Võ An Ninh tên thật là Vũ An Tuyết, sinh ngày 18/6/1907, từ trần lúc 18h45 phút ngày 4/6/2009, hưởng đại thọ 103 tuổi. Linh cữ được quàn tại tư gia, số 164 Ngô Gia Tự, P.9, Q.10, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 8h hôm nay (ngày 6/6), lễ động quan lúc 7h ngày 9/6 và an táng tại nghĩa trang Long Thành (Đồng Nai). |
Theo mô tả của nhiếp ảnh gia Kevin German: Chiếc máy ảnh được ông (Võ An Ninh) ưa thích, là Super Ikonta A - do Nhật chế tác vào thập niên 1950. Rất nhiều nhiếp ảnh gia khác sẵn sàng tặng cho ông một máy ảnh hiện đại và mới hơn, nhưng ông chỉ cười và hỏi: “Tại sao tôi phải dùng một chiếc máy khác, trong khi tôi đã có chiếc máy này?” Trước 1945, một cuộn phim để chụp hình có giá từ 3 - 5 chỉ vàng, khi nạn đói ập đến, giá còn cao hơn nữa, vì ở Hà Nội không có bán, phải gửi sang Pháp mới mua được. Mỗi lần gửi một lần khó, Võ An Ninh đã gom góp tiền, phải nhịn ăn, bán các kỷ vật, cầm cố tài sản... chỉ để mua phim chụp hình. Thời đó, đang lúc đói kém, đây là một hành động có vẻ xa xỉ và vô tâm, nhưng sau này, nhìn vào những bộ ảnh mà ông phải hy sinh rất nhiều để chụp được, người ta đã nghĩ khác. Võ An Ninh là một nhiếp ảnh gia tiền phong, xuyên suốt và giữ vai trò quan trọng trong vài cột mốc về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam suốt thế kỷ 20.
VĂN BẢY (tổng hợp) |
Tác phẩm Hương lúa (1950, chụp tại Hà Đông) được giới nhiếp ảnh quốc tế nhắc đến nhiều, tất nhiên sau bộ ảnh nạn đói 1945, vì nó nói lên được khát vọng yên bình, thể hiện cái nhìn thơ mộng và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. |
Đôi chân không lành lặn đi suốt trăm năm
Để chụp bộ ảnh nạn đói năm 1945, hàng ngày ông đã đạp xe đạp từ Hà Nội đi Thái Bình hơn trăm cây số và phải tìm cách tránh quân Nhật phát hiện vì ông chụp tội ác của chúng. Khi làm việc này, ông không hề được “chỉ đạo” mà hoàn toàn xuất phát từ ý thức của một người dân khi đất nước còn trong vòng nô lệ và từ trái tim nghệ sĩ mách bảo. Cũng nên nhớ rằng, từ năm 31 tuổi, Võ An Ninh đã đi với đôi chân không lành lặn, mất nửa bàn chân do một tai nạn. Thế nhưng đôi chân đó đã đi khắp mọi miền đất nước, đi đến trăm tuổi.
Tiếc thương cụ Võ An Ninh
*GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học: Tôi gặp cụ Võ An Ninh khi tôi cùng GS Nhật Bản Moto Furuta thực hiện cuốn sách 720 trang, nhan đề “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử”. Vì sử dụng một số ảnh của cụ vào trong cuốn sách nên tôi đã gặp riêng cụ tại Nhà khách Chính phủ để đưa thù lao. Đồng thời đây cũng là dịp tôi cùng cụ, nhà văn Tô Hoài... tham gia vào một bộ phim của Nhật Bản làm phim về nạn đói năm 1945 (đoàn làm phim mời cụ ra Hà Nội để thực hiện).
