Văn hóa 'nóng' trong tuần: Đức Vĩnh hát tuồng hay hơn Sơn Tùng

Thứ Sáu, 10/04/2015 13:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sơn Tùng M-TP có được là chính mình?

MV Không phải dạng vừa đâu của nam ca sĩ vừa gây ra một trận tranh cãi. Sơn Tùng than phiền: “Người ta soi mói bạn đến từng phút từng giây/Xung quanh bốn phương ôi sao mỗi tôi khác biệt” (lời bài hát), và minh họa bằng hai nhân vật trong MV giống hệt nhạc sĩ tóc dài Dương Khắc Linh và nhạc sĩ tóc xoăn Phó Đức Phương, những người từng lên tiếng tố anh đạo nhạc.

Trong diễn biến đi kèm cũng gây tranh cãi, báo Người Lao Động mắng MV này: “Ngông cuồng, láo xược” (tít do nhà báo tự viết, không phải trích dẫn lời mẹ Sơn Tùng). “Hãy để anh Tùng được là chính mình” - Sky (tên cộng đồng fan của nam ca sĩ) khẩn khoản. “Nhưng sao Tùng lúc nào cũng giống tôi?” - G-Dragon, trưởng nhóm Big Bang của Hàn Quốc, nghĩ. “Hãy cho Sơn Tùng được là G-Dragon” - một anti-fan (người chống đối) của Sơn Tùng nói.

Hãy yêu chính bản thân mình để là mình, thay vì biến mình thành bản sao của các thần tượng - đấy cũng là lời nhắn nhủ của nhạc sĩ Dương Thụ với các nghệ sĩ trẻ trong hạng mục tôn vinh Nghệ sĩ trẻ của năm tại giải Âm nhạc Cống hiến.

Đức Vĩnh hát tuồng hay hơn Sơn Tùng

Trong khi Sơn Tùng buồn vì bị “soi mói đến từng phút giây”, thì có những người nên được “soi mói” nhiều hơn. Chẳng hạn Đức Vĩnh, cậu bé vừa chiến thắng cuộc thi Vietnam’s Got Talent, được nghệ sĩ Thành Lộc gọi là “thần đồng”.


Đức Vĩnh đóng tuồng giỏi lại không chế nhạo ai nên được khen, chưa bị mắng

Đức Vĩnh, 8 tuổi, đóng cùng lúc 2 vai cô gái trẻ và ông già trong tiết mục tuồng Ông già cõng vợ trẻ đi xem tuồng. Trả lời phỏng vấn sau chiến thắng, Vĩnh không nói gì về khả năng sẽ theo đuổi dòng nhạc hiphop hay phong cách Hàn Quốc để có nhiều fan hơn trong tương lai.   

“RIP anh Paul”

Bom tấn đua xe Fast & Furious 7 không nằm ngoài dự đoán đã tạo cơn sốt ở cả Việt Nam và trên thế giới. Một phần phim đầy tính tưởng niệm với diễn viên chính quá cố Paul Walker. Trong rạp, nhiều người xem đã khóc. Trên mạng, nhiều người xem đã gửi lời chúc “RIP” đến anh.

Paul Walker qua đời tháng 11/2013. Lúc đó, trên Facebook đã tràn ngập những dòng “RIP” anh. Nay, khi phim tưởng niệm được chiếu, hàng nghìn người “RIP” anh thêm một lần nữa. Nhưng thực ra, RIP (“rest in peace” - “yên nghỉ”) vốn không phải là hành động làm đi làm lại nhiều lần được.

Vụ học sinh hút shisha: Áo trắng, khói cũng trắng, nhưng nghiệp vụ lại đen

Hôm 27/3, VTC14 phát phóng sự Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng Shisha. Sau đó, một học sinh đã lên tiếng kêu oan cho các bạn mình (các nhân vật trong phóng sự), rằng họ diễn cảnh hút shisha để ghi hình chứ không phải đang hút thì bị bắt gặp. Hôm 31/3, VTC14 gửi công văn đến trường khẳng định phóng sự “tôn trọng sự thật”.

Trả lời báo chí hôm 3/4, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó ban Biên tập VTC14 - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, khẳng định “không dàn dựng”. Nhưng sang hôm 4/4, trong bản tin phát sóng trực tiếp, VTC14 lại xin lỗi về “sự non kém hết sức đáng tiếc về nghiệp vụ của cả ê-kíp”.

Sau toàn bộ vụ việc, thông điệp cảnh báo về tác hại của shisha của phóng sự nói trên đã được truyền tải sâu sắc. Không chỉ hút shisha mới có hại, vừa diễn cảnh hút thôi hay quay cảnh hút đều có hại.

Từ góc nhìn người ngoài cuộc, Tổ chức Y tế Thế giới không bình luận về nghiệp vụ báo chí của VTC14 nhưng lưu ý rằng lượng nicotine từ shisha vào trong cơ thể cao hơn thuốc lá 75%. Người hút shisha có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút.

Lê Hoàng chém gió ở Sài Gòn, Hà Nội mát

Trong đêm trao giải Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) 6/4, khi MC Diễm Quỳnh dù xinh đẹp nhưng chém hơi ít gió, đạo diễn Lê Hoàng trở thành cây hài chính. Lên sân khấu trao giải, đạo diễn đọc cái gọi là “10 định nghĩa về chương trình ca nhạc dân gian theo từ điển năm 3000”. Chữ “dân gian” ở đây tất nhiên là để chỉ những năm 2000, thời chúng ta đang sống.

Sau đêm trao giải, nhiều báo đưa tin “Lê Hoàng chém gió” (ở TP.HCM). Trong một diễn biến không liên quan nhưng cùng trong ngày 6/4, tiết trời Hà Nội chuyển sang mát mẻ, lại còn mưa.

Việt, Mỹ, Hàn, Đức trong bức tranh văn hóa cuối tuần

Từ ngày 8 đến 22/4, Hãng thông tấn CNN (Mỹ) sẽ mang 70 bức tranh cổ động thời chiến tranh Việt Nam triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Các bức tranh này được vẽ từ năm 1954 đến 1975. Vào cửa miễn phí.


CNN giới thiệu bộ tranh cổ động mang tên Tinh thần khởi nghĩa: Nghệ thuật cổ động của Việt Nam từ bộ sưu tập của The Dogma

Còn tại Hà Nội, giới trẻ chuẩn bị tham dự Lễ hội Hàn - Việt lần thứ nhất do Hội Người Hàn tại Hà Nội chủ trì, tại Cung thể thao Quần Ngựa. Vé vào cửa 20.000 đồng. Gọi là “Lễ hội Hàn - Việt” nhưng yếu tố Hàn tỏ ra đậm đặc hơn hẳn với các gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm của các doanh nghiệp, nhà hàng Hàn Quốc, các câu lạc bộ hâm mộ K-pop, cuộc thi hát dành cho người Hàn, biểu diễn nhảy K-pop, các ca sĩ Hàn Quốc Park Sang Min, Switch, NOM, Oh Hee Jung, Kim Ho Joong…


Lễ hội Hàn - Việt lần đầu có một nghệ sĩ Việt (Tuấn Hưng) và 8 nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ Hàn

Cũng có yếu tố Việt Nam nhưng hiện đại hơn các bức tranh thời chiến là Liên hoan Âm thanh Hà Nội cuối tuần này. Sẽ có 2 DJ người Đức gốc Việt là Chí Thanh, Chí Thiện cùng nhiều nghệ sĩ nhạc điện tử khác về nước biểu diễn trong liên hoan từ 9 đến 11/4.

Mi Ly (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›