(Thethaovanhoa.vn) - 8 năm trước, ngày 27/1/2013, nhạc sĩ Phạm Duy từ trần tại Sài Gòn. 8 năm sau ngày 27/1/2021 - ngày Rằm tháng Chạp - tại Hà Nội, làng nhạc Việt Nam lại có thêm một tin buồn, NSND Trung Kiên từ trần, hưởng thọ 83 tuổi. Giọng nam cao thế kỷ đã ra đi trong khói hương của ngày Rằm cuối năm Canh Tý.
1. NSND Trung Kiên tên khai sinh là Nguyễn Trung Kiên. Ông sinh ngày 5/11/1939 tại Kiến Xương, Thái Bình, nhưng gia đình đã cư trú ở Hà Nội từ lâu. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, phong trào ca hát của học sinh Hà Nội thật sôi nổi và nồng nhiệt. Trong số đó người kinh thành đã biết đến giọng nam trầm Trần Hiếu, giọng nam trung Quý Dương và giọng nam cao Trung Kiên.
Năm 1955, Trung Kiên đã vào học thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1961 ông đi tu nghiệp thanh nhạc tại Liên Xô (cũ). Về nước năm 1964, ông trở thành diễn viên đơn ca của Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch.
Ngay trong những ngày đầu chống Mỹ, người mến mộ âm nhạc được thưởng thức qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam một bài hát rất lạ. Đó là bài hát Biển gọi, một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Kim mà người thể hiện là ca sĩ Trung Kiên.
Bài hát đã gây chấn động với người nghe cả nước. Ở Biển gọi, nhạc sĩ Nguyễn Kim dùng nhịp 5/8 nhưng không theo tiết tấu trống ngũ liên như một số bài hát khi đó của Đỗ Nhuận. Nhịp 5/8 ở Nguyễn Kim dìu dặt một nhịp chèo thuyền trên biển. Dường như là nhịp sóng lắc lư vào mạn tàu ở khơi xa. Cái nhịp điệu này đã được Trung Kiên thể hiện rất đắc địa cả bằng kỹ thuật và cảm xúc. Người nghe vừa thấm nhuần cái lạ của giai điệu và cái lạ của chất giọng nam cao có gì hao hao với ca sĩ thần đồng Robertino rất phổ biến thời ấy và người mến mộ biết đến giọng nam cao Trung Kiên từ nhạc phẩm này, một giọng nam cao trẻ trung khác với Quốc Hương và Trần Khánh.
Cũng với Nguyễn Kim, Trung Kiên còn thể hiện thành công Hát về thành phố biển: “Chờ gió lên cho thuyền càng dập dồn trong tiếng sóng xô…”. Và cũng là “chờ gió lên”, Trung Kiên đã thực sự chất ngất trong Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao: “Chờ gió lên cho thuyền ta về (ớ) xuôi”. Nhất là những câu hò kết bài: “Hò khoan ơ hớ dô khoan, ơ hớ dô khoan”.
Hình như lúc ấy người nghe đã nhận ra sau sáng tạo nhạc phẩm, thì sáng tạo của người thể hiện nhạc phẩm cũng rất quan trọng. Giọng hát Trung Kiên đã đánh thức điều đó. Cứ thế, Trung Kiên vừa thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam những bài hát chống Mỹ, vừa sắm vai trong các vở nhạc kịch, vừa đi hát trong tuyến lửa mưa bom bão đạn, vừa đi hát ở các sàn diễn nước ngoài vinh danh Việt Nam chống Mỹ. Năm 1967, ông lại tiếp tục sang Liên Xô tu nghiệp.
- 'NSND Trung Kiên là người ca sĩ thành công bậc nhất, độc nhất vô nhị...'
- NSND Trung Kiên: Nhớ “Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng văn hóa nghệ thuật”
- NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ hát với 1.000 khán giả
2. Ngày thống nhất đất nước, bên cạnh bài đồng ca Như có Bác trong ngày đại thắng, cả nước sôi trào trong giọng hát Trung Kiên với bài đơn ca Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà. Cái thăng hoa của toàn dân tộc đã chắp cánh cho giọng nam cao Trung Kiên mang tới cho người nghe một men say của chiến thắng mà trước đó chưa từng cảm nhận được. Hòa trong không khí ấy, chúng tôi ở miền Nam vừa giải phóng có cảm giác luôn luôn lâng lâng, luôn luôn muốn bay lên như câu hát “ta muốn bay lên say đắm sông núi hiên ngang, ta muốn ca vang hát ca muôn đời Việt Nam…”.
