(Thethaovanhoa.vn) - Sau những nỗ lực trong học tập, được ghi nhận tại các giải thưởng âm nhạc uy tín quốc tế, ở tuổi 14, Trần Lê Quang Tiến là gương mặt trẻ nhất được vinh danh trong buổi lễ Tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2016.
Nhìn vào bảng thành tích của Trần Lê Quang Tiến, có lẽ kết quả học tập của tài năng trẻ này không nằm ở số lượng, mà ở chất lượng: giải nhất Cuộc thi violon quốc tế tại Thái Lan năm 2014, học bổng Toyota năm 2015 và giải nhất Thi violon quốc tế tại Kazakhstan năm 2016.
Trong đó, giải nhất cuộc thi violon quốc tế tại Kazakhstan năm 2016 không chỉ có ý nghĩa riêng trong quá trình học tập của Tiến mà kể từ khi nghệ sĩ Bùi Công Duy đoạt giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997 thì Tiến là người thứ hai đã ghi dấu về thành tích đào tạo tiêu biểu đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại cuộc thi Violin Quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của Châu Âu và quốc tế.
Tài năng xuất chúng khi theo đuổi nghệ thuật hàn lâm với cây đàn violon của Trần Lê Quang Tiến được chính thầy giáo, NSƯT Bùi Công Duy nhận định: sự thiên bẩm và bản lĩnh sân khấu đã giúp Tiến "rút ngắn" thời gian để tăng tốc trong quá trình học.
Cũng chính vì thế, ngay sau giải thưởng này, NSƯT Bùi Công Duy và Học viện Âm nhạc Quốc gia đã sớm có những chiến lược đào tạo để Tiến có thể tham gia những cuộc thi nhiều thử thách hơn như cuộc thi Tchaikovsky danh tiếng.
Năm 2016 cũng là một năm đáng nhớ của Trần Lê Quang Tiến khi em được chọn là đại diện duy nhât của khoa Dây, cũng là đại diện cho thế hệ trẻ của học viện, vinh dự biểu diễn trong buổi Gala chào mừng 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc, sau tấm gương lớn và là thế hệ "khai sinh" ra Học viện: NSND Thái Thị Liên.
Sau một năm học tập vất vả, kết quả là một thành tích đáng nể, Tiến bảo đáng nhớ nhất với em là cuộc hành trình đến với cuộc thi tại Kazakhstan.
"Thú thật là em không thích đi thi cho lắm. Còn tất nhiên, khi đã xác định đi thi thì cũng phải có tinh thần "rinh" giải thưởng. Nhưng trên hết, khi tham gia các cuộc thi, với em đó là một sự trải nghiệm quý báu khi được đứng trên những sân khấu quốc tế.
Em muốn được biểu diễn trên những sân khấu không phải là "sân nhà" vì những không gian mới luôn giúp em có nhiều kinh nghiệm biểu hơn.
Như khi sang tham dự cuộc thi ở Kazakhstan vừa qua, em đã thực sự bị choáng ngợp bởi sự lộng lẫy của sân khấu nhà hát và em mong mình sẽ có nhiều cơ hội biểu diễn trên những sân khấu như vậy trong tương lai.
Bên cạnh đó, khi đến Kazakhstan, lần đầu tiên em biết đến tuyết.
So với lần thi ở Thái Lan, đây là lần đầu, em có một chuyến đi thi xa và vất vả. Với một ngày chỉ để...bay thì thời gian chờ đợi khi quá cảnh ở Hàn Quốc đã mất 10 tiếng đồng hồ. Rồi sang Kazakhstan trong cái lạnh âm dưới hàng chục độ, em tập đàn.
Nhưng sau cuộc thi, em có dịp đi thăm thú thành phố, được thấy một hệ thống kiến trúc khoa học và rất đẹp được xây dựng ở đây. Đó là những ấn tượng em sẽ nhớ mãi trong chuyến đi này" - Tiến chia sẻ.
Tài năng violon Trần Lê Quang Tiến
Trần Lê Quang Tiến rất may mắn khi nhận được sự động viên, hỗ trợ và thậm chí "hối thúc" không chỉ của ba mẹ mà còn cả những "khích tướng" của chị gái, pianist Trần Lê Bảo Quyên.
Trong gia đình, ba mẹ Tiến luôn đồng hành cùng con bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Với anh Trần Bình là sự nhắc nhở con nghiêm khắc. Có những hôm dù hơn 10 giờ tối nhưng ở dưới nhà, không nghe thấy tiếng đàn của con trên gác, anh vẫn "lên tiếng" hỏi han. Nhưng với chị Xuân Hà - mẹ của Tiến thì chị lựa chọn sự nhẹ nhàng, thủ thỉ để con tiếp nhận việc học "tự nguyện" hơn.
