(TT&VH) - Phát biểu trong lễ tưởng niệm 100 năm sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng (diễn ra sáng 20/10, tại Hà Nội), nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn lời nhà văn Lan Khai rằng, tác giả Số đỏ đã can đảm là chính mình trong khi phần đông các nhà văn khác không thể thành thực…
Tem kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ảnh: vanvn
1. "Vũ Trọng Phụng đem cái bạc ác, nhẫn tâm vào đầy rẫy trong tác phẩm của mình. Những gì anh viết ra dù chẳng đem lại cho ta chút hy vọng nào, song tất cả đã khiến ta thấy rõ hiện trạng xã hội và khiến ta phải suy nghĩ. Ta biết ơn, khen ngợi Vũ Trọng Phụng ở chỗ anh đã can đảm trong khi phần đông các nhà văn khác không thể thành thực", nhà văn Lan Khai.
Còn nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: "Anh chưa sáng suốt đến mức độ cải tạo được xã hội nhưng đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một văn nghệ sĩ. Nghệ thuật chính là cách biểu thị tối cao thái độ bất bình. Văn chương của anh là sự bất bình sôi nổi, nhiều khi sâu cay, phũ phàng và độc ác".
Năm 1931 là thời điểm sôi nổi, biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa ở Đông Dương và từ góc độ nhà văn, bối cảnh đó là môi trường tuyệt vời để sáng tác. "Cả Vũ Trọng Phụng và các nhà văn khác đều gặp thời. Nhưng những nhà văn khác có thể theo những đường hướng khác, còn Vũ Trọng Phụng xác định rất rõ: tập trung vào Hà Nội. Quá trình tiếp nhận thực tiễn và trí thức đã tạo nên một Vũ Trọng Phụng không giống với những nhà văn khác cùng thời về bản chất và tài năng.
Trời cho ông thời thế, và tài năng ấy đã tiếp nhận được thời thế ấy", GS Hà Minh Đức khẳng định.
Vũ Trọng Phụng đã bất tuân quy luật cân xứng (có tốt, có xấu) đó mà tung lên sân khấu toàn nhân vật phản diện. Trong các tác phẩm và nhân vật của "ông vua phóng sự đất Bắc", nhà nghiên cứu này nhận định Số đỏ là "siêu tiểu thuyết" còn Xuân tóc đỏ là "siêu nhân vật".
2. Tại lễ tưởng niệm, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nêu một ý kiến đáng chú ý về việc chúng ta đang đối xử ra sao với các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, về khía cạnh văn bản.
Trong thế kỷ 20, văn Vũ Trọng Phụng nhiều lần bị vướng vào cuộc tranh cãi về tính khiêu dâm và suy đồi. Điều này khiến tác phẩm của ông qua các lần công bố thường bị chỉnh sửa, lược bỏ nhiều chi tiết. Chẳng hạn, từ "hiếp" trong tiểu thuyết Giông tố có lần đăng bị thay bằng dấu ba chấm (làm liên tưởng đến trường hợp gần đây, khi tiểu thuyết Làm đĩ được dựng kịch đã bị đổi tên thành Làm...).
"Vấn đề đặt ra hiện nay là các bản thảo đã và đang bị xâm hại một cách đáng tiếc, đó là sự thiếu trân trọng đối với các nhà văn quá cố. Chúng ta cần phải có một thái độ làm việc khách quan, công bằng hơn”, ông Ân thẳng thắn.
Mi Ly