70 năm Giải phóng Thủ đô: Biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa Hà Nội

Thứ Sáu, 01/11/2024 23:28 GMT+7

Google News

Cách đây 5 năm (30/10/2019), Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ký Quyết định công nhận 66 thành phố trên thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có Thành phố Hà Nội.

Với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững, Hà Nội là một trong 246 Thành phố sáng tạo trên thế giới, là thành phố thứ 32 được công nhận về lĩnh vực thiết kế. Đó chính là cơ hội giúp Hà Nội tăng cường vai trò và vị thế của mình, khai trác những lợi thế tiềm năng nhằm tạo ra sự khác biệt, độc đáo và hấp dẫn.

Sử dụng sáng tạo như một nhân tố thúc đẩy hành động của TP Hà Nội

Trọng tâm của Hà Nội là đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững thành phố, với tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Bề dày nghìn năm văn hiến, kho tàng di sản văn hoá to lớn của Thủ đô sẽ trở thành một trong nguồn lực quan trọng phát triển các lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Đồng thời, với lợi thế là đầu mối giao lưu văn hoá lớn của đất nước, nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước, Thành phố sẽ coi đây là “chìa khoá” vàng trong việc tiếp nhận và phổ biến tri thức, giáo dục, công nghệ mới; Sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức giáo dục với cơ sở hạ tầng hiện đại, trong bối cảnh cách mạng 4.0 đều là các yếu tố đòn bẩy giúp Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển bền vững… Thành phố cũng thúc đẩy mở rộng và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, trên tinh thần “Hợp tác, đầu tư và cùng phát triển”, Hà Nội sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp thiết kế sáng tạo và gieo mầm cho những ước mơ khởi nghiệp.

Tuy nhiên, những thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt chính là sự tăng trưởng kinh tế không ổn định. Quá trình đô thị hoá tăng nhanh cũng như sự gia tăng dân số quá cao đã và đang gây áp lực lớn lên việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quy hoạch kiến trúc đô thị; trong lĩnh vực giáo dục, thông tin về sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Chú thích ảnh

Có thể nói, đứng trước những cơ hội và thách thức, Hà Nội đang đứng trước một bước chuyển mình then chốt. Việc được UNESCO vinh danh Thành phố vì Hòa bình vào năm 1999 với các cam kết trên các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hoá – giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ… đã tạo nền tảng vững chắc để Hà Nội tiếp tục thực hiện những thay đổi lớn lao. Vì vậy, trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO tiếp tục là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới. Những thay đổi này sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc để Hà Nội đề xuất các giải pháp thiết kế sáng tạo hướng thành phố tới sự phát triển bền vững; góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của người dân, cũng như giải quyết các áp lực cơ sở hạ tầng và dân số. Đây còn là động lực để thành phố nâng cao nhận thức toàn diện trong xã hội về vai trò của thiết kế, khuyến khích sự cống hiến cho thiết kế và đổi mới trong cộng đồng thanh niên Việt Nam. Bên cạnh đó, việc trở thành một phần của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sẽ gia tăng mối liên kết, khả năng thực hiện các cam kết giữa các thành phố khác nhau trong các dự án công cộng và tư nhân; nâng cao năng lực thể chế, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, kết nối hiện tại và tương lai.

Di sản – nền tảng của sáng tạo

Có thể nói, Hà Nội là thành phố của di sản bởi quỹ di sản văn hoá Hà Nội vô cùng phong phú, đứng đầu cả nước với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia, 4 bảo tàng công lập và 15 bảo tàng ngoài công lập đang lưu giữ, bảo quản hàng vạn hiện vật quý giá. Trong số đó đặc biệt phải kể đến di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; 02 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Kéo co ngồi ở Hội đền Trấn Vũ và Kéo mỏ ở Hội đền Vua Bà (Hồ sơ đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi Kéo co”);16 di tích quốc gia đặc biệt; 18 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Quỹ di sản phong phú chính là nguồn lực quí giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Vì vậy, bảo tồn phát huy các di sản kiến trúc – đô thị, và các di sản văn hoá chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chương trình về phát triển bền vững thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo mà Hà Nội vừa tham gia, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm, Thành phố đã nỗ lực triển khai công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Từ 2016 – 2018, có 319 lượt di tích trên địa bàn Thành phố được tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn kinh phí: 1.782,983 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước: 1.321,615 tỷ đồng; Nguồn xã hội hóa: 461,368 tỷ đồng); Nhiều dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã và đang được triển khai có hiệu quả trong cộng đồng như: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô (Quốc Oai), Trống quân (Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên); Nghề rèn ở Đa Sĩ (Hà Đông); Tri thức làm thuốc Nam của người Dao (Ba Vì); Tiếng lóng ở Đa Chất (Phú Xuyên). Đặc biệt, Hát Ca trù năm 2009 được UNESCO ghi vào danh mục di sản cần bảo vệ khẩn cấp, từ lúc tìm được người hát Ca trù còn khó thì đến nay sau 10 năm bảo tồn đã có hàng chục giáo phường, câu lạc bộ thường xuyên hoạt động, nhiều nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng, các tài năng trẻ Ca trù đang từng bước tiếp nối, bảo tồn di sản…; Nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với nhân dân và du khách như: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2018 và 2019; chương trình quảng bá, giới thiệu về văn hóa ẩm thực Hà Nội tại thành phố Toulouse – Pháp trong khuôn khổ Hội nghị phi tập trung Việt Nam – Pháp lần thứ 11, đặc biệt ẩm thực truyền thống Hà Nội phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2 được các nhà báo quốc tế ưu ái tôn vinh là di sản – ngoại giao văn hóa.

