(Thethaovanhoa.vn) - Khi dịch Covid-19 tấn công thị trường nghệ thuật Hong Kong (Trung Quốc), hậu quả của nó được cho là sẽ tác động tới toàn thế giới chứ không chỉ ở châu Á. Nhưng dù gây phiền hà cho các mô hình kinh doanh cũ, cơn khủng hoảng này lại có thể đẩy thị trường nghệ thuật tiến vào thế giới ảo.
Cho đến giờ, Hong Kong vẫn là “cửa ngõ” cho thị trường nghệ thuật châu Á - vốn đang phát triển. Người mua và người bán đã biến nơi này thành một trung tâm nghệ thuật lớn. Hiện cùng với New York và London, Hong Kong là trung tâm của nghệ thuật đương đại và hiện đại trên thế giới. Đồng thời, Trung Quốc, Mỹ và Anh chiếm hơn 80% tổng doanh số nghệ thuật toàn cầu.
Các hãng đấu giá truyền thống loay hoay
Người ta có thể thấy điều này qua số liệu của các nhà đấu giá nổi tiếng tại đây như Sotheby's và Christie’s.
Sotheby's là hãng đấu giá quốc tế đầu tiên tổ chức các cuộc đấu giá ở Hong Kong vào năm 1973 và tại Trung Quốc đại lục vào năm 2012. Tháng 6 năm ngoái, công ty được ước lượng có giá 3,7 tỷ USD sau 31 năm.
- Anh trưng bày bức tranh hiệp sĩ hơn 200 năm trước
- Phát hiện các bức vẽ của Leonardo da Vinci bên dưới bức tranh ‘The Virgin Of The Rocks’
Năm 2019, Sotheby’s đã thu về được 4,8 tỷ USD từ hơn 400 cuộc đấu giá. Các cuộc đấu giá ở châu Á của hãng này đạt 939 triệu USD - mà theo Sotheby’s đã giúp hãng này chiếm 16% thị phần so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Christie’s. Trong đó, món hàng có giá trị cao nhất là một chiếc bình thủy tinh tráng men Bắc Kinh 300 năm tuổi, đạt giá 26,4 triệu USD tại cuộc đấu giá ở Hong Kong hồi tháng 10/2019.
Trong khi đó nhà đấu giá Christie’s từ năm 1998 đã thuộc về sở hữu của một công ty cổ phần do tỷ phú người Pháp Francois-Henri Pinault điều hành. Tổng số phiên đấu giá và các cuộc mua bán riêng của họ đã thu về được 5 tỷ USD trong năm 2019, trong khi doanh thu năm 2018 là 7 tỷ USD.
Trong nhiều thập kỷ, hai hãng đấu giá này đã trở thành nơi dành cho nghệ thuật cao cấp. Cả người bán và người mua đều hầu như không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, giờ đây một danh sách ngày càng dài các sự kiện nghệ thuật bị hủy bỏ do dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường nghệ thuật châu Á “ảm đạm”.
Trước tiên, Hội chợ Nghệ thuật Basel (dự kiến diễn ra tại đây vào tháng 2) phải hủy bỏ. Sau đó là Liên hoan nghệ thuật Hong Kong cũng buộc phải dừng lại, trong khi các nhà đấu giá Christie's và Bonham's đã lập kế hoạch dự phòng và hoãn các cuộc đấu giá. Thậm chí, một số cuộc đấu giá của nhà Sotheby’s đã được chuyển đến New York.
Gần nhất, cuối tháng 2, nhà đấu giá Sotheby’s đã gửi “lịch sửa đổi” của hãng này cho các phiên đấu giá mùa Xuân. Một số cuộc đấu giá bị hoãn và một số cuộc đấu giá khác đã được chuyển đến New York.
Bám sát ưu thế của mạng xã hội
Nhưng Kathryn Brown, nhà sử học nghệ thuật đồng thời là chuyên gia quốc tế về thị trường nghệ thuật, thì lạc quan hơn. Bà nói: “Thị trường nghệ thuật rất đặc biệt. Nó có thể sống sót sau thảm họa, một phần bởi không phụ thuộc vào các dây chuyền sản xuất như những ngành công nghiệp”.
