(Thethaovanhoa.vn) - Tỉnh ủy Vĩnh Long xác định, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu đưa loại hình đờn ca tài tử vào giảng dạy ở các trường học...
- Dư âm Festival Đờn ca tài tử: Đặc sắc ‘Phương Nam ngày mới’
- Festival Đờn ca tài tử tạm biệt Bình Dương về Cần Thơ
- Khai mạc Festival Đờn ca tài tử lần II: Tôn vinh 'báu vật phương Nam'
Ngày 17/4, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tỉnh ủy Vĩnh Long xác định, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu đưa loại hình đờn ca tài tử vào giảng dạy ở các trường học, góp phần nâng cao giá trị loại hình nghề thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vĩnh Long sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của nhà nước về văn học, nghệ thuật và đầu tư nguồn lực để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Từ đó, khơi dậy tiềm năng của vùng đất Vĩnh Long giàu truyền thống văn hóa lịch sử, biến văn học, nghệ thuật thành sức mạnh nội sinh, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Cùng với đó, Vĩnh Long tiếp tục xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn nghệ giàu truyền thống, sức chiến đấu và hiện đại. Tỉnh cũng sẽ nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Cửu Long; tổ chức tốt các giải văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh sáng tác để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng tầm khu vực và cả nước.
Mặt khác, tỉnh chú trọng phát triển phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng; hướng dẫn, khuyến khích đông đảo nhân dân tham gia hoạt động văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn học, nghệ thuật và văn nghệ dân gian.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Long có bước phát triển mới và đạt được nhiều thành tựu. Theo đó, sản phẩm văn học, nghệ thuật được nâng lên cả về số lượng và chất lượng; phản ánh đa dạng, sinh động hiện thực đời sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh ngày càng phát triển với 222 hội viên, trong đó lớp văn nghệ sĩ trẻ kế thừa được hình thành và phát huy qua thực tế lao động nghệ thuật.
Các hoạt động, phong trào văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở phát huy tốt hiệu quả tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng được chú trọng.
Phạm Minh Tuấn/TTXVN
Tags