Viết nhân lễ giỗ 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du: 'Của tin gọi một chút này làm ghi'

Thứ Sáu, 24/01/2020 08:00 GMT+7

Google News

LTS: Có một sự trùng hợp rất thú vị là trong năm 2019 vừa qua, ngay trước thềm kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020), “bỗng dưng” có hàng loạt những tác phẩm “phái sinh” từ Truyện Kiều gây ấn tượng mạnh trong dư luận.

Ban đầu là một vở nhạc kịch mang tên Kim Vân Kiều của đạo diễn Christophe Thiry và Nhà hát L’Attrape Théâtre (Paris, Pháp) với một nàng Kiều “đa quốc tịch” lần đầu tiên được biểu diễn tại Hà Nội và TP.HCM. Rồi đến chuỗi 5 chương trình của dự án Nàng K của Viện Goethe Hà Nội. Đó không chỉ là những cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa, mà còn là một hình thức tôn vinh đầy sáng tạo đối với Truyện Kiều, khẳng định sức sống mãnh liệt của tác phẩm kinh điển này trong đời sống đương đại, cả ở tầm quốc gia và quốc tế.

Chú thích ảnh
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm của cụ thuộc làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Và cũng trong năm 2019, chúng ta không chỉ chứng kiến sức lan tỏa mạnh mẽ của Truyện Kiều, mà còn chứng kiến sự trỗi dậy của những giá trị kinh điển khác cùng những giá trị truyền thống, cổ xưa của dân tộc trong đời sống đương đại. Đó là Thực hành Then được công nhận là di sản phi vật thể thế giới, là Tranh dân gian Đông Hồ cũng đang phục hồi mạnh mẽ và đang trên hành trình đề cử lên UNESCO cùng xòe Thái, gốm Chăm... Đó là một triển lãm Tòhe-Vo-lu-tion với các phiên bản tò he 4.0 rất độc đáo. Đó là những tác phẩm đương đại lấy chất liệu hay cảm hứng từ dân gian hay kinh điển Việt Nam, từ Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc, Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam, hay tới cả Để Mị nói cho mà nghe cũng là một MV làm sống dậy Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

“Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Thiên hạ ai người khóc Tố Như). Sinh thời cụ Nguyễn Tiên Điền đã từng cảm khái như thế. Nhưng chúng ta có thể đáp ngay rằng, không chỉ trong vòng 300 năm mà “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru hàng ngày”. Tiếp theo kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du vào năm 2015 do UNESCO tổ chức, chúng ta lại bước vào chuỗi các hoạt động kỷ niệm 200 ngày mất của ông.

Với chuyên đề này, TT&VH Xuân Canh Tý sẽ bắt đầu từ lễ giỗ 200 năm của Nguyễn Du, quay về những giá trị của Truyện Kiều và nhận diện những tín hiệu vui từ việc khai thác các giá trị kinh điển, truyền thống trong đời sống đương đại.

TTVH

(Thethaovanhoa.vn) - 3.254 câu của Truyện Kiều, có câu nào mà không gắn vào tâm và trí, vào con tim và bộ nhớ của mỗi công dân Việt suốt hơn 200 năm qua. Thế nhưng, ở thời điểm hôm nay, xem ra câu được chọn, với ý tưởng thích hợp nhất, để nói lên tâm nguyện chung của chúng ta, sẽ là: “Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du

Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du

Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới là sự kiện văn hóa cấp quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Trong thư tịch cổ, cho đến các từ điển mới nhất đều ghi ngày sinh của Nguyễn Du là 3-1-1766, với một dấu hỏi nghi vấn (?) ở phía sau. Còn ngày mất là 10 tháng 8 năm Canh Thìn tức 16-9-1820.

Tục giỗ chạp gắn với ngày mất ở Việt Nam ta thường là theo âm lịch; ngày mất được tiến hành bởi một lễ tang theo phong tục, và sau đó là lễ cúng cho 3 ngày, 49 ngày, 1 năm (giỗ đầu), và 3 năm (mãn tang và cải táng) có từ rất xưa trong tập quán lễ nghi của người Việt. Đó là ngày thiêng, rất thiêng. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. “Cái quan định luận”… Còn sinh nhật thì hình như mới có sau này, do tiếp nhận ảnh hưởng phương Tây, rồi dần dần trở thành một phong tục mới, trước hết ở đô thị.