Cuốn sách của chúng tôi, căn cứ trên kết quả điều tra ở 23 tỉnh thành từ Cao Bằng đến Quảng Trị để đưa ra những bằng chứng khoa học và lịch sử khẳng định số người chết trong nạn đói 1945 là trên 2 triệu người. Về tư liệu ảnh, cũng có một số bức ảnh của các tác giả khác đăng trên một số báo thời kỳ đó, nhưng bộ ảnh của cụ Võ An Ninh xứng đáng là một chứng tích lịch sử để nhận thức về nạn đói năm 1945. Đó là những chứng tích bằng hình ảnh tập trung nhất, điển hình nhất, đắt giá nhất phản ánh về nạn đói và về tội ác chiến tranh của thực dân, phát xít. Tôi được biết rằng khi thực hiện bộ ảnh này, cứ nghe chỗ nào có nhiều người chết đói là cụ đến chụp, như cụ đã đi đến km 3 Thái Bình để chụp bức ảnh nổi tiếng, hay chụp ở Hàng Da, Giáp Bát...
Là người nghiên cứu về nạn đói, tôi cũng đã đi điều tra đến từng nhà, từng ngõ xóm (trong 23 làng bản được nghiên cứu) để tìm hiểu xem trong nạn đói đó, từng nhà có bao nhiêu người chết, bao nhiêu người còn sống sót. Đau xót thay, có nhà có 20 người thì chết đến 19 người, chỉ sống sót 1 người (tỷ lệ cao nhất là ở Quảng Yên, 72% người chết). Vì thế, khi xem những bức ảnh chân thật, sống động của cụ về thảm cảnh của người dân trong nạn đói, tôi càng đau lòng gấp bội.
* Nhiếp ảnh gia, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc: Sống đến 103 tuổi trên trần gian nhiều bất trắc, nghệ sĩ Võ An Ninh đã là cây đại thụ của cuộc đời. Cụ còn là cây đại thụ của nhiếp ảnh Việt Nam. Chỉ với bộ ảnh Sa Pa, thế giới đã tôn vinh cụ là “Người nghệ sĩ của phong cảnh”. Sa Pa không phải là đề tài mới lạ, trước và sau cụ Võ, đã rất nhiều người khai thác, nhưng cụ Võ đã thành công vì nắm bắt được thần sắc của cảnh vật, chọn một góc nhìn khác biệt, trong bộ ảnh đó, không còn ranh giới giữa hội họa và nhiếp ảnh. Đó chính là sự khác nhau của những người sáng tạo.Tiếc thay, ngày nay, những nhà nhiếp ảnh của ta không có được điều này. Do vậy, khi sáng tác, hình ảnh cứ giống như nhau từ bố cục, ánh sáng cho đến tư duy về đề tài.
* Nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng: “Hơn 15 năm trước, lần đầu tiên tôi thực hiện cuộc phỏng vấn cụ Võ An Ninh cho chuyên mục Mỗi kỳ một nhân vật trên tạp chí Kiến thức ngày nay, rồi sau đó in vào bộ sách Phỏng vấn người Sài Gòn. Tôi nhớ hoài câu nói của cụ, rằng tuổi Đinh Mùi tài hoa mà cực lắm, lận đận lắm, từ công việc đến chuyện tình yêu, hôn nhân. Cụ cũng nói người nghệ sĩ phải tìm cho mình con đường sáng tạo riêng, nhưng phải biết gắn với số phận của dân tộc, số phận của thời đại mình đang sống.
Quan niệm của bậc tiền bối Võ An Ninh cũng chính là con đường nghệ thuật mà ông yêu cả cuộc đời, đi trọn một đời. Suốt đời chung thủy với thể loại ảnh đen trắng, những tác phẩm về phong cảnh
đất nước của cụ thực mà ảo, ảo mà thực, đẹp như tranh, nhất là các bức ảnh về Sa Pa. Cụ vừa tài hoa, vừa đào hoa nên đã dệt nên nhiều chân dung độc đáo về người đẹp thế hệ ông. Đặc biệt, nói đến Võ An Ninh là nói đến nhà viết sử bằng ảnh. Những bộ ảnh về nạn đói trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, vua Thành Thái, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... mãi mãi là dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Và những gì ông đã cống hiến rất xứng đáng với danh xưng “Nhà nhiếp ảnh Việt Nam số 1” thế kỷ 20. N.M-T.K-V.B |