Với giọng nam cao thế kỷ của mình, ông đã hát vang trên sàn diễn của hàng chục nước trên thế giới như: Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển…. Ông đã đoạt giải Nhất trong Liên hoan Giai điệu bạn bè ở Mông Cổ, Huy chương Vàng về đơn ca ở Bulgaria và Cộng hòa Dân chủ Đức.
Không chỉ biểu diễn, thu thanh, với vai trò người thầy dạy thanh nhạc, Trung Kiên đã đào tạo nên nhiều giọng ca Việt Nam có tên tuổi như: Lê Dung,Phương Nga, Bích Thủy… 2 cuốn sách Hướng dẫn học kỹ thuật thanh nhạc bel canto của ông xuất bản năm 1973 và 1985 là những cuốn sách có giá trị tổng hợp thành tựu của nhiều trường phái thanh nhạc trên thế giới và những kinh nghiệm tích lũy lâu năm của bản thân, là những cống hiến quý giá cho công tác sư phạm về thanh nhạc.
Không chỉ là một giọng nam cao thế kỷ, Trung Kiên còn là một cán bộ văn hóa của thời kỳ đổi mới, mở cửa. Năm 1987, ông chuyển về lãnh đạo Cục Âm nhạc và Múa. Năm 1989, đảm nhiệm vị trí Cục trưởng.Năm 1993, ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin cho đến khi về hưu.
Bên cạnh công việc biểu diễn, lãnh đạo, giảng dạy thanh nhạc, Trung Kiên còn dịch hàng trăm tác phẩm thanh nhạc cổ điển sang tiếng Việt để dùng trong biểu diễn và giảng dạy. Người mến mộ âm nhạc hẳn rất thích bài hát Nga Triệu đóa hoa hồng, nhưng ít ai biết lời Việt là do Trung Kiên dịch. Ông còn dịch cả vở nhạc kịch Cuộc sống Paris và đặc biệt là Cây sáo thần của W.A.Mozart để Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trình diễn nhiều đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Ông là cha của nhạc sĩ Quốc Trung, một gương mặt sáng giá của nhạc nhẹ Việt Nam với album Đường xa vạn dặm. Trong các chương trình Giai điệu tự hào, có chương trình ông đã tham gia cùng cả con trai và cháu nội, hát và vui sống, đó là tất cả những gì Trung Kiên đã tận lực dâng hiến.
Vài tháng gần đây, do tuổi cao sức yếu, Trung Kiên đã lâm vào những cơn bệnh hiểm nghèo. Mới 1 tuần trước, trong chương trình ra mắt tuyển tập thơ Đặng Đình Hưng, tôi có hỏi GS Trần Thu Hà (chị cùng mẹ khác cha của Đặng Thái Sơn và là hiền thê của NSND Trung Kiên), nghe bà nói là có vẻ tiến triển, nhưng “trên cao nhịp thu đã điểm”. Người ta có thể chữa được bệnh chứ có ai chữa được mệnh? Và tiếng chuông định mệnh đã đưa Trung Kiên về cõi vô cùng. Sự ra đi của ông khiến tôi hồi nhớ về một bài hát Nga do ông dịch, bài hát mang tên Tiếng chuông chiều:
“Chiều buông vẳng tiếng chuông ngân xa vời.
Gợi lòng ta bao suy nghĩ không rời.
Và những ngày xưa thơ ấu.
Miền quê ta hằng mến yêu người.
Nơi đây những mái nhà.
Và ta cùng với người đã xa rồi.
Lần cuối cùng nghe vẳng tiếng chuông chiều.
Ngân nga vang xa.
Một lần tận cùng”…
Xin vĩnh biệt ông - giọng nam cao thế kỷ 20 đầy biến động. Tiếng chuông chiều sẽ theo ông về cõi vĩnh hắng…
NGUYỄN THỤY KHA
Tags