(Thethaovanhoa.vn) - Little Richard, nghệ sĩ được gọi là “kiến trúc sư” của dòng nhạc rock ‘n’ roll, đã qua đời hôm 9/5 (theo giờ địa phương) sau khi chiến đấu với bệnh ung thư xương, thọ 97 tuổi.
Bill Sobel, luật sư của Richard trong hơn 3 thập kỷ, thông tin với hãng tin AP rằng nghệ sĩ đã chết vì ung thư xương tại ngôi nhà của gia đình ở Tullahoma, bang Tennessee. “Richard không chỉ là một huyền thoại, ông còn là một con người tốt bụng, có sự đồng cảm sâu sắc với cộng đồng” - Sobel nói.
Một sự nghiệp sáng chói
Trong lịch sử, Richard đã tạo ra dòng âm nhạc đầy sáng tạo của mình với sự pha trộn của boogie-woogie, R&B và gospel. Ngôi sao này từng chinh phục hàng triệu người hâm mộ và tạo ảnh hưởng tới rất nhiều nghệ sĩ khác, trong đó có cả ban nhạc Anh huyền thoại The Beatles.
Đặc biệt, Little Richard được coi là một trong những “cha đẻ” của rock ‘n’ roll. Cách chơi đàn piano siêu tốc của Richard, kết hợp với giọng hát và kiểu tóc “pompadour” đã đưa ông trở thành một hiện tượng trên nước Mỹ. Đáng nói, là một người đàn ông da màu, Richard còn góp phần làm thay đổi nền âm nhạc đại chúng, khi ông giới thiệu dòng R&B của người da màu tới người Mỹ da trắng. Cùng với Chuck Berry và Fats Domino, ông được gọi là người góp phần phá bỏ ranh giới “màu da” trên các bảng xếp hạng âm nhạc.
Trong cuộc đời mình, Richard đã tiêu thụ được hơn 30 triệu đĩa trên khắp thế giới và và tầm ảnh hưởng của ông khiến ngay cả ban nhạc huyền thoại The Beatles cũng phải kinh ngạc. “Little Richard ư? Đó là rock ‘n’ roll. Và Little Richard luôn tuyệt vời trên từng bản thu âm” - Neil Young, ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc người Canada từng khẳng định.
Và chính Richard cũng từng tuyên bố tại lễ trao giải Grammy năm 1988 khi đám đông người đứng lên vỗ tay tán thưởng ông: “Tôi là kiến trúc sư của rock ‘n’ roll! Tôi là người khởi tạo”.
Nghe tin Richard mất, nhiều người nhắc lại thời điểm năm 1956, tác phẩm kinh điển Tutti Frutti của ông lọt vào Top 40 bảng xếp hạng với sức công phá được mô tả là “như lựu đạn”. Ca khúc này bùng nổ trên đài phát thanh và thu hút sự quan tâm trên khắp nước Mỹ với câu hát đáng nhớ “wop-bop-a-loo-bop-a-lop-bam-boom”.
Tiếp sau đó, Richard đã tung ra một loạt bản “hit”, tạo nên nền tảng của nhạc rock như Lucille, Keep A Knockin’, Long Tall Sally và Good Golly Miss Molly. Hơn 40 năm sau khi Good Golly Miss Molly lọt vào bảng xếp hạng, ngôi sao rock Bruce Springsteen đã trình diễn trực tiếp ca khúc này.
Thậm chí, Paul McCartney của The Beatles cũng bắt chước những gì đã thành thương hiệu của Richard. Trong album Rock And Roll (1975) của mình, cựu thành viên The Beatles John Lennon đã “cover” ca khúc Rip It Up và Ready Teddy của Richard.
Khi Sảnh Danh tiếng Rock and Roll được sáng lập hồi năm 1986, Richard nằm trong số các thành viên được hưởng đặc quyền xuất hiện mà không cần bình chọn, cùng với Elvis Presley, Berry, Buddy Holly, Jerry Lee Lewis, Sam Cooke cùng nhiều nghệ sĩ khác.
Một trong số đó, Jerry Lee Lewis (84 tuổi) tuyên bố: “Trái tim tôi trĩu nặng khi cầu nguyện cho Little Richard. Ông sẽ luôn sống trong trái tim tôi với tài năng tuyệt vời của mình”. Tương tự, Mick Jagger, thủ lĩnh ban nhạc rock huyền thoại Rolling Stones coi Little Richard là “nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi thời tuổi vị thành niên”.
