(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi nhiều ý kiến cho rằng văn hóa đọc đang thực sự đi xuống, trong khi nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con em mình không mấy mặn mà với sách giữa bạt ngàn các hình thức vui chơi giải trí… thì tiến sĩ giáo dục, dịch giả, nhà thơ Thụy Anh khẳng định: “Dẫn dắt đứa trẻ đến với sách không hề khó”. Và chị đã minh chứng điều đó bằng 10 năm đồng hành cùng CLB “Đọc sách cùng con” với rất nhiều những sáng tạo lý thú liên quan đến sách cũng như các hoạt động dành cho thiếu nhi.
Chị đã chia sẻ nhiều tâm huyết xoay quanh vấn đề này trong cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nhân dịp phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn.
* Mỗi chúng ta ai cũng từng là thiếu nhi, từng có một thời thơ ấu ắp đầy kỷ niệm. Với chị thì sao?
- Tôi nghĩ rằng tuổi thơ nào cũng đầy khát khao, đặc biệt là những món ăn tinh thần. Tôi sinh ra ở Hà Nội, tuổi thơ gắn liền với khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội), thời của chúng tôi vẫn còn khó khăn, ăn còn không đủ, thế nhưng, chúng tôi luôn luôn mong chờ từng cuốn sách. Khi NXB Kim Đồng ra cuốn sách nào thì gần như cả xóm chuyền tay nhau đọc những cuốn sách đó.
Và tôi còn nhớ rất rõ, vào thời đó ở khu chúng tôi, có một ngôi trường bé nhỏ là trường Lê Văn Tám, có một bác tên Hải, bác đã về hưu và mở ra một cái thư viện rất tuềnh toàng ở một góc của trường. Trước khi thư viện mở cửa để đón chúng tôi, bác luôn ngồi đó, cầm chiếc đàn mandoline và đàn. Và như vậy, bác mở ra cho chúng tôi cả một thế giới.
Chính vì thế nên sau này, ngay khi tôi về nước sau một thời gian dài theo học tại Nga, tôi đã nghĩ ngay là tôi cũng phải làm một cái gì đó giống như bác làm với những đứa trẻ chúng tôi hồi đó, tất cả những cuốn sách mà bác Hải cùng các cô chú thu thập lại và đưa vào cái thư viện xinh xắn đó, đã để lại biết bao kỷ niệm cho chúng tôi và chính từ đó đã xây nên những ước mơ và hoài bão lớn.
Cho đến bây giờ tất cả chúng tôi khi trở lại với Bách Khoa, những người ngày xưa học ở đó với nhau, gặp lại nhau vẫn cùng nói đến chủ đề đầu tiên là về sách, về những tác phẩm chúng tôi đã từng đọc thời thơ ấu.
* Theo chị, làm sao để kéo các em đến với thế giới thực sự của các em, để các em được sống đúng với lứa tuổi của mình?
- Non nớt, nhưng đầy khát khao được khám phá thế giới, những đứa trẻ ngày xưa hay bây giờ cũng đều giống nhau ở điểm đó. Thế nên, việc đáp ứng chúng không có gì quá khó, tôi nghĩ là như vậy, nếu như những người làm nghệ thuật có thể suy nghĩ về đứa trẻ nhiều hơn và tránh được mục đích thực dụng, ngay cả thực dụng trong giáo dục!
Tôi luôn cho rằng, bên trong một người làm sáng tạo cho thiếu nhi luôn luôn phải có thế giới của một đứa trẻ, thế giới ấy phải thật gần gũi với đứa trẻ mới có thể dẫn dắt được đứa trẻ đó. Với những gì đã làm trong 10 năm qua, tôi thấy rằng việc dẫn dắt đứa trẻ đến với thế giới của sách không hề khó một chút nào cho dù là chúng ta đang phải đấu tranh với cơn bão công nghệ. Thậm chí, chúng ta còn có thể vận dụng công nghệ, tức là coi đó là những công cụ để dẫn dắt các em đến với sách.
Chẳng hạn, trong suốt những ngày "cách ly xã hội" bởi Covid-19, chúng tôi khởi động chương trình “Sách ru”. Mỗi tối thông qua Youtube của CLB Đọc sách cùng con, chúng tôi giới thiệu một cuốn sách, một câu chuyện hay cho các em. Bên cạnh đó, trong các hoạt động của mình, sau một đoạn trích về đọc sách, chúng tôi sẽ cho các em xem một bộ phim liên quan đến cuốn sách đó, liên quan đến những vấn đề khác mà cuốn sách đó nói đến...
* Phải chăng chúng ta vẫn còn đang thiếu những sản phẩm văn hóa chất lượng dành cho trẻ em?
- Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật và cả sách dành cho thiếu nhi đang thiếu. Nhưng tôi nghĩ là vẫn có chứ không phải không có. Tôi lấy ví dụ, gần đây, chúng tôi hay đọc cho trẻ em tác phẩm của Nguyễn Đức Linh do NXB Kim Đồng xuất bản, trẻ em cực kỳ thích. Ông sinh năm 1944, cũng lớn tuổi rồi, thế nhưng thế giới của ông rất lôi cuốn, và cũng rất gần gũi với thế giới hiện đại của các em. Ngoài ra, tôi cũng có thể kể rất nhiều cái tên khác như là Văn Thành Lê, Hồ Huy Sơn, đặc biệt là Nguyễn Thị Kim Hòa… Thế nên, chúng ta phải cổ vũ, phải quan tâm đến họ, nhưng những giải thưởng hay là những điều tốt đẹp dành cho các tác phẩm thiếu nhi vẫn còn rất ít.
* Xin cảm ơn chị!
Phải động viên được những người có khả năng tham gia “Thực sự tôi rất xúc động và vui mừng khi chúng ta tổ chức Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Đây là một giải thường niên, tương đối lớn, bao trùm nhiều bộ môn nghệ thuật, cả văn chương, nhạc họa, rồi phim ảnh, biểu diễn... Quan trọng là giải phải làm sao vận động được những người có khả năng để họ tham gia, chứ không phải đợi có tác phẩm rồi, mình mới chọn và trao giải... Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người có khả năng nhưng họ chưa được động viên đúng mức hay chưa được hướng dẫn, khuyến khích để bắt tay vào việc sáng tác cho thiếu nhi”. (Dịch giả Thụy Anh) |
Yên Khương (thực hiện)
Tags