(Thethaovanhoa.vn) - NSƯT Hữu Quốc khá hợp lý khi lấy tứ là hình ảnh những cánh diều không thể bay cao lên bầu trời, vì các sợi dây còn vướng bờ dậu. Nhưng sau khi bay xa thì chính những sợi dây kia lại trở thành yếu tố dẫn dắt con diều quay trở về, nếu muốn.
Vở kịch Diều ơi (kịch bản: Hữu Quốc, đạo diễn: Hữu Quốc - Vũ Trần) công diễn tuần qua tại Kịch 5B (TP.HCM) với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc, Tuyền Mập, Võ Ngọc Tân, bé Gia Hân… Rất nhiều người hâm mộ Thoại Mỹ đã đến xem, nên vé đã bán được cho cả các suất tiếp theo.
- Khai mạc Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc vì 'giới hạn giờ'
- Thêm một sân khấu kịch cho TP.HCM
Chuyển thể từ cải lương
Đây là vở kịch được Hữu Quốc chuyển thể từ 2 tập cải lương đã được phát hành do chính anh làm biên kịch và đạo diễn. Ở phiên bản kịch nói, nội dung không thay đổi đáng kể, trừ những vai diễn như Diều là bé trai thành bé gái, vai ông Tám thành vai bà Tám… Do vậy, nội dung câu chuyện không phải là điều khiến khán giả tò mò, mà có lẽ họ đến sân khấu để xem các diễn viên cải lương diễn kịch nói như thế nào. Ngoài Hữu Quốc, các nghệ sĩ cải lương như Thoại Mỹ, Quỳnh Hương… đã vào vai khá ngọt trong vở kịch này.
Tương tự như nghệ sĩ Phương Hồng Thủy ở phiên bản trước đây, Thoại Mỹ cũng đã khiến cho khán giả sân khấu ít nhiều cảm động, đôi chỗ rơi nước mắt. Ở lĩnh vực cải lương, Quỳnh Hương là một diễn viên đã khẳng định được năng lực của mình qua các vai đào già thì lần này chị vẫn thể hiện mình là một diễn viên đầy kinh nghiệm. Cảm xúc và lời thoại cho các lớp hài, lớp bi được Quỳnh Hương bung ra hoặc thu lại một cách hợp lý, không sa đà và chị còn cho khán giả thấy rõ tình mẫu tử qua tình cảm bà mẹ dành cho đứa con điên loạn của mình.
Với Hữu Quốc, trong các vở trước đây từng gây ấn tượng với khán giả bằng lối diễn kịch nói đầy tiết chế, không bị “cải lương hóa”, thì vai người chồng của vở Diều ơi lại nhạt nhòa. Một người đàn ông bị tiền bạc che mờ trái tim; làm một phụ nữ hóa điên; cướp con; nhận quả báo… mà không có đất diễn ư? Vậy mà sau 3 lần xuất hiện, gần như không để lại cảm xúc gì, giống như “làm nhiệm vụ” miễn cưỡng.
Chao đảo những phận người
Trong vở này, cánh diều giống như những phận người bé nhỏ của một làng quê nghèo, nơi mà cái ăn cái mặc và chuyện học hành cũng trở thành giấc mơ quá xa vời. Vậy nhưng, dù thiếu thốn đủ thứ thì tình mẫu tử, tình làng nghĩa xóm vẫn đong đầy ở mảnh đất ấy.
Nhân vật Nhớ vốn là một cô gái quê xinh đẹp, dễ mến, bỗng nửa điên nửa tỉnh sau khi vỡ lẽ cái thai trong bụng chính là toan tính của những kẻ lắm tiền chứ không phải là kết quả của một tình yêu như cô từng mơ mộng. Căn nhà nghèo nát chốn quê giờ đây có một bà ngoại già, một cô Nhớ điên khùng và một em Diều nhỏ nương náu, nên càng thêm rệu rã.
Nhưng ở đó có câu chuyện cảm động về tình mẫu tử và bản năng bảo vệ con của người phụ nữ không còn tỉnh táo ấy. Rồi một ngày, cô gái nhỏ được đưa đi như cánh diều gặp cơn gió chắp chới. Hai mươi năm dâu bể khiến ngày Diều trở về quê hương với bao bùi ngùi, mất mát.
Ở góc độ dàn dựng, Hữu Quốc có những cảnh dựng thông minh đem lại cảm xúc đẹp cho khán giả, như cảnh cuối cùng khi Diều lớn và Diều nhỏ thay phiên xuất hiện trước mắt Nhớ cùng với những cánh diều giấy. Ở đó, khán giả thấy được một bầu trời tuổi thơ tươi đẹp, lãng mạn, một tín hiệu tươi sáng dù các nhân vật đã trải qua đau khổ, mất mát. Có vài lớp diễn nếu trau chuốt thêm sẽ khá cảm động như cảnh bà mẹ già chết trên tay cô Nhớ; như cảnh Diều trở về quê ngoại sau 20 năm xa cách; như cảnh Diều gặp lại mẹ Nhớ mà mình từng phải kêu là chị…
Tuy nhiên, cảnh Diều trở về hơi sa đà vào chuyện nhát ma, gây cười và diễn viên Kim Nhã hơi non trong cách thể hiện. Nếu khai thác được linh cảm của một đứa con khi về thấy nhà trống trải, bà Tám hàng xóm thì đang qua thắp nhang, sẽ khai thác được sự mất mát và sự chao đảo của phận người.
Bỏ qua một vài đáng tiếc, vở kịch đã khai thác được câu chuyện rất dễ khiến khán giả cảm động. Bên cạnh sự thương cảm về hoàn cảnh nhà cô Nhớ, đó còn là cái tình làng quê chân chất, thẳng thừng.
Lâm Hạnh
Tags