Trong suốt 55 năm hưởng dương, lễ sinh nhật Nguyễn Du nếu có chắc chỉ là trong gia đình. Phải đến 1965 vào tối 25 tháng 11, tại Nhà Hát lớn Hà Nội mới có kỷ niệm 200 năm năm sinh - một sinh nhật rất to do Hội đồng hòa bình thế giới đề xuất; và tiếp đó - 2015, vào tối 5 tháng 12 tại Quảng trường TP Hà Tĩnh là kỷ niệm 250 năm sinh do tổ chức UNESCO tôn vinh. Hai lần kỷ niệm năm sinh (tôi nhấn mạnh năm sinh, chứ không phải ngày sinh) là hai lần Nguyễn Du ra đại lộ văn minh nhân loại, đem lại niềm tự hào cho non sông Việt, dân tộc Việt, văn chương và ngôn ngữ Việt.

Chú thích ảnh
GS Phong Lê

Ngày mất của Nguyễn Du là 10-8 năm Canh Thìn, chiếu theo lịch Tây là 16-9-1820. Đám tang Đại thi hào chắc cũng có nhiều rắc rối bởi ông mất vì dịch tả. Không biết từ sau 1820, cho đến khi hình thành Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Nghi Xuân, năm 1962, ngoài gia đình, gia tộc có ai, hoặc đơn vị nào làm giỗ Nguyễn Du không? Chỉ biết phải đến ngày 10 tháng 8 năm Giáp Tý, tức 8-9-1924 mới có một cuộc giỗ lớn do Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội tổ chức cho Nguyễn Du, nhân 104 năm ngày mất (theo âm lịch) của đại thi hào, chẵn 100 năm sau ngày thi hài được cải táng rồi chuyển về quê Tiên Điền; trong ngày giỗ ấy có bài đọc về tiểu sử của Trần Trọng Kim; bài diễn văn bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp của Phạm Quỳnh; một màn diễn của nghệ nhân dựa trên văn bản bài hát nói của nhà Nho Nguyễn Đôn Phục cùng một bài văn khắc lên bia do Bùi Kỷ soạn… Và thật sự in dấu ấn, kèm theo tranh luận gay gắt là câu tổng kết của Phạm Quỳnh trong phần cuối bài diễn văn: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” (Nam Phong số 86; 9/1924). Đây là câu rồi sẽ có một sự sống rất đặc biệt, giữa hai phía khen - chê; nhưng cuối cùng vẫn là sự chứa đựng một chân lý về giá trị bất tuyệt, bất hủ của Truyện Kiều.

Tất nhiên, một khẳng định về giá trị của Truyện Kiều và Nguyễn Du không chờ đến 1924, với đúc kết của Phạm Quỳnh. Sức sống Truyện Kiều và thiên tài Nguyễn Du đã được khẳng định từ rất lâu - hàng trăm năm về trước, có thể là được bắt đầu từ bài Tựa Truyện Kiều của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, viết vào tháng hai - năm Minh Mệnh nguyên niên - tức 1820, là năm Nguyễn Du qua đời: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. So với câu của Phạm Quỳnh thì câu của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết trước đó 104 năm cũng có một giá trị tổng kết không kém; hơn thế còn giúp ta giải thích những căn rễ sâu xa của giá trị đó, ở hai phía con mắt và tấm lòng tác giả. Như vậy là ở hai thời điểm - năm 1820 và 1924, trong khoảng cách 104 năm, chúng ta có hai tổng kết tuyệt vời về Nguyễn Du gắn với năm mất và nhân ngày mất của đại thi hào…

Chú thích ảnh
Bộ đồ uống rượu Đại thi hào Nguyễn Du từng dùng khi ở Tiên Điền. Ảnh: Trọng Chính

***

Năm sinh thứ 250 của Nguyễn Du tổ chức vào năm 2015 được ghi nhận bởi một khối lượng khổng lồ các công trình nghiên cứu về Nguyễn Du trong nhiều bộ tuyển hàng nghìn trang; và nhiều tên sách của các văn nhân học giả đứng ở hàng đầu các ngành khoa học xã hội - nhân văn thời hiện đại. Các công trình lần lượt xuất hiện, gần như không lúc nào đứt đoạn trong nửa sau thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI. Còn trước đó thì những bình và luận về Truyện Kiều lúc nào cũng có, nhưng vẫn còn thưa thoáng, và chưa thật nhiều. Có nghĩa là thời hiện đại, thời chúng ta đang sống hôm nay đã làm được rất nhiều về Nguyễn Du, và cho Nguyễn Du, với rất nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo, trong đó đáng chú ý là một văn bản phát biểu của bà Katherine Muller - Marine, Trưởng đại diện UNESCO ở Việt Nam, trong Lễ kỷ niệm 250 năm sinh, nhằm tôn vinh Nguyễn Du vào ngày 5-12-2015 ở thành phố Hà Tĩnh.

