Viện Hàn lâm Thụy Điển thừa nhận rò rỉ thông tin về giải Nobel Văn học

Thứ Bảy, 21/04/2018 00:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/4, Viện Hàn lâm Thụy Điển - cơ quan uy tín lựa chọn giải Nobel Văn học danh giá - đã thừa nhận thông tin người đoạt giải thưởng của một số lần trao giải trước đó đã bị rò rỉ trước khi được công bố, đồng thời cam kết sẽ khôi phục các nguyên tắc điều hành cũ.

Trong quá trình điều tra về vụ lạm dụng tình dục liên quan đến Jean-Claude Arnault - một nhiếp ảnh gia và là một nhân vật nổi tiếng, một số cáo buộc đã được đưa ra xung quanh danh tính của một số người đoạt giải Nobel Văn học trước đó đã bị tiết lộ trước khi được công bố.

Viện này cho biết cuộc điều tra cho thấy có sự vi phạm các nguyên tắc bảo mật liên quan đến giải Nobel Văn học, song không xác nhận nguồn rò rỉ.

Cũng theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, cuộc điều tra còn cho thấy "cách hành xử không thể chấp nhận" của Arnault, nhưng điều này không được "biết đến rộng rãi" trong viện.

Hiện vụ việc đã được chuyển tới các cơ quan thực thi pháp luật xử lý. Viện này cũng khẳng định ủy ban lựa chọn người đoạt giải Nobel Văn học năm nay vẫn làm việc bình thường.

Uy tín của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ bê bối lạm dụng tình dục của ông Jean-Claude Arnault, chồng nhà thơ Katarina Frostenson - một thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Theo tờ New Tork Times, ông này bị cáo buộc lạm dụng nhiều phụ nữ ở câu lạc bộ và những địa điểm của Viện Hàn lâm tại Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp) suốt 20 năm qua.

Ngoài ra, ông này còn làm rò rỉ các thông tin trao giải của Hội đồng tới 7 lần, kể từ năm 1996. Vụ bê bối này đã gây chia rẽ nội bộ Viện Hàn lâm Thụy Điển khi chia thành 2 phe ủng hộ và phản đối vợ chồng Arnault.

Trong lần bỏ phiếu gần đây nhất của Hội đồng viện này, 8 thành viên đã bỏ phiếu chấp thuận cho bà Frostenson ở lại vị trí, trong khi 6 người bỏ phiếu yêu cầu bà này từ chức. Ba thành viên gồm Klas Ostergern, Kjell Espmark và Peter Englund, ba giám khảo chấm giải Nobel Văn học, đã tuyên bố "rũ áo ra đi".

Trước áp lực từ dư luận, bà Frostenson cũng cho biết sẽ không tham gia công việc của viện trong tương lai. Bản thân người đứng đầu cơ quan này là bà Sara Danius đã tuyên bố từ chức do bị chỉ trích về cách thức xử lý vụ bê bối.

Viện Hàn lâm Thụy Điển được nhà vua Gustav Đệ tam thành lập vào năm 1786. Viện này ra quyết định hàng năm về giải Nobel Văn học, thực hiện theo di chúc nhà khoa học nổi tiếng Alfred Nobel.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›