(TT&VH) - Mới đây, Kịch Bệt (TP.HCM) đã tái diễn vở cải lương thuộc hàng kinh điển của Hà Triều - Hoa Phượng là Rồi 30 năm sau (ĐD: Lương Duyên) dưới phiên bản kịch nói, với ngôn ngữ hiện đại hơn. Vở này ra đời trong giai đoạn 1955 -1965, cùng với Nửa đời hương phấn, Thái hậu Dương Vân Nga, Tấm lòng của biển, Sông dài, Tuyệt tình ca, Cô gái Đồ Long, Khi hoa anh đào nở, Nỗi buồn con gái... là những tác phẩm mẫu mực và nổi tiếng của sân khấu Việt Nam một thời, vốn được dàn dựng rất nhiều lần.
Câu chuyện của Rồi 30 năm sau khá đơn giản, nếu đặt trong cái nhìn ngày hôm nay, đó là vì người vợ ngoại tình mà dẫn đến cái chết của hai người chồng, gia đình thất tán và con cái gần như giết nhau. Thế nhưng, trên cái sườn giản đơn này, tác giả đã đưa ra được những giá trị sâu sắc của mâu thuẫn giàu nghèo, của luật nhân quả và tòa án lương tâm.
Cảnh trong vở Rồi 30 năm sau
Giết người rồi vu oan
Vở kịch bắt đầu bằng không khí vui vẻ của một đám cưới sắp diễn ra của Long - nhà văn nghèo (Cao Tiến thủ vai) ¬với Hân - tiểu thư đài các (Đoàn Thanh Phượng), thì bất ngờ câu chuyện của gần 30 năm được gợi lại, làm đám cưới bị ngăn cản. Ở đây không chỉ có sự giết người cướp vợ, vu oan miệt thị, mà còn là nỗi trái ngang, bẽ bàng của kiếp người… Cha của Long, vì muốn bắt quả tang vợ ngoại tình, mà bị tình địch đập đầu chết rồi vu cho tội ăn trộm, khiến một gia đình nho nhã phải mang tiếng xấu suốt mấy chục năm. Éo le, cha của Hân chính là hung thủ lọt lướt pháp luật năm xưa, để cuối cùng, vì thất thần trước sự thật được phơi bày, hung thủ xưa phải tự tử ở đời nay.
Trước một kịch bản nặng về tâm lý, đã được dàn dựng khá nhiều lần và rất thành công (cả ở cải lương và kịch), thế nhưng đạo diễn trẻ Lương Duyên vẫn tìm được vài nét riêng cho mình. Đó là cái giá của sự ngoại tình vẫn thời sự và quá đắt, dù thực tế việc này đang khá phổ biến, chẳng còn là tội đồ đến mức phải “cạo đầu bôi vôi” hay “thả sông” như xưa.
Một nét mới nữa, đó là từ câu chuyện khá dài và phức tạp, vì khuôn khổ nhỏ của sân khấu, Lương Duyên đã lược bỏ nhiều chi tiết và thời lượng cho phù hợp, thế nhưng vẫn đủ chiều sâu tâm lý và đường dây nhân vật. Nếu so với các bản dựng trước đây, ngôn ngữ điện ảnh (với cắt cúp, chuyển cảnh…) là nét riêng của Lương Duyên, nó giúp vở diễn có tiết tấu nhanh, dễ gần với khán giả ngày nay.
Trong kịch bản gốc, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng luôn muốn nhắn gởi với khán giả rằng: Dù tòa án pháp luật, vì đồng tiền, có thể để lọt lướt những tội ác, nhưng tòa án công lý và lương tâm thì không bao giờ. Bản dựng mới vẫn tuân thủ điều đó, dù cách nói kín đáo và ít giáo điều hơn.
“Cạnh tranh” với bóng đá
Dù VCK EURO 2012 đến đầu tháng 6/2012 mới khai mạc, thế nhưng Kịch Bệt đã lường trước “sự ế khách” này, nên muốn đầu tư vào một vở nổi tiếng để phần nào giữ chân khán giả. Dù phân khúc khán giả của mỗi bộ môn là khác nhau, nhưng sức ảnh hưởng của môn thể thao vua thì kinh khủng, nên sân khấu kịch nào cũng muốn có “chiêu bài” của riêng mình.
“Chọn một vở kinh điển để tái dựng, với quy mô và kinh phí nhỏ, tôi biết là rất khó khăn, nhưng không thể không làm. Thứ nhất, chúng tôi được một đạo diễn có quyết tâm để thực hiện, nên muốn cùng nhau thử sức. Thứ hai, trong mùa bóng đá châu Âu, vốn thu hút nhiều giới trẻ, nếu mình không có cái gì đó nổi bật, thì giống như mình thiếu cố gắng, khán giả có thể không đến với mình nữa”, Thiên Kim, bà bầu của Bệt cho biết.
Nói chung, chưa thể nói đây là một bản dựng chỉn chu, nhưng nó là một nỗ lực đáng khen của những nghệ sĩ trẻ. Dù dấu ấn của đạo diễn chưa thật rõ, nhưng nếu biết cách điều chỉnh trong các suất kế tiếp, thì vở này vẫn có thể tham gia liên hoan sân khấu trẻ toàn quốc sắp diễn ra. Vở diễn còn có sự tham gia của Thế Sơn, Lương Duyên, Tuyết Mai… và đang sáng đèn hàng tuần tại Bệt (57A Tú Xương, TP.HCM).
Văn Bảy