“Đó là một một mạng lưới toàn cầu khổng lồ và mỗi phần khác nhau của mạng lưới đó lại có thể hoạt động để hỗ trợ các phân khúc khác. Với các hãng đấu giá cũng vậy” - Kathryn Brown phân tích thêm.
Theo Brown, những phát triển của hệ thống mạng xã hội đang khiến cho sự độc quyền toàn cầu của Christie’s và Sotheby’s đang ngày càng mất dần, đặc biệt là ở giai đoạn khủng hoảng này.
Trước đó, trong nhiều năm, các hãng đấu giá lớn thường tổ chức các cuộc đấu giá xung quanh một lịch trình mùa Xuân và mùa Thu. Sau đó, các hãng này đã hiểu được tầm quan trọng của mạng xã hội, “bám sát” người mua trực tuyến và thậm chí chỉ tổ chức các cuộc đấu giá trực tuyến.
Gần đây, các hãng đấu giá này đã cố gắng thu hút lượng khách hàng lớn hơn bằng cách sắp xếp thời gian bán hàng của họ trùng với các hội chợ và sự kiện nghệ thuật lớn. Nhận thấy các “chiêu” bán hàng này có hiệu quả, các hãng đấu giá tiến hành các “chiến dịch” một cách nghiêm túc hơn. Các phòng trưng bày đang được giới thiệu khắp toàn cầu qua online, biến tên các hãng đấu giá thành những thương hiệu dễ nhận biết và đáng tin cậy.
Song song với hướng phát triển này, những nhược điểm quanh việc mua nghệ thuật trên mạng cũng đang được khắc phục. “Ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật được bán trên mạng. Những sản phẩm này được các đại lý bán thông qua các hình ảnh nén rất chuẩn. Mọi người đầu tư trên cơ sở những gì họ thấy ở dạng kỹ thuật số” - Brown nói.
Thực tế, do triển lãm vừa qua bị hủy bỏ, Art Basel đã công bố ra mắt một "phòng xem trực tuyến" trong đó có nhiều tác phẩm nghệ thuật và cung cấp quyền truy cập sớm cho các khách hàng VIP.
Đấu giá nghệ thuật online sẽ phát triển?
Những "không gian ảo" như vậy - cùng với việc các phòng trưng bày ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng - đang thúc đẩy việc kinh doanh nghệ thuật phát triển theo một hướng mới. Dù còn đang ở thời kỳ sơ khai, những mô hình như vậy rất linh hoạt, có chi phí vận hành thấp hơn và phạm vi tiếp cận rộng hơn nhiều so với các nhà đấu giá hoặc phòng trưng bày thông thường. Các doanh nghiệp sẽ ít phụ thuộc vào những người đến với họ mà chỉ cần học cách khai thác công nghệ mới đúng cách.
Hồi tháng 3/2019, phòng trưng bày Gagosian (Mỹ) đã bán một bức tranh từ năm 1988 của nghệ sĩ người Đức Albert Oehlen với giá kỷ lục 6 triệu USD. Đáng nói, tác phẩm này đã được bán tại ngay phòng trưng bày "trong vòng 3 giờ kể từ khi được giới thiệu và người mua không hề thấy tác phẩm trực tiếp”. Điều này cho thấy một tín hiệu rõ ràng rằng, người mua sẵn sàng mua trực tuyến những thứ mà họ chưa bao giờ thấy trực tiếp.
Thị trường nào cũng không muốn rơi vào tình trạng bất ổn và sự bùng phát của dịch Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới có thể khiến các hãng đấu giá truyền thống thay đổi mô hình kinh doanh của mình. Một cách tất yếu, nhiều cuộc đấu giá nghệ thuật cao cấp hơn sẽ buộc phải diễn ra trên mạng. Và rất có thể đại dịch Covid-19 sẽ mang lại sự thay đổi thực sự cho mô hình kinh doanh nghệ thuật, khi cho phép người mua có thể mua trực tuyến từ bất cứ đâu trên thế giới.
Theo bà Brown, các phòng bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật theo mô hình truyền thống có thể suy yếu nhưng không mất đi. Chúng vẫn quan trọng để người ta kết nối, gặp gỡ các đại lý, vun đắp mối quan hệ và có thể ngắm sản phẩm tận mắt. |
Việt Lâm (Tổng hợp)
Tags