Văn hoá đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, việc đọc không chỉ là đọc trên sách mà còn đọc trên rất nhiều phương tiện khác: "Mặc dù có ảnh hưởng rất lớn của các tài liệu điện tử nhưng việc đọc tài liệu giấy không hề suy giảm, với dịch vụ của thư viện cung cấp, bạn đọc đến với Thư viện quốc gia đây có thể sử dụng tài liệu giấy hay đồng thời sử dụng các tài liệu điện tử", Chị Phạm Quỳnh La - Trưởng phòng đọc Thư viện Quốc gia cho biết.
Đại diện của thư viện các tỉnh miền núi nhận sách biếu tặng
của các đơn vị tổ chức chương trình
Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh và hiệu quả của bạn đọc, đồng thời nhằm phát triển văn hoá đọc, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư trang thiết bị thu hút bạn đông đảo bạn đọc. Bà Phan Thị Kim Dung , Giám đốc thư viện Quốc gia đã cho biết: "Điều kiện hiện nay, thông qua mạng Internet, bạn đọc được tiếp cận thông tin rất nhiều chiều. Những thông tin trên Internet là những thông tin tức thời. Những thông tin mang tính chuyên sâu thì chỉ có thư viện. Chính vì điều đó mà chúng tôi đang tiến hành xây thư viện kỹ thuật số để chuyển tải những thông tin đang nằm ở thư viện quốc gia và các thư viện khác một cách nhanh nhất để bạn đọc tiếp cận. Tất cả mọi người dân sống trên địa bàn Hà Nội và ở toàn quốc đều có quyền đến thư viện đọc sách ở tại thư viện quốc gia. Chúng tôi hoàn toàn mở và phục vụ phi lợi nhuận."
Các em nhỏ vui đọc sách
Trong ngày hội này, hơn 170 em nhỏ từ các trường tiểu học, mầm non của Hà Nội đã tham gia vẽ tranh và đọc truyện cùng đông đảo các bạn trẻ cũng tới để theo dõi trưng bày sách, bản đồ cổ, tài liệu điện tử về Hà Nội và nghe các diễn giả trình bày về thơ và văn hóa.