Ở bài phát biểu này bà Muller đã gắn Nguyễn Du với những giá trị nhân loại mang tính phổ quát và có ý nghĩa xuyên thời đại, qua các mối quan hệ giữa Nguyễn Du với khát vọng hòa bình, Nguyễn Du với chủ nghĩa nhân văn - quyền con người, Nguyễn Du với các giá trị gia đình và với yêu cầu bình đẳng giới, và Nguyễn Du với truyền thống văn hóa dân tộc Việt.

***

Từ thời điểm kỷ niệm 250 năm năm sinh – năm 2015, đến lễ giỗ 200 năm mất - 2020 Nguyễn Du, Việt Nam đang dấn sâu vào kỷ nguyên hội nhập. Các giá trị dân tộc và nhân loại trong sự cần thiết phải gắn bó với nhau, vì nhu cầu phát triển, càng cần được khẳng định và khơi rộng để mỗi dân tộc không những không tự đánh mất mình mà còn chủ động trong đồng hành cùng nhân loại. Chính là trong bối cảnh đó mà cuộc thăm Việt Nam và bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24/5/2016 ở Hà Nội đã nhận được sự đồng tình và ngưỡng mộ của mọi trái tim người Việt chúng ta, khi ông hai lần nhắc đến Nguyễn Du, và dẫn một câu thơ đích đáng để nói về mối quan hệ Việt Mỹ trong thế giới hôm nay, và ở thời điểm hôm nay:

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi

Của tin - có được của tin, đó mới thật là điều đáng giá qua phát biểu của nguyên thủ một cường quốc, hơn bốn chục năm trước, đối với Việt Nam còn là kẻ thù. Có được của tin đó còn là một hành trình hơn 15 năm, kể từ cuộc thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 17/1/2000, với hai câu Kiều được dẫn trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ở Hà Nội:

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Và, sau đó 15 năm, vào ngày 7/7/2015, trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Cả hai, ghi nhận một chuyển đổi trong quan hệ Mỹ - Việt: Từ thù thành bạn.

Còn, với Obama - năm 2016 thì đó là việc xây dựng lòng tin, để có được của tin.

Từ 2016, chín tháng sau Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, vào ngày 10-8 Bính Thân, tức 10-9-2016, Hội Kiều học cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Hội Văn học - nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức lễ giỗ lần thứ 196 của Đại thi hào trong Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền - Nghi Xuân, để tiếp tục ôn lại những giá trị đã được nhân loại tôn vinh; và để chuẩn bị cho Đại hội của Hội - nhiệm kỳ II (2016-2021) vào ngày 3-11-2016, Đại hội hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào, vào năm 2020.

3.254 câu của Truyện Kiều, có câu nào mà không gắn vào tâm và trí, vào con tim và bộ nhớ của mỗi công dân Việt suốt hơn 200 năm qua. Thế nhưng, ở thời điểm hôm nay, xem ra câu được chọn, với ý tưởng thích hợp nhất, để nói lên tâm nguyện chung của chúng ta, sẽ là: “Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Của tin, trong tâm thế dân tộc Việt thì đó là một vật thiêng, một kỷ niệm quý giá, hoặc vô giá.

Hơn bất cứ lúc nào, lúc này chính là lúc chúng ta phải lấy lại, hoặc xây dựng cho được lòng tin, để có của tin: Tin ở chân lý, ở lẽ phải, ở cái thật, ở sự thật, ở thiện tâm, ở sự tử tế, ở ý chí vượt lên, và chiến thắng những gì là trái, là ngược lại những giá trị cao quý và thiêng liêng mà Tổ quốc ta, nhân dân ta, hệ thống chính trị ta quyết tâm gìn giữ, vốn đã được kết tinh với sức hút và sức tỏa tuyệt vời của nó nơi Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều bất hủ…

GS Phong Lê (Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›