũng chỉ là một trong hàng chục tập tục đang bị thực hành một cách méo mó và kệch cỡm – khi người ta đến với những cơ sở tín ngưỡng trong mùa lễ hội bằng sự a dua và thiếu hiểu biết, thay vì tìm kiếm niềm vui và sự thanh thản như trong quá khứ.
Sự thay đổi, dù diễn ra từng bước, trong cách đốt vàng mà và đồ mã chính là những nấc thang đánh dấu sự chuyển biến trong tri thức và văn hóa của cộng đồng. Để rồi, khi biên độ mê tín từ câu chuyện vàng mã bị thu hẹp và nhận thức của xã hội được nâng cao, tự chúng ta sẽ có cách lựa chọn tốt nhất với tập tục này: bỏ hẳn, hay thực hành nó theo đúng với triết lý văn hóa như đã có.
Cúc Đường
Tags