(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm đấu giá những tác phẩm mỹ thuật đương đại tại TP.HCM và Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể tại TP Nha Trang là 2 sự kiện đáng chú ý của “Xem nghe thấy đọc gì tuần này?”.
1. Liên hoan trình diễn các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16/6 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa. Liên hoan này nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2019 tại Khánh Hòa.
Hiện nay Việt Nam có 12 loại hình văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong đó loại hình được công nhận sớm nhất là Nhã nhạc Cung đình Huế năm 2003 và 2 loại hình được công nhận gần đây nhất là Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ và Hát xoan (năm 2017).
Những đỉnh cao nghệ thuật được kết tinh qua nhiều năm tháng và lưu truyền qua nhiều thế hệ sẽ hội tụ trong liên hoan lần này.
Liên hoan sẽ là dịp để mọi người thưởng thức những tinh túy của nghệ thuật dân tộc. Đó là Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một nghệ thuật đạt đến đẳng cấp cao của diễn xướng, âm nhạc và lời ca; Ca trù - được xem là sự kết hợp đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc, là hình thức nhạc thính phòng đạt đến mức thượng thừa; Đờn ca tài tử Nam bộ - một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đậm chất Nam bộ…
Dự kiến sẽ có 15 tỉnh thành sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể sẽ tham gia biểu diễn tại Quảng trường 2/4 TP Nha Trang, Vùng 4 Hải quân và một số địa phương khác ở tỉnh Khánh Hòa.
Di sản văn hóa được xem là tài sản vô giá của dân tộc và là yếu tố cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc. Việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Vào lúc 18h ngày 13/6/2019 tại Park Hyatt Saigon, Shark Tank Việt Nam và LYTHI Auction cùng tổ chức Shark Tank Night - The Purpose, mà mục đích chính là góp phần kích hoạt thị trường mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Với giá bán dao động từ 3.000 đến 22.000 USD, Shark Tank Night - The Purpose giới thiệu tác phẩm của các tên tuổi đương thời như điêu khắc gia Bùi Hải Sơn, các họa sĩ Phạm An Hải, Nguyễn Quang Vinh, Lương Lưu Biên, Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Thế Hùng, Mạc Hoàng Thượng, Nguyễn Thế Dung, Hoàng Ngọc Tú, Ngô Văn Sắc. Từ góc độ thị trường, phần lớn các tác giả tại phiên này đã có danh tiếng, việc họ tạo được sức hút với các nhà đầu tư “cá mập” (shark) cũng là có cơ sở.
Chương trình truyền hình Shark Tank ra đời tại Mỹ năm 2009, vào Việt Nam chương trình này có tên là Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, đã phát sóng được mấy mùa.
Việc Shark Tank Việt Nam chọn mỹ thuật đương đại để “Ươm mầm khởi nghiệp” có thể nói là một điểm nhấn đáng lưu ý. Bởi những người quan tâm đến Shark Tank Việt Nam đang có ảnh hưởng trong giới tài chính, việc họ kết nối với thị trường nghệ thuật sẽ tạo ra sức tác động đáng kể.
Nhìn riêng thế kỷ 21, mỹ thuật Việt Nam trên thị trường có hai dòng chảy chính, vừa độc lập vừa tương hỗ. Đầu tiên là sự gia tăng sức hút và leo thang về giá của các tác giả đã qua đời - xin gọi chung là mỹ thuật thời kỳ đầu. Kế đến là sự trỗi dậy của các tên tuổi đương thời, giá bán của Danh Võ, Dinh Q. Lê, Lê Kinh Tài, Jun Nguyen-Hatsushiba, Bùi Hữu Hùng, Phạm An Hải, Lê Quảng Hà, Bùi Công Khánh… không mấy thua kém các bậc thầy đã mất.
Nếu các tác phẩm của mỹ thuật thời kỳ đầu giúp củng cố lịch sử và niềm tin của thị trường, thì tác phẩm đương đại mang lại ý nghĩa trực tiếp về đời sống của người trong cuộc. Nhìn từ bên ngoài vào thì các tác giả đương thời thường chỉ “trưng bày, triển lãm” cho vui, nhưng đi vào nội tại thì không hẳn như vậy.
Ví dụ như vỏ thùng các-tông với chữ L dát vàng lá của Danh Võ (sinh năm 1975) từng bán 700.000 USD tại Sotheby’s New York hồi tháng 5/2015, thuộc Top 10 các tác phẩm có giá bán công khai cao nhất.
Văn Bảy
Tags