(Thethaovanhoa.vn) - Ngày sách Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến 22/4 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều sự kiện, dự kiến có gần 100 đơn vị trực tiếp tham gia. Một sự kiện khác ở quy mô nhỏ hơn cũng rất ý nghĩa. Đó là vào lúc 19h30 ngày 18/4 tại sân khấu Kim Ngân (TP.HCM), mô hình xây chầu Đại Bội sẽ được tái dụng để kể chuyện hình thành của hát bội Việt Nam trong không gian cúng đình dịp lễ Kỳ Yên ở Nam bộ.
1. Hội thảo khoa học Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng tại Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) vào ngày 17/4 là một sự kiện tiêu biểu hướng đến Ngày sách Việt Nam 21/4. Tiếp theo, ngày 18/4 tại Hà Nội sẽ diễn ra hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm Ngày sách Việt Nam, đồng thời khai mạc hội sách tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội (kéo dài đến 22/4).
Trong nhiều mục tiêu đặt ra cho ngày sách, ưu tiên nhất vẫn là tìm giải pháp kích thích niềm yêu thích đọc sách của người Việt, đặc biệt giới trẻ, vì điều này hiện nay vẫn còn quá thấp.
Theo thông tin, Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa công bố, 5 năm qua Việt Nam đã xuất bản được gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản in. Riêng ngành giáo dục đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách cho thư viện các trường. Nói chung về mặt số liệu thì có những tăng trưởng khá đáng kể, nhưng bình quân sức đọc của người Việt vẫn chưa được 1 cuốn sách/1 năm.
Gần đây chúng ta hay đề cập đến khái niệm văn hóa đọc, đồng thời chỉ ra những hạn chế trong việc phát triển văn hóa đọc, mà dễ thấy nhất là việc học đường còn thiếu vắng những tiết đọc sách và không tạo được thói quen cho độc giả từ nhỏ.
Nhiều người cũng đồng nghĩa văn hóa đọc với việc đọc cụ thể một cuốn sách, một tài liệu nào đó, điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi sự trọng thị việc đọc của người khác, cùng nhau tạo ra những giá trị, chuẩn mực và sự khích lệ việc đọc của cộng đồng cũng quan trọng không kém.
Danh ngôn của Voltaire có thể là một nguồn cảm hứng về việc đọc. Ông viết: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.
2. Xây chầu và Đại Bội là những nghi thức quan trọng trong lễ Kỳ Yên ở đình làng Nam Bộ. Nếu Xây chầu thiên về hoạt động tâm linh, thì Đại Bội là diễn một số hoạt cảnh hát bội, nhằm giải thích nguồn cội của quê hương và con người. Thường thì Đại Bội gồm một số cảnh diễn chính như khai thiên tịch địa, xang nhật nguyệt, tam tài, đứng cái, bát tiên chúc thọ, gia quan tấn tước…
“Xây chầu và Đại Bội là quá trình diễn tấu văn nghệ do những nghệ nhân dân gian trình diễn, trong những không gian thiêng liêng dân dã, phục vụ cho dân làng thưởng thức. Nó đáp ứng được nhu cầu tâm linh của dân làng trong việc thờ thần và vui chơi trong mỗi kỳ lễ Tết, theo nhịp thời gian vụ mùa”, nhà nghiên cứu Trần Kiều Quang nhận định.
Kỳ 4 của hành trình Diễn xướng Nam bộ tại sân khấu Kim Ngân (TP.HCM) tối 18/4 dù có tên Xây chầu Đại Bội, nhưng sẽ không tái hiện y chang không khí lễ Kỳ Yên ở đình làng, mà mở rộng thành hành trình ngược về quá trình nội sinh hát bội. Từ những sinh hoạt ca - vũ - nhạc trong dân gian, từ sự tiếp biến với sân khấu Đông Bắc Á và Nam Á, hát bội là hình diễn xướng ước lệ và tổng hợp, thành nét độc đáo của người Việt. Miền Bắc thường gọi là hát tuồng, miền Trung hát bộ, miền Nam hát bội. Không chỉ khác về tên gọi, mà về thể thức trình diễn và bài bản, mỗi miền có mỗi đặc trưng riêng.
Như Hà
Tags