Nhiều khi, chỉ đơn giản là trên quãng đường đưa con đến trường, đến nhà thầy học, chị bật đĩa nhạc trên xe cùng nghe với con. Đôi khi, chị lại lựa chọn là khán giả của con để chia sẻ những cảm nhận của mình về những tác phẩm con đang học.
Và đặc biệt hơn, chính những câu chuyện về truyền thống văn hóa, văn hiến của gia đình từ những tấm gương lớn như nhà văn Nguyễn Tuân, nguyên thượng tướng Trần Văn Quang hay danh họa Nguyễn Tư Nghiêm mà chị Xuân Hà thường kể cho con nghe hàng ngày, đã có những tác động tích cực, quan trọng trong nhận thức và định hướng con đường học tập của Tiến.
Chẳng thế mà không ít lần, mỗi khi đứng trước những kì thi lớn, Tiến luôn đứng trước ban thờ tổ tiên, thắp hương, mong cụ Nguyễn Tuân phù hộ cho cháu.
Nhưng hơn cả, Tiến học được ở truyền thống gia đình mình một tinh thần "võ" ở nhà văn Nguyễn Tuân và một tinh thần "văn" ở thượng tướng Trần Văn Quang.
Tiến bảo rằng "nhớ về cụ Nguyễn Tuân, mẹ thường kể về nghị lực sống, về sự cống hiến của cụ trong sự nghiệp cho dù khi đó, cuộc sống gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Em hiểu đó là lời động viên và bản thân em cũng xác định, nếu mình có gặp phải những khó khăn trong tương lai, em cũng sẽ cố gắng để vượt qua.
Còn với ông nội, dù là một vị tướng nhưng cách mà ông dạy bảo con cháu lại rất mềm mỏng. Ông là người rất yêu thương em nên dù có mắng em ông vẫn chọn cách nhẹ nhàng. Em luôn nhớ hình ảnh của ông vẫn thường ngồi đợi em đi học về ở hiên nhà mỗi buổi chiều. Tình yêu thương của ông nội chính là điểm tựa, giúp em có được tiếng đàn mềm mại, tình cảm như bây giờ" - Tiến bộc bạch.
Trần Lê Quang Tiến (thứ 3 từ trái sang) trong buổi lễ nhận giải thưởng Công dân ưu tú Thủ đô 2016
Có một thực tế là không phải chờ đến cuộc thi violon quốc tế tại Kazakhstan năm 2016, công chúng mới biết đến Trần Lê Quang Tiến như một tài năng hiếm có. Mà trước đó, với những buổi trình diễn ở các sân khấu lớn nhỏ, thậm chí không phải trên sân khấu cổ điển hoành tráng thì Tiến đã được giới truyền thông hỏi thăm đến khá nhiều và sớm gọi đây là một "thần đồng".
Nhưng với gia đình, chị Xuân Hà bảo rằng mình rất sợ khi con được nhắc đến với danh hiệu "thần đồng" bởi dù Quang Tiến có xuất chúng thì truyền thông cũng không nên "tung hô" quá mức hay quá sớm trước một ... đứa trẻ - trong mắt chị.
Vì chị rất hiểu con, biết rằng con mình còn nhỏ, còn trong sáng với những danh hiệu. Bản thân con không "màng" đến những mỹ từ đó khi chỉ biết ăn học và vẫn còn ở tuổi ... chơi. Còn là những người làm cha mẹ, gia đình cũng không muốn, sau những giải thưởng (dù lớn hay nhỏ), con lại đi "lạc đường" hoặc mất phương hướng.
Với gia đình anh Bình, chị Xuân Hà, việc các con (chị gái Trần Lê Quang Tiến là Trần Lê Bảo Quyên hiện đang học piano tại Đức) đi đúng con đường tường minh trong cuộc sống là điều anh chị luôn hướng đến.
Và trên con đường đó, anh chị luôn nhắn nhủ các con: những thành tích ở tuổi trẻ chưa phải là đích đến cuối cùng. Quan trọng hơn, các con sẽ cống hiến được gì cho xã hội? Vì để làm được điều đó, cần phấn đấu để tạo nên những thành tựu có giá trị để đời.
Tiến hiểu điều mẹ dạy. Em bảo mình sẽ phấn đấu học tốt để tương lai, em không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, ra những sản phẩm âm nhạc chuẩn mực mà còn tiếp bước nghề giáo như thầy của mình.
Và trước mắt, Tiến đang tập trung toàn bộ thời gian luyện tập cho cuộc thi violon Tchaikovsky sẽ diễn ra vào mùa hè 2017.
Năm mới, Trần Lê Quang Tiến cùng chị gái, pianist Trần Lê Bảo Quyên đã lựa chọn chơi song tấu bản Salut D'Amour (Elgar Edward) như một món quà dành tặng những người yêu nhạc nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2107 và cũng là món quà dành tặng vị khán giả đặc biệt: mẹ của em nhân ngày sinh nhật.
Yến Thảo
Tags