Chú thích ảnh
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu


Song hành với các hoạt động tuyên truyền, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá cộng đồng gắn kết người dân với di sản, vì vậy, nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao. Ngày càng có nhiều di sản được nhận diện một cách rõ nét; nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế như: Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn – hồ Hoàn Kiếm, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Hương, Nhà hát Múa Rối nước Thăng Long… góp phần phát triển kinh tế – xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị ra thế giới.

Có thể thấy, hiện nay, Thành phố sáng tạo thường được gắn với các lĩnh vực về công nghệ, sử dụng công nghệ số, internet, công nghệ nano… song hơn thế, Thành phố sáng tạo phải là nơi sáng kiến cải tạo không gian, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị; Đưa khoa học, công nghệ vào đời sống để thúc đẩy sáng tạo, tạo dựng các không gian sống thúc đẩy sáng tạo và đổi mới. Vì vậy, việc phát huy bề dày của tầng lớp văn hoá lịch sử, gắn kết với ứng dụng khoa học, công nghệ … sẽ xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị độc đáo, có bản sắc riêng, có tính cạnh tranh riêng biệt so với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đô thị hoá và toàn cầu hoá. Bên cạnh đó, phát huy các giá trị di sản còn là nền tảng để tạo nguồn cảm hứng sáng tạo các lĩnh vực sáng tạo khác như: Thiết kế hội hoạ, thời trang… Đặc biệt, tạo cơ hội để thu hút các hoạt động hợp tác quốc tế, phát triển du lịch…

Vì vậy, Thành phố cũng đang quan tâm tới việc bảo tồn các công trình kiến trúc nổi bật của Hà Nội như: Các công trình mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp có tầm vóc khu vực như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Toà nhà Bộ ngoại giao, Bắc Bộ Phủ…, khu phố Pháp, khu phố Cổ Hà Nội… Đồng thời, xây dựng, phát triển không ngừng các công trình kiến trúc đương đại, mang tính biểu tượng mới như Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân… Các không gian đường phố, hay công trình kiến trúc cũ, cổ được cải tạo sử dụng thành nơi tổ chức các hoạt động sáng tạo, kết nối cộng đồng đang góp phần làm cho người dân thêm yêu thành phố, tiếp thêm cho thành phố những năng lượng sống mới cả về vật chất và tinh thần.

Chú thích ảnh
Tòa nhà trăm mái là tên gọi khác của trụ sở Bộ Ngoại giao, tọa lạc giữa ngã tư Chu Văn An, Điện Biên Phủ đến Tôn Thất Đàm (quận Ba Đình, Hà Nội)


Bên cạnh sự phong phú của các công trình kiến trúc đô thị, với nguồn lực từ 1.350 làng nghề thủ công truyền thống, kỹ năng và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tại các làng nghề đã tạo nên sự đa dạng mẫu mã của các sản phẩm, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông, mây tre đan Phú Vinh, quạt Chàng Sơn, gỗ mỹ nghệ Thiết Úng… Làng nghề truyền thống với lịch sử hình thành lâu đời, còn bảo tồn được những không gian cảnh quan và các công trình công cộng (cổng làng, cây đa, giếng nước, đường làng, ngõ xóm), các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống gắn với tổ nghề và các nghi lễ đặc sắc, nhiều làng nghề gắn bó chặt chẽ với các phố nghề trong đô thị đã và đang là không gian tạo nguồn cảm hứng sáng tạo độc đáo để phát huy các giá trị truyền thống của các làng nghề trong thời kỳ mới.

Có thể nói, việc trở thành một phần của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế đã mang lại cơ hội to lớn để Hà Nội khai thác các tiềm năng và thế mạnh của mình biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành thành phố di sản và phát triển bền vững. Và Hà Nội, với một tầm nhìn chiến lược, Hà Nội đang dần đạt được mục tiêu trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở Đông Nam Á.

Ngọc Huy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›