(Thethaovanhoa.vn) - 9 năm trước, Kịch Hoàng Thái Thanh ra mắt vở Nửa đời ngơ ngác (kịch bản: Hoàng Mỹ Trang, đạo diễn: NSƯT Thành Hội), chuyển thể từ truyệnChiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư đã lấy nhiều nước mắt khán giả. Cảm xúc của Nửa đời ngơ ngác đã thôi thúc nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như muốn kể tiếp câu chuyện còn dang dở này, và Bên kia nửa đời ngơ ngác (kịch bản: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như) đã ra đời...
Đương nhiên phần tiếp theo này không liên quan trực tiếp đến nội dung phần một, nó hoàn toàn là đứa con được thai nghén và khai sinh bởi tác giả Hoàng Thái Thanh. Đứa con tinh thần này chào đời trong sự thôi thúc, nhưng đồng thời với người xem nó là một nỗi lo lắng, bởi không khéo câu chuyện kể thêm sẽ mất sức hấp dẫn, vì phần một đã quá thành công.
Tại phần tiếp theo này, các nhân vật chính đã vào tuổi trung niên. Như vậy là họ đã qua cái thời yêu đương hoa mộng, thế thì trong một vở kịch tâm lý - điểm xung đột tạo nên cao trào là tình yêu - có còn đủ sức tạo cảm xúc cho người xem?
Yêu là hãy bao dung
Tác giả Hoàng Thái Thanh vẫn kể về hai câu chuyện tình yêu với đầy đủ hương vị yêu thương, giận ghét. Trong đó, vẫn có những dằn vặt, trách hờn và hoài nghi. Thế nhưng, chủ đề tình yêu được nâng tầm lên một mức cao hơn để trở thành một bài học luân lý về đạo làm người.
Trong phần một, nhân vật người mẹ (Ái Như) khiến người xem ghét cay, ghét đắng vì định kiến giàu nghèo đã chia cách tình yêu đẹp giữa con gái mình (Lê) và Tư Nhớ. Trong phần hai, bà như được giải oan. Có người mẹ Á Đông nào sinh ra con, nuôi nấng đến trưởng thành mà không đau khổ và phẫn nộ khi đột nhiên có một chàng trai nào đó đến cướp mất trên tay mình mà không nói với mình một lời cho phải đạo.
Điều đáng nói, Tư Nhớ là một thanh niên nghèo và chưa đủ trưởng thành để trở thành chỗ dựa vững chắc cho người phụ nữ. Từ góc nhìn này, bà Hai đáng thương hơn là đáng trách.
Trong phần hai, nhân vật bà Hai càng ghi điểm trong lòng khán giả qua sự tinh tế và thấu đáo của người già, giàu trải nghiệm đời. Khi bà Hai nhìn vào nút áo xộc xệch, cái đầu bù tóc rối của Tư Nhớ liền nhắc nhở: “Đến nỗi cài nút áo mà còn làm không tốt thì làm sao có thể sắp xếp cuộc sống một cách đàng hoàng cho được”.
Hay tình huống, bà Hai nhắc Tư Nhớ phải sửa lại ngôi nhà tuềnh toàng cho kín đáo, thì người bạn đời mới tin mình có trách nhiệm và tấm lòng. Cảnh bà Hai kéo Út Lý về, để Lê ở lại tâm sự lần cuối cùng với Tư Nhớ, cho thấy tấm lòng và sự tinh tế của người mẹ.
Tương đồng với hình ảnh bà Hai là ông Tía (Thành Hội). Sự hiện diện của ông trong ngôi nhà nhỏ như là một người quan sát thấu hiểu, một quan tòa anh minh cho tình yêu của Hết (Ngọc Tưởng) và con dâu (Hoàng Vân Anh).
Ông ăn nói huỵch toẹt, không có những lời ngọt ngào, nhưng dạt dào yêu thương của tấm lòng người cha. Ông kể cho Hết nghe bi kịch hôn nhân của ông bà nội đã để lại nỗi đau tận cùng cho cuộc đời ông, đó là lời nhắc nhở khéo léo nhưng mạnh mẽ về bổn phận và trách nhiệm làm chồng của người đàn ông.
Khi ông dùng hình ảnh con chim trong lồng để kể cho con dâu nghe như gửi ẩn ý rằng khi yêu ai đừng nhốt họ trong chiếc lồng của mình, mà hãy bao dung và thấu hiểu...
Bài học về đạo làm người
Những bài học về đạo làm người của bà Hai và ông Tía dường như đang dần khan hiếm. Chính vì vậy, nó trở nên rất đắt trong vở Bên kia nửa đời ngơ ngác. Và nhờ thế mà phần hai không còn tập trung vào xung đột tình yêu, nhưng vẫn lôi cuốn vì sự tinh tế của bài học về luân lý, về tình người.
Như đã trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc, phần ánh sáng, âm nhạc và thiết kế cũng được đầu tư chỉn chu và tỉ mỉ. Chiếc võng tre là một đạo cụ đắt giá, biểu trưng cho hoàn cảnh của Hết, tạo một dấu ấn về tâm lý. Nó thú vị đến mức khi nhân vật nhắc đến là khán giả cười ồ.
Một điểm cộng khác của vở diễn là bên cạnh không khí trang nghiêm của bài học lễ giáo là rất nhiều tình huống cười nghiêng ngả. Sự nghiêm túc và tần suất cười được đan xen khiến người xem vừa lắng đọng trong cảm xúc, vừa thấy dễ chịu vì nét hài tinh tế.
Tất cả các diễn viên đều ghi điểm diễn xuất, nhưng NSƯT Tuyết Thu, Ngọc Duyên, Ngọc Tưởng, Hoàng Vân Anh nổi trội hơn một chút. Ngay cả nhân vật khá phụ như vai Lan Dẹo của NSƯT Hạnh Thúy cũng để lại ấn tượng mạnh.
Nếu trong phần một, diễn viên thủ vai Lan Dẹo diễn chưa tới, thì Hạnh Thúy đã giúp cho người xem hình dung rõ hơn tính cách của nhân vật này. Chị đã lột tả được tính chất “bà tám”, thích nhiều chuyện bằng cả lời nói và hình thể điệu đà.
Tiếng cười và những bài học về đạo làm người vô cùng mộc mạc nhưng sâu sắc là những gì nổi bật nhất của Bên kia nửa đời ngơ ngác. Đây là một vở diễn rất phù hợp trong không khí ngày Tết.
Tam Anh
Tags