“Hiện giờ âm nhạc của ông vẫn mang năng lượng mạnh như khi lần đầu tiên bùng nổ vào giữa thập kỷ 1950. Khi hợp tác cùng nhau, tôi xem ông trình diễn hằng đêm và học hỏi từ ông rất nhiều. Richard luôn hào phóng dành những lời khuyên cho tôi. Ông cũng đã đóng góp rất nhiều cho âm nhạc đại chúng” - Jagger viết trên mạng xã hội vào hôm 9/5.
Một cá tính phức tạp
Richard Wayne Penniman sinh năm 1932 ở Macon, bang Georgia, trong gia đình có 12 người con. Richard từng bị tẩy chay vì ẻo lả như con gái, có dáng người “dị dạng” vì chân phải ngắn hơn chân trái. Sau này, ông cũng công khai về việc mình là người đồng tính
Gia đình Richard theo đạo Công giáo và thuở nhỏ ông từng hát trong các nhà thờ bản địa. Năm 14 tuổi, Richard trình diễn với một số ban nhạc song ở nhà Richard thường phải chịu những trận đòn của cha do bị cha chế giễu là kẻ “ái nam ái nữ”. Sau đó, Richard đã rời khỏi nhà để tham gia vào màn diễn của một nhóm hát rong của một người đàn ông có tên Sugarloaf Sam.
Sự nghiệp âm nhạc của Richard nổi lên từ năm 1955. Tiếp sau đó, Richard đã thâm nhập vào kinh đô điện ảnh Hollywood khi xuất hiện trong bộ phim Don’t Knock The Rock. Nhưng trong cuộc sống cá nhân, ông được biết đến với ngoại hình kỳ quặc: Đôi mắt được chuốt mascara, ria mép mỏng như bút chì và thường mặc những bộ đồ lấp lánh.
Lối sống hoang dã cũng luôn mâu thuẫn với đức tin của ông. Thậm chí, một Richard đầy mâu thuẫn đã từ bỏ việc trình diễn vào năm 1957 để theo học tại một trường thần học và kết hôn. Tiếp đó, năm 1962, Richard bị bắt vì quan hệ tình dục với một người đàn ông trong nhà vệ sinh tại một bến xe buýt. Vụ việc này khiến Richard ly hôn và trở lại trình diễn.
Ở lần trở lại này, Richard đã xúc tiến 3 tour diễn ở Anh vào khoảng năm 1962-1964, với các ban nhạc The Beatles và Rolling Stones đóng vai trò nghệ sĩ mở màn. Trở lại Mỹ, ông thành lập ban nhạc trong đó có nghệ sĩ guitar Jimi Hendrix và sau đó đã sa thải Hendrix khi nghệ sĩ đã đến muộn trong một chuyến xe buýt.
Giữa những năm 1970, Richard phải vật lộn với chứng nghiện ma túy, tiêu tốn 1.000 USD/ngày, và một lần nữa từ bỏ sự nghiệp âm nhạc. Ông trở lại với tôn giáo, bán sách Kinh thánh và xa rời các mối quan hệ đồng tính. Tháng 8/2002, Richard tuyên bố ngừng trình diễn song vẫn xuất hiện thường xuyên trên truyền hình. Nhưng trong hơn 1 thập kỷ gần đây, Richard gần như biến mất khỏi dòng thời sự âm nhạc.
“Nếu Chúa có thể cứu một người đồng tính già cả như tôi, Người có thể cứu bất cứ ai”- Richard từng tuyên bố.
Từng “xốc” lại sự nghiệp thành công Riêng năm 1986, Richard đã trở lại ấn tượng trong trang phục “lóa mắt”. Ông được ghi tên vào Sảnh Danh tiếng Rock and Roll, và xuất hiện trong phim Down And Out In Beverly Hills. Đặc biệt, một bài hát của Richard từ nhạc nền phim Great Gosh A’Mighty đã đưa ông trở lại bảng xếp hạng lần đầu tiên sau hơn 15 năm. Chưa kể, Richard còn được gắn sao trên Đại lộ Danh tiếng Hollywood vào thời